(HNM) - Được xây dựng từ hơn 10 năm trước, hệ sinh thái giáo dục số - vnEdu được Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) liên tục cập nhật công nghệ mới. Đến nay, vnEdu đã, đang được ứng dụng sâu rộng trong hệ thống quản lý giáo dục, đào tạo tại các trường học cả nước và trở thành một hệ sinh thái giáo dục với nhiều sản phẩm, dịch vụ phục vụ hiệu quả việc dạy, học của thầy và trò.
Theo đại diện Tổng công ty Dịch vụ viễn thông VNPT VinaPhone (thuộc Tập đoàn VNPT), trong đại dịch Covid-19, vnEdu với nền tảng ứng dụng dạy và học trực tuyến VNPT E-learning đã được triển khai miễn phí cho hơn 21.000 trường học, 600.000 giáo viên, 8 triệu học sinh; hơn 1 triệu bài giảng được tạo ra. Nhờ đó, việc dạy học không bị gián đoạn, tiết kiệm nhiều chi phí ngân sách nhà nước, bảo đảm chương trình giáo dục diễn ra như bình thường. Kết quả này giúp vnEdu bứt phá lọt vào tốp 2 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google Việt Nam trong năm 2020.
Hệ sinh thái giáo dục số của VNPT chiếm thị phần số 1 tại Việt Nam với trên 30.000 trường học, hơn 8 triệu học sinh và hơn 800.000 giáo viên đang sử dụng. vnEdu có 3 khối chức năng chính: Phần mềm quản lý, phần mềm học tập số, phần mềm tích hợp. Hệ sinh thái là một giải pháp tổng thể và toàn diện hỗ trợ đầy đủ giải pháp, công cụ và tiện ích cho các nhà quản lý, giáo viên, phụ huynh, học sinh… Hay nói một cách chính xác nhất, vnEdu đã giải quyết được bài toán mà hệ thống giáo dục đào tạo từ trung ương đến địa phương trước đây gặp phải.
Chia sẻ về quá trình phát triển các nền tảng giáo dục số, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT Phạm Đức Long khẳng định, dù gánh trên vai nhiều trọng trách thực hiện chuyển đổi số quốc gia, song VNPT ưu tiên tập trung nguồn lực thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục. Mục tiêu cuối cùng là hướng đến kiến tạo một nền giáo dục số tại Việt Nam, giúp nhà trường, giáo viên, học sinh thay đổi phương pháp tiếp cận truyền thống sang phương pháp tiên tiến, hiện đại và mang lại hiệu quả.
Đội ngũ kỹ sư VNPT liên tục cập nhật công nghệ hiện đại, từ đó phát triển, hoàn thiện để vnEdu bắt kịp với xu thế công nghệ giáo dục số trên thế giới, phục vụ cho các bài toán ứng dụng nghiệp vụ giáo dục về: Hệ thống quản lý thông tin nhà trường; phần mềm quản lý dinh dưỡng; phần mềm kiểm định giáo dục; hệ thống quản lý thu phí tích hợp hóa đơn điện tử; cổng thông tin học liệu và thi trực tuyến tùy biến; hệ thống điểm danh điện tử sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo; hệ thống quản lý văn bằng chứng chỉ sử dụng công nghệ chuỗi khối (BlockChain).
Trao đổi thêm về việc phát triển sản phẩm, đại diện Công ty Công nghệ thông tin VNPT (thuộc Tập đoàn VNPT) cho biết, vnEdu Connect - ứng dụng dành cho thiết bị di động của hệ sinh thái giáo dục số vnEdu phiên bản 4.0 cũng đã ghi nhận hơn 1 triệu lượt người tải sử dụng trên cả 2 nền tảng Android và iOS. VnEdu Connect còn có các phương pháp giáo dục thông minh như học tập thích ứng, học mọi nơi, lớp học đảo ngược... giúp mang tới trải nghiệm cho người sử dụng về chuyển đổi số trong ngành Giáo dục.
Đặc biệt, đây còn là kênh liên lạc hiệu quả giữa giáo viên và phụ huynh học sinh thông qua việc nhận, nộp bài tập cũng như xem kết quả chấm điểm. Nhờ đó, học sinh sẽ được ôn tập, bổ trợ kiến thức, giúp các em lưu nhớ những bài đã học, còn phụ huynh học sinh tránh được mối lo lắng con em mình không tự giác học bài. App vnEdu Connect là công cụ hỗ trợ kịp thời cập nhật các thông tin, như học sinh đến lớp bằng hình thức điểm danh của nhà trường; cho phép gửi đơn nghỉ phép đến giáo viên chủ nhiệm qua ứng dụng; dễ dàng thanh toán trực tuyến học phí…
Việc ứng dụng ghi nhận hơn 1 triệu lượt người dùng tải về sử dụng trên cả 2 nền tảng Android/iOS là minh chứng rõ ràng nhất cho sự thiết thực của vnEdu Connect. Đồng thời giúp hệ sinh thái giáo dục vnEdu chiếm thị phần số 1 Việt Nam, khẳng định vai trò trong giáo dục số.
Trong thời gian tới, VNPT sẽ tích hợp thêm một số tính năng cho hệ sinh thái số vnEdu như: Học và thi trực tuyến, theo dõi thực đơn và chế độ dinh dưỡng… Tất cả những thay đổi này đều hướng đến mục đích cao nhất là thu hẹp khoảng cách số giữa nhà trường, giáo viên với phụ huynh và các học sinh, xây dựng nền giáo dục số hiện đại và nhân văn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.