Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phường, phố và tên phố Hà Nội (tiếp theo)

Nguyễn Ngọc Tiến| 19/10/2015 05:32

(HNM) - Dù thiếu khách quan và có phần miệt thị nhưng qua đó cũng cho thấy bức tranh phố và phường Hà Nội trong thời loạn.

Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, điểm bắt đầu của các phố Hàng Gai, Hàng Đào, Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Cầu Gỗ. Trong ảnh: Chiếc xe cút kít đang chuyển động về hướng phố Cầu Gỗ. Ảnh tư liệu


Để tránh trùng lặp với các tên phố của các tỉnh khác, tên các danh nhân là vua đặt theo miếu hiệu như: Đinh Tiên Hoàng (không gọi là Đinh Bộ Lĩnh), Lý Thái Tổ (không gọi là Lý Công Uẩn)… Không chỉ đổi tên phố, Thị trưởng Trần Văn Lai còn đổi tên vườn hoa, Quảng trường Puginer thành Ba Đình; đồng thời cho giật đổ tượng Paul Bert ở Vườn hoa Paul Bert (nay là Lý Thái Tổ), Nữ thần tự do ở Vườn hoa Neyret (nay là Cửa Nam), bia kỷ niệm Jean Dupuis ở đường bờ sông (nay là Trần Quang Khải)...

Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau đó Quốc hội khóa I chính thức lấy Hà Nội làm Thủ đô. Bác sĩ Trần Duy Hưng (1912-1988) được cử làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính TP Hà Nội và ông đã có tờ trình với Chính phủ về việc đặt tên phố ở Hà Nội (được đăng tải trên Việt Nam Dân quốc Công báo số 21, ngày 25-5-1946). Theo tờ trình, một số đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương có công lao được đặt tên cho phố là Trần Phú, Phan Thanh, ngoài ra có một số thay đổi nhỏ và cơ bản tên phố do bác sĩ Trần Văn Lai đã đổi vẫn giữ nguyên. Sau khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ (12-1946), các cơ quan chính phủ rút lên Chiến khu Việt Bắc và Hà Nội bị Pháp tạm chiếm thì tên phố lại bị đổi theo tiêu chí của chính phủ bảo hộ thời kỳ đầu, các phố Trần Phú, Phan Thanh, Tôn Trung Sơn đổi thành tên khác. Nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi cũng được đặt tên phố. Năm 1949, Chính phủ "Quốc gia Việt Nam" do Cựu hoàng Bảo Đại làm Quốc trưởng được thành lập. Tại Hà Nội, dược sĩ Thẩm Hoàng Tín được bổ nhiệm làm Thị trưởng và ông lại tiến hành đổi tên phố vào năm 1951. Theo đó, các tên phố bắt đầu bằng chữ Hàng, các phố mang tên các anh hùng dân tộc, danh nhân Việt Nam vẫn giữ nguyên và tất nhiên một số tên phố đã phải đổi.

Ngày 10-10-1954, Chính phủ kháng chiến trở về tiếp quản Thủ đô, bác sĩ Trần Duy Hưng trở lại với chức vụ Chủ tịch Ủy ban Hành chính TP Hà Nội. Tên phố Anh quốc, Pháp quốc thời tạm chiếm lại trở về với tên cũ là Hàng Khay, Tràng Thi, Đồng Khánh về tên cũ Hàng Bài, phố Trần Phú thay cho Đại lộ Hàm Nghi, phố Lê Hồng Phong thay cho phố Tôn Thất Thuyết… các tên phố còn lại hầu hết như tên phố đã đặt năm 1951.

Băn khoăn tên phố

Trong suốt chiều dài lịch sử, đất nước ta trải qua quá nhiều cuộc chiến tranh chống ngoại xâm nên phố Hà Nội phần lớn đặt tên những anh hùng dân tộc, chí sĩ yêu nước là hoàn toàn phù hợp với tâm nguyện nhân dân. Hà Nội là Thủ đô của cả nước nhưng Hà Nội cũng vẫn là một địa phương mà ở đó nhiều người con đã hy sinh, đã cống hiến trở thành những tấm gương cho người dân Hà Nội. Việc đặt tên một vài con phố trước kia cũng làm cho nhiều người trăn trở và nói ra những trăn trở ấy xã hội biết, không phải để thay đổi vì thay đổi lại tên phố là chuyện không dễ dàng, ngay như quận Hà Đông sáp nhập vào Hà Nội đã 7 năm nhưng chưa thể đổi các tên phố trùng với các phố ở nội thành Hà Nội cũ.

Trong một bài viết đăng trên Báo "Người Hà Nội" số ra ngày 15-12-1988, nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Văn Uẩn đã chia sẻ: "Ấu Triệu là Lê Thị Đàn, một người cộng tác của Phan Bội Châu trong phong trào Đông Du hoạt động ở Huế, tên bà không gắn bó với Hà Nội lại đặt gần Ngõ Huyện mà nơi này lại gắn với một con người là Cai Trí (tên thật là Đỗ Đăng Lâm). Khi quân Pháp đánh thành Hà Nội năm 1882, quan lớn, quan bé bỏ chạy thì Cai Trí dù chỉ là viên đội xuất nhưng ông không bỏ nhiệm sở đã cùng hơn một chục lính của huyện Thọ Xương vào thành anh dũng chiến đấu chống quân Pháp bên cạnh Hoàng Diệu và hy sinh. Dân chúng quanh vùng cảm phục đã làm lễ truy điệu người nghĩa sĩ và lập miếu thờ ông ở cổng huyện (Ngõ Huyện ngày nay), sau đó lấy lòng quan Pháp, kinh lược Hoàng Cao Khải đã sai phá bỏ". Ghi nhớ công ơn Hoàng Diệu, đặt phố mang tên ông mà quên tấm lòng vì Hà Nội của Cai Trí là điều đáng tiếc. Một ví dụ khác là chúng ta đã ghi công ơn của Tổng đốc Nguyễn Tri Phương, người chiến đấu bảo vệ thành Hà Nội năm 1873 bằng cách lấy tên ông đặt tên cho đường chạy từ Bắc xuống Nam thành nhưng lại không có phố mang tên con trai ông là Nguyễn Lâm. Từ Đàng Trong ra thăm cha đúng lúc thực dân Pháp đánh thành, Nguyễn Lâm cùng cha lên mặt thành chỉ huy quân sĩ đánh Pháp và ông trúng đạn hy sinh. Giá như có con phố mang tên Nguyễn Lâm thì trọn vẹn tình nghĩa. Một danh nhân khác cũng gắn bó với Hà Nội là Đặng Huy Trứ, ông là nhà nho thức thời, người đầu tiên mở hiệu ảnh ở phố Thanh Hà năm 1868 và cũng là người đầu tiên mang nghề ảnh vào Việt Nam. Cuốn sách "Từ thụ qui yếu" nói về làm quan cho đến hôm nay vẫn có tính thời sự, nhưng tên ông chưa được đặt. Thực ra đặt tên phố Hà Nội hiện nay không có gì sai nhưng nhiều người cho rằng nên điều chỉnh ở một vài phố, song để làm điều ấy không dễ dàng vì thay đổi hay chỉnh sửa tên phố là phải thay đổi giấy tờ từ giấy khai sinh, sổ đỏ, chứng minh thư… của hàng trăm hàng nghìn người dân tại con phố đó.

Anh hùng dân tộc, các danh nhân, người có công, gắn bó với Hà Nội được đặt tên phố là xứng đáng nhưng chúng ta cũng cần tôn vinh những tấm gương về đạo đức, sống vì mọi người để người đời noi theo. Cuối thế kỷ XIX, Hà Nội có bà Lê Thị Mai, giàu có nhưng góa chồng sớm, không như những góa phụ giàu có khác bỏ tiền lập chùa, bà làm nhiều nhà gọi là quán sinh đồ ở phố Hàng Đậu, Hàng Giấy, Hòe Nhai dung nạp và cưu mang trò nghèo các tỉnh về Hà Nội học, bà còn làm nhiều việc thiện giúp đỡ người nghèo trong cả nước. Không chỉ dân trong tỉnh Hà Nội kính trọng mà lòng nhân ái của bà được cả nước biết đến, vua Tự Đức nghe tin đã tặng sắc phong. Một người đàn bà góa chồng khác là Hoàng Thị Uyên (còn gọi là bà Cả Mọc), giàu có nhờ buôn bán thật thà. Cứ nghe tỉnh nào dân đói khổ vì thiên tai bão lũ là bà ủng hộ tiền, gạo. Bà là người đầu tiên ở Việt Nam mở trường nuôi dạy trẻ miễn phí, mở trại dưỡng lão cho người già không nơi nương tựa. Nhiều người Pháp đến thăm và họ không ngờ "An Nam" mà lại có nhà trẻ đầy tính nhân ái vì mô hình này ở Châu Âu thời điểm đó rất ít. Trong tiểu thuyết "Trúng số độc đắc" của nhà văn Vũ Trọng Phụng xuất bản năm 1938, ông đã xúc động kể về nhà Tế Sinh vì ông thường xuyên đến thăm. Vua Bảo Đại cũng không ngờ nước Nam lại có một trại trẻ văn minh đến như vậy, ông ban cho bảng vàng nhưng bà từ chối và nhất mực "Đó là việc làm bình thường". Tháng 3-1946, Bác Hồ cho mời bà lên Bắc Bộ Phủ và dùng trà. Bà Cả Mọc rất cảm kích trước những lời khen ngợi của Bác Hồ nhưng bà nói những việc bà làm không có gì to tát so với nhiều người Hà Nội lúc đó. Rồi còn các nhà tư sản dân tộc yêu nước đã ủng hộ rất nhiều tiền vàng cho Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, cho Chính phủ kháng chiến là các ông: Trịnh Văn Bô, Đỗ Đình Thiện, Ngô Tử Hạ… cho đến nay không hiểu vì lý do gì vẫn chưa thấy được đặt tên phố trong khi TP Hải Phòng đã đặt tên phố nhà tư sản có công với nước Nguyễn Sơn Hà.

Mới đây Hà Nội đã đặt tên phố Trịnh Công Sơn dù nhạc sĩ này chỉ có một bài hát về Hà Nội, điều đó cho thấy Hà Nội cũng đã có cái nhìn mới trong đặt tên phố. Hy vọng trong những năm tới, Hà Nội sẽ có những con đường mang tên Lê Thị Mai, Hoàng Thị Uyên hay Trịnh Văn Bô…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phường, phố và tên phố Hà Nội (tiếp theo)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.