Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phục vụ tốt nhất nhu cầu của dân

Hà Phong| 26/05/2012 06:45

(HNM) - Phát triển lý lịch tư pháp (LLTP) trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động quản lý nhà nước và nhu cầu của người dân - đó là một trong những định hướng của Bộ Tư pháp trong Chiến lược phát triển LLTP từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Xử lý thông tin manh mún

Từ năm 1993, thông qua việc cung cấp thông tin từ hệ thống tàng thư căn cước của Công an, Sở Tư pháp các địa phương đã cấp phiếu LLTP cho những cá nhân, tổ chức có nhu cầu. Đây có thể coi là giấy thông hành để công dân chứng minh có hay không có tiền án khi tham gia các quan hệ pháp lý, xin việc làm, xuất khẩu lao động, du học, thành lập doanh nghiệp, xuất cảnh thăm thân nhân. Theo ông Đặng Thanh Sơn (Giám đốc Trung tâm LLTP quốc gia), ngoài ý nghĩa kể trên, phiếu LLTP còn có tính chất nhân đạo. Bởi thông qua việc cập nhật và xử lý thông tin về LLTP, cơ quan quản lý LLTP sẽ cấp phiếu LLTP cho cá nhân, trong đó ghi nhận "không có án tích" nếu thấy người bị kết án đã có đủ điều kiện xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự. Thực tế cho thấy, những người thuộc diện này thường bớt mặc cảm, không bị cộng đồng phân biệt đối xử nên dễ dàng quay về cuộc sống lương thiện, tham gia tích cực vào các giao dịch kinh tế, dân sự. Do đó, nhu cầu được chứng nhận là rất lớn.

Việc cấp lý lịch tư pháp thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế.


Tuy nhiên, việc cấp LLTP thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí yếu kém do quá trình tác nghiệp còn chắp vá. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP đang được thực hiện theo hai cấp (tại Trung tâm LLTP quốc gia và tại 63 Sở Tư pháp) đã bắt đầu bộc lộ hạn chế, bất cập khiến việc tiếp nhận, xử lý, chuyển giao, tích hợp thông tin rất "vướng". Nguyên nhân do ngành tư pháp phải sử dụng thông tin từ nhiều đơn vị để xây dựng dữ liệu, trong khi cách cung cấp phụ thuộc vào ý thức mỗi cơ quan vì… còn phải chờ văn bản hướng dẫn. Ngoài ra, có nhiều quy định liên quan đến án tích và xóa án tích, tái phạm, tái phạm nguy hiểm, nhưng lại chưa có quy định cụ thể nào để tạo sự "liên thông" giữa các tổ chức thực hiện. Trong bối cảnh này, Sở Tư pháp không cấp phiếu LLTP đúng thời hạn thì vi phạm luật, không phù hợp với tinh thần cải cách hành chính hiện nay. Nếu cấp theo yêu cầu của công dân, tổ chức thì khó tránh khỏi sai sót. Do đó, nhiều khi thẩm phán phải tự xác định nhân thân bị cáo. Các tòa án phải tự tổ chức hồ sơ để phục vụ công tác xét xử của mình. Việc lưu trữ mang tính chất thủ công nên khó bảo đảm tính cập nhật, chính xác.

Tăng cường phối hợp

Trên cơ sở đề xuất của Ban soạn thảo Chiến lược phát triển LLTP đến năm 2030,  Bộ Tư pháp xác định, sẽ huy động mọi nguồn lực để đến năm 2013, phiếu LLTP sẽ được cấp trực tuyến qua mạng, bảo đảm sẽ có trên 60% khách hàng hài lòng về dịch vụ này. Đến năm 2020, phiếu LLTP sẽ là căn cứ pháp lý để xác định nhân thân bị can, bị cáo trong quá trình tố tụng. Muốn vậy, nước ta phải xây dựng được một hệ thống quản lý LLTP khoa học và hiện đại. Để đạt mục tiêu này là một bài toán khó nhưng không phải không thể làm được. Theo xu hướng của nhiều nước (Pháp, Đức, Italia, Bỉ…), dự thảo Chiến lược phát triển LLTP xác định, muốn có hệ thống dữ liệu LLTP vững chắc gắn với cấp phiếu LLTP nhanh thì cần thiết xây dựng mô hình tổ chức cơ quan quản lý LLTP một cấp để tránh tình trạng "mạnh ai nấy làm". Vì vậy, trong năm 2013, 100% các địa phương sẽ  phải xây dựng cơ chế phối hợp giữa Sở Tư pháp, Tòa án, Viện Kiểm sát, Thi hành án dân sự trong việc tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin LLTP. Năm năm 2016, trên 30% văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa cơ quan quản lý LLTP và các đơn vị có liên quan được thực hiện dưới dạng điện tử. Từ năm 2016 đến 2020, kiện toàn tổ chức hệ thống cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP. Giai đoạn 2020-2030, xây dựng đề án thí điểm thành lập các chi nhánh thuộc Trung tâm LLTP trên cơ sở Phòng LLTP thuộc Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Để chuẩn bị cho lộ trình kể trên, từ ngày 28-6 tới, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao, Bộ Quốc phòng sẽ tiên phong phối hợp cung cấp, trao đổi xác minh thông tin LLTP đồng bộ, thống nhất tạo bước chuyển mới trong quá trình thực hiện Luật LLTP hiệu quả trên toàn quốc. Vấn đề là khi xây dựng cơ sở dữ liệu chung, các địa phương triển khai phải đồng bộ, thống nhất vì đây là kho tài liệu hướng dẫn, dữ liệu thực theo định hướng chung của TƯ và phù hợp với chiến lược của địa phương. Đồng thời, thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin LLTP với các cơ sở dữ liệu khác, tạo tiền đề khai thác lợi ích của quản lý LLTP phục vụ nhu cầu của người dân.

Luật LLTP quy định Trung tâm LLTP quốc gia và Sở Tư pháp đều có thẩm quyền cấp phiếu LLTP cho công dân và tổ chức có yêu cầu. Đây được coi là một tài liệu có giá trị chứng minh một người có hay không có án tích; có bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập hay quản lý doanh nghiệp hay không. Công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam đều có quyền yêu cầu được cấp phiếu LLTP của mình.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phục vụ tốt nhất nhu cầu của dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.