Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phương pháp phẫu thuật ngăn chặn cận thị tiến triển ở trẻ em

Nguyễn Năng Lực| 25/08/2015 16:38

(HNMO) - “Giàu hai con mắt…”, “Con mắt là cửa sổ tâm hồn”… Xã hội ngày càng phát triển, người ta càng có ý thức giữ gìn cho đôi mắt luôn sáng đẹp, trong trẻo.

Ghép giác mạc là một niềm hy vọng mới cho hàng nghìn bệnh nhân Việt Nam bị mù
do các bệnh giác mạc đang chờ được điều trị.


Thế nhưng khi xã hội ngày càng phát triển, cũng xuất hiện ngày càng nhiều người mắc các tật về mắt, khiến chất lượng cuộc sống giảm sút rõ rệt. Đặc biệt những năm gần đây, ngày càng có nhiều trẻ em bị cận thị. Nhiều lớp học sinh cấp tiểu học đã có hàng chục em bé mang kính cận dày cộp. Nhiều bậc làm cha mẹ đã nặng trĩu lo âu khi thấy đứa con yêu quý của mình cứ mỗi năm lại tăng số kính vài diof, mới chưa đầy 10 tuổi đã mang kính cận 4 – 5 diof, có bé phải đeo kính 8 – 9 diof, khiến bé khó khăn khi chơi đùa, hòa nhập cùng bè bạn, khi học tập và trong sinh hoạt hằng ngày. Cận thị đã trở thành thách thức thực sự đối với nền y sinh của nhân loại, đặc biệt với trẻ em, mức độ cận thị thường tiến triển rất nhanh

Để ngăn chặn cận thị tiến triển nhanh ở trẻ, bác sĩ có thể điều trị bằng chỉnh kính, dùng thuốc, phẫu thuật bằng tia laser… nhưng nếu với tất cả các phương pháp trên mà độ cận vẫn tăng “phi mã”, bệnh nhi sẽ được chỉ định phẫu thuật tạo hình củng mạc. Đây là phương pháp điều trị ngoại khoa nhằm ngăn chặn sự tiến triển của cận thị do trục nhãn cầu bị kéo dài, nhờ vậy sẽ ngăn chặn sự suy giảm thị lực và ổn định độ cận.
Phẫu thuât tạo hình củng mạc hiện nay phần lớn được thực hiện theo phương pháp Pivovarov – Pristavko (được công bố lần đầu tiên năm 1976) bằng cách đưa vào khoang thượng củng mạc ở cực sau của nhãn cầu những miếng ghép củng mạc hoặc bơm vào đó chất collagen thông qua những vết rạch củng mạc rất nhỏ. Những miếng ghép này (hoặc collagen) sẽ dần gắn chặt vào củng mạc của bệnh nhân và gia cố cho củng mạc thêm chắc chắn, ngăn chặn sự kéo dài ra của trục nhãn cầu. Thông thường, khi trục nhãn cầu kéo dài 1mm thì độ cận thị sẽ tăng lên 3 diof. Đồng thời, phẫu thuật còn có tác dụng tăng cường hoạt huyết cho nhãn cầu, rất có ích trong việc ngăn chặn thoái hóa võng mạc ngoại vi (là một biến chứng thường gặp ở bệnh nhân cận thị nặng và tiến triển).

Tại một cuộc Hội thảo nhãn khoa toàn quốc ở Đà Nẵng, TS. Kurshkin Vladimir đã trình bày báo cáo nghiên cứu theo dõi tác dụng của phẫu thuật này trên 507 trẻ bị cận thị trong độ tuổi từ 8 - 12 trong 5 năm. Kết quả cho thấy, những trẻ sau khi được phẫu thuật tạo hình củng mạc thì tốc độ tiến triển của cận thị giảm hơn 2,5 lần so với những trẻ không được phẫu thuật. Độ cận thị trung bình của trẻ sau khi mổ cũng thấp hơn so với trẻ không được mổ 2,3 diof.

Đây là một phẫu thuật an toàn, không gây biến chứng. Sau phẫu thuật bệnh nhân chỉ cần 5 - 7 ngày để bình phục và cũng không cần phải áp dụng một chế độ sinh hoạt đặc biệt, chỉ cần tránh những tiếp xúc hay va đập trực tiếp vào mắt. Sau phẫu thuật 6 tháng đến 1 năm, bệnh nhân được đo lại khúc xạ, làm lại siêu âm A để đánh giá tốc độ tiến triển của cận thị sau mổ. Theo các nghiên cứu khác nhau, bệnh cận thị đã giảm 70-90% tốc độ tiến triển trong tổng số bệnh nhân được mổ, hay làm giảm tốc độ tăng độ cận xuống gần 3 lần. Đến nay, trên thế giới vẫn chưa có một phương pháp nào có thể điều trị bệnh cận thị tiến triển hiệu quả thay thế được phương pháp này.

Phương pháp phẫu thuật tạo hình củng mạc lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam tại Bệnh viện Mắt quốc tế Việt – Nga theo chương trình hợp tác y tế về nhãn khoa giữa Việt Nam và LB Nga, do chính các chuyên gia từ Nga đảm nhiệm. Đến nay, Bệnh viện đã mổ thành công hơn 200 ca. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phương pháp phẫu thuật ngăn chặn cận thị tiến triển ở trẻ em

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.