Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phương thuốc ổn định sản xuất

Hương Ly| 02/04/2011 06:08

(HNM) - Trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, lãi suất ngân hàng ở mức cao… gây áp lực lớn cho doanh nghiệp (DN), Chính phủ đã chấp thuận đề xuất của Bộ Tài chính giãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho DN vừa và nhỏ (DNVVN).

Theo Bộ Tài chính, số thuế TNDN được giãn nộp trong năm 2011 khoảng 4.000 tỷ đồng, sẽ góp phần quan trọng giúp DNVVN có thêm vốn để ổn định sản xuất, tạo tiền đề quan trọng để giữ ổn định kinh tế vĩ mô và chống lạm phát.

Dây chuyền sản xuất hàng nhựa dân dụng tại HTX Song Long. Ảnh: Huy Hùng

Thêm 4.000 tỷ đồng tiền vốn cho doanh nghiệp

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ cuối tháng 3, nhiều chính sách hỗ trợ người dân và DN đã được công bố. Trong đó, Chính phủ chấp thuận đề xuất của Bộ Tài chính, gia hạn thời gian nộp thuế TNDN trong một năm cho các DNVVN, DN siêu nhỏ. Số thuế được gia hạn nộp là tiền thuế TNDN tạm tính hằng quý, số thuế quyết toán năm 2011, bao gồm cả số thuế TNDN năm 2010 chuyển sang nộp vào năm 2011. Trường hợp DN hoạt động nhiều ngành nghề, lĩnh vực thì số thuế TNDN được gia hạn nộp không bao gồm số thuế tính trên phần thu nhập từ hoạt động kinh doanh bất động sản, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, kinh doanh các mặt hàng nhập khẩu không thuộc diện thiết yếu. Như vậy, số thuế tính tạm nộp quý I-2011 của DN được gia hạn nộp thuế chậm nhất đến ngày 30-4-2012; quý II-2011 được gia hạn nộp thuế chậm nhất ngày 30-7-2012; quý III-2011 gia hạn chậm nhất ngày 30-10-2012; quý IV-2011 gia hạn chậm nhất ngày 31-3-2013.

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, giãn nộp thuế tức là chưa thu. Như vậy, số tiền thuế lẽ ra DN phải nộp vào ngân sách sẽ được để lại, tạo thêm nguồn vốn kinh doanh. Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc giãn thuế TNDN làm giảm thu ngân sách khoảng 4.000 tỷ đồng nhưng sẽ giúp DNVVN có thêm nguồn vốn để ổn định sản xuất kinh doanh, qua đó đóng góp tích cực cho nền kinh tế.

Nghiên cứu kỹ để tránh hỗ trợ tràn lan

Theo thống kê của Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cả nước hiện có 450.000 DNVVN, chiếm khoảng 96% tổng số DN. Khối DN này sử dụng 50,1% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP cả nước. Trung bình, mỗi DNVVN sử dụng khoảng từ 200 đến 300 lao động. Song hiệu quả đầu tư của DN khối này cao hơn nhiều so với DN nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Sản xuất cáp điện tại Nhà máy Dây cáp điện Thiên Phú (Cụm công nghiệp Hà Bình Phương), huyện Thường Tín). Ảnh: Tiến Sính

Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hiệp hội DNVVN Việt Nam cho biết, chính sách giãn thuế TNDN được triển khai sẽ tác động rất tích cực đến các đối tượng được hỗ trợ. Với mức lãi suất vay vốn ngân hàng hiện tại, lợi nhuận của DN ít nhất phải đạt 25%/năm. Khi DN gặp khó khăn, vay vốn mà không trả được lãi thì ngân hàng bị ảnh hưởng, ngân sách nhà nước cũng sụt giảm do số thuế đóng góp của DN giảm. Việc giãn thuế giúp DN vượt qua khó khăn, bồi dưỡng nền kinh tế.

Nhận xét về quyết định giãn thuế TNDN của Chính phủ, các chuyên gia kinh tế cho rằng, muốn ổn định kinh tế trước hết phải ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khi DN khó khăn, Nhà nước cần hỗ trợ để DN tiếp tục hoạt động ổn định, làm ra của cải vật chất, tạo việc làm, qua đó tạo ra tiền đề vững chắc để chống lạm phát hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để chính sách hỗ trợ của Chính phủ đến đúng đối tượng, Bộ Tài chính cần hướng dẫn cụ thể theo hướng DN khó khăn đến đâu thì giãn thuế đến đó; những DN không gặp khó khăn thì vẫn phải nộp thuế bình thường, không nên hỗ trợ tràn lan. Các chuyên gia cho rằng, nên tập trung hỗ trợ DN sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu, xuất khẩu và DN thuộc khu vực nông nghiệp - nông thôn, đặc biệt là những DN sử dụng nhiều lao động. Như vậy, những DN thực sự gặp khó khăn sẽ được hỗ trợ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phương thuốc ổn định sản xuất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.