(HNMO) - Sau khi bệnh Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trở lại tại phường Ngọc Thụy (quận Long Biên, Hà Nội), nhiều biện pháp đã được thực hiện nhằm khống chế, ngăn chặn bệnh lây lan.
Bệnh dịch tái phát
Trao đổi với PV HNMO ngày 21-5, bà Lê Thị Bích Hoài, Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy cho biết, ngày 18-5, lợn của gia đình ông Bàn Hữu Dũng (tổ dân phố 34) có hiện tượng ốm, bỏ ăn, sốt và 2 con trong tổng đàn 28 con bị chết. Ngay lập tức, cán bộ Trạm Chăn nuôi và thú y quận đã xuống lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh Dịch tả lợn châu Phi.
Một ngày sau đó, cũng tại tổ dân phố này, ở hộ ông Lê Văn Tác có 1 con lợn bị chết trong tổng đàn 11 con. Lực lượng thú y đã lấy mẫu xét nghiệm; đồng thời tiến hành cách ly số lợn còn lại. Đến 15h hôm nay (21-5), chưa có kết quả xét nghiệm. Nếu có kết quả dương tính với bệnh Dịch tả lợn châu Phi, số lợn trên sẽ lập tức được đưa đi tiêu hủy.
Cân lợn trước khi mang đi tiêu hủy để thuận tiện cho việc hỗ trợ hộ chăn nuôi. (Ảnh chụp tại phường Ngọc Thụy) |
Phường Ngọc Thụy là nơi phát hiện ổ bệnh đầu tiên ở Hà Nội tại một hộ chăn nuôi lợn rừng vào ngày 24-2. Sau thời gian khoanh vùng và dập dịch theo đúng quy định là 30 ngày, ngày 27-3, phường đã công bố hết bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, hiện nay, bệnh này đã xuất hiện trở lại tại địa phương.
Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy chia sẻ, phường có 50 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với tổng đàn lợn là 600 con, phần lớn các hộ chăn nuôi ở ngoài đê. Là địa phương đầu tiên trên địa bàn thành phố xuất hiện bệnh Dịch tả lợn châu Phi nên phường được nhiều cấp, ngành quan tâm hỗ trợ để phòng, chống bệnh. Các hộ dân đều được tuyên truyền nên có nhận thức tốt, chủ động và tự nguyện phối hợp với các cơ quan chức năng trong phòng, chống, không để bệnh lan rộng. Phường cũng bố trí quỹ đất xa khu dân cư để làm nơi chôn lấp lợn bệnh.
Ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn châu Phi lây lan
“Sau khi bệnh Dịch tả lợn châu Phi tái phát, nhằm khống chế và ngăn chặn bệnh lây lan, các đơn vị liên quan đã khẩn trương tiêu hủy số lợn bệnh theo đúng quy định”, bà Hoài nói.
Đồng thời, UBND phường chỉ đạo cán bộ chuyên môn rắc vôi bột tại hố chôn, trong chuồng nuôi và khu vực xung quanh; tổ chức phun tiêu độc khử trùng toàn bộ khuôn viên của gia đình có lợn chết và khu vực xung quanh. Cùng với đó, chốt kiểm dịch lưu động được lập tại khu ổ bệnh, hoạt động 24/24h nhằm kiểm soát bệnh.
Ông Nguyễn Văn Chính, cán bộ thú y phường Ngọc Thụy thông tin, sau khi ổ bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn phường xuất hiện trở lại, cán bộ chuyên môn rắc vôi và phun thuốc tiêu độc, khử trùng hằng ngày.
Phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại phường có bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn quận Long Biên. |
“Từ ngày 18-5 đến nay, UBND phường đã sử dụng 400 kg vôi bột và 10 lít hóa chất để phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn”, ông Chính cho biết.
Chiều nay, Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi phường Ngọc Thụy tổ chức họp, thông báo tình hình bệnh dịch cho 14 tổ trưởng tổ dân phố, những hộ chăn nuôi lợn...; phát các bản cam kết chấp hành quy định về phòng, chống bệnh với các nội dung như: Kê khai hoạt động chăn nuôi, cập nhật biến động về đàn chăn nuôi; thực hiện các biện pháp phòng bệnh bắt buộc; khai báo ngay khi phát hiện động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết; không giết mổ, mua bán, vứt động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, động vật chết, sản phẩm động vật mang mầm bệnh ra môi trường...
Trước tình hình bệnh Dịch tả lợn châu Phi tái phát, quận Long Biên cũng đã yêu cầu các phường trên địa bàn thực hiện đúng quy định về phòng, chống bệnh; tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống bệnh tại các hộ chăn nuôi, các chợ truyền thống, chợ dân sinh...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.