Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phương án thi tuyển sinh năm 2017: Băn khoăn thi trắc nghiệm

Quỳnh Phạm| 20/09/2016 07:23

(HNM) - Khi đợt xét tuyển cuối của các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2016 còn chưa kết thúc, những thông tin về kỳ thi tuyển sinh năm 2017 lại thu hút sự chú ý của dư luận. Trong đó, dư luận quan tâm nhất là những bàn thảo về việc Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ tổ chức thi trắc nghiệm nhiều môn và các trường ĐH, CĐ sẽ tuyển sinh như thế nào?

Nhiều môn thi được dự kiến sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm trong kỳ thi tuyển sinh năm 2017. Ảnh: Viết Thành


Chỉ tiêu phải căn cứ vào nhu cầu xã hội

Với dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam tỏ ra khá hài lòng. Bởi theo ông Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội, những năm qua, các chuyên gia của Hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị phương án đổi mới cho kỳ thi và tuyển sinh song hầu như không được Bộ chấp thuận. Tuy nhiên lần này, phương án của Bộ GD-ĐT khá gần gũi với những đề xuất của Hiệp hội. Trước hết, một kỳ thi tốt nghiệp sẽ vẫn được tổ chức thay vì bãi bỏ với lý do tỷ lệ tốt nghiệp luôn quá cao. Thứ hai, việc chủ trì thi được Bộ GD-ĐT dự kiến giao cho các sở GD-ĐT cùng các địa phương chịu trách nhiệm. Trước đây, Bộ GD-ĐT vẫn giao việc này cho các trường ĐH chủ trì, rồi sau đó lại phân biệt có cụm thi do Sở tổ chức, có cụm do trường tổ chức.

Ông Trần Xuân Nhĩ chia sẻ: Qua tiếp xúc với nhiều học sinh, chúng tôi nhận thấy sự phân biệt đó khiến học sinh thi cụm Sở cảm thấy bị kỳ thị. Bởi theo quy định, thí sinh thi ở cụm thi Sở chỉ được dùng kết quả để xét tốt nghiệp. Như vậy là học sinh chưa thi đã bắt đầu không được đào tạo rồi. Sau này, nhà tuyển dụng nhìn vào sự khác biệt sẽ có ấn tượng không tốt. Trong khi đó, theo Luật Giáo dục, học sinh sau khi tốt nghiệp có quyền chọn thi ĐH hay học nghề.

Ngoài ra, để bảo vệ quyền lợi

cho thí sinh, đại diện Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam nhấn mạnh: Bộ GD-ĐT phải có chế tài với các trường, yêu cầu các trường phải công bố thông tin về tuyển sinh sớm. Trong đó nêu rõ chỉ tiêu là bao nhiêu cho từng ngành nghề. Chỉ tiêu phải căn cứ trên nhu cầu xã hội chứ không phải chỉ tiêu “ào ạt” khiến tuyển không đủ. Thí sinh chọn trường căn cứ vào uy tín của trường, vào số sinh viên tốt nghiệp có việc làm chứ không vào ĐH để cốt có tấm bằng nữa.

Hai năm vừa qua, vì chú trọng đến việc làm sao cho các trường có thể tuyển sinh được, Bộ GD-ĐT quy định mỗi thí sinh đăng ký một nguyện vọng. Điều đó dẫn tới tình trạng bị ví là “vỡ trận” trong tuyển sinh. Năm 2016 thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng thì dẫn tới hậu quả là tình trạng thí sinh ảo. Để giải quyết được tình trạng thí sinh ảo, giải pháp do Hiệp hội đưa ra là thực hiện một phương án xét tuyển chung bằng phần mềm dựa trên thuật toán “chấp nhận trì hoãn” do Trường ĐH Thăng Long phát triển và đưa ra cách đây 3 năm. Năm 2015, sau những vận động hăng hái của trường, Bộ đã từng đưa chương trình vào chạy thử ở quy mô từng trường riêng rẽ. Theo Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long Phan Huy Phú, khi chạy thử trên dữ liệu giả lập với 1 triệu thí sinh để lọc ra người trúng tuyển, phần mềm này chỉ mất chưa đầy 20 phút để hoàn thành trong điều kiện máy tính có cấu hình bình thường.

Quan trọng là cấu trúc đề thi

Cấu trúc đề thi sẽ quyết định khả năng phân hóa năng lực của thí sinh.


Theo quan điểm của Hiệp hội, học sinh phải học toàn diện, đã là kiến thức phổ thông thì học gì thi nấy, không để học sinh học lệch. Vì vậy, cần có sự tính toán khi lựa chọn cách thi. Phương án về 5 bài thi mà Bộ dự kiến cũng chính là đề xuất của Hiệp hội. Tuy nhiên, ông Trần Xuân Nhĩ cho biết: Trong phương án của chúng tôi, ngoài 3 môn toán, văn, ngoại ngữ, thí sinh phải làm cả 2 bài: Tổng hợp các môn khoa học tự nhiên và tổng hợp các môn khoa học xã hội, chứ không phải lựa chọn 1 trong 2 như phương án Bộ dự kiến. Hiệp hội cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ đổi mới theo hướng đã đề xuất.

Về việc thí sinh có thể sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm các môn toán, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, các chuyên gia cũng đưa ra rất nhiều ý kiến. Ông Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH cho rằng, những người phản đối thi trắc nghiệm môn toán có thể đã nhầm mục tiêu của kỳ thi. Đây là kỳ thi tốt nghiệp chứ không phải tuyển chọn nhân tài. Vì vậy hình thức thi trắc nghiệm có ưu thế trong đáp ứng tiêu chuẩn hóa ở quy mô lớn. Còn với mục đích tuyển sinh, các trường còn có nhiều phương pháp khác để lựa chọn nhân tài.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam: Các học giả về đo lường đánh giá trên thế giới đều khẳng định hình thức thi trắc nghiệm khách quan và thi tự luận có những ưu và nhược điểm nhất định. Cả hai đều đánh giá được năng lực tư duy logic của học sinh. Tuy nhiên, việc ra đề thi trắc nghiệm đạt chất lượng như vậy khó hơn rất nhiều so với ra đề thi tự luận. Theo bà Nguyễn Thị Phương Nga, cái cần bàn là cấu trúc của đề thi: Có bao nhiêu phần trăm là câu hỏi dễ, bao nhiêu phần trăm là câu hỏi trung bình hoặc câu khó. Cấu trúc này sẽ quyết định khả năng phân hóa năng lực của thí sinh thành các thang bậc để các trường ĐH có thể tuyển chọn thí sinh vào học.

Vừa qua, ĐH Quốc gia Hà Nội đã chứng tỏ phương thức thi đánh giá năng lực có nhiều ưu thế rõ rệt. Đề thi của họ đã được đánh giá theo mô hình mà các nước tiên tiến trên thế giới sử dụng. Vì vậy, các chuyên gia của Hiệp hội cho rằng Bộ nên chọn lọc và dựa trên hệ thống câu hỏi trong ngân hàng câu hỏi của ĐH Quốc gia Hà Nội để xây dựng đề thi. Đại diện Bộ GD-ĐT cũng đã khẳng định, cho tới nay ngân hàng đề thi của ĐH Quốc gia Hà Nội đã đủ lớn, cùng với kinh nghiệm sau 3 năm tổ chức thi đánh giá năng lực và 2 năm đổi mới kỳ thi THPT quốc gia, Bộ nhận thấy có thể tiến tới áp dụng đại trà hình thức thi này. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phương án thi tuyển sinh năm 2017: Băn khoăn thi trắc nghiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.