(HNMCT) - Giám tuyển nghệ thuật Nguyễn Thế Sơn nhắc tôi: Đi cẩn thận, có “mìn”! Con đường vương đầy rác thải ở bờ vở sông Hồng thuộc địa bàn phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) một ngày lép nhép mưa. Phía trên bức tường cũ từng bị lãng quên là những công trình nghệ thuật công cộng đang lần lượt hoàn thành. Những người trong cuộc của dự án nghệ thuật này đã mang đến một cảm hứng làm đẹp thành phố với không ít bất ngờ thú vị...
Bảo vệ hành lang sông và không gian sống bằng... nghệ thuật
Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân có 16 nghệ sĩ với 16 tác phẩm sắp đặt nghệ thuật trải dài trên những bức tường còn sót lại kéo dài gần 250 mét, thuộc dự án cải tạo bức tường bảo vệ hành lang bờ vở sông Hồng (phần đất do phù sa bồi lấp nằm giữa lòng sông và bờ sông, bị ngập khi nước dâng, nổi lên trong mùa nước cạn) của phường Phúc Tân.
Theo giám tuyển nghệ thuật Nguyễn Thế Sơn, người tập hợp các nghệ sĩ thực hiện dự án này, thì: “Câu chuyện nghệ thuật trên bức tường bị lãng quên lấy cảm hứng từ chính nơi tấp nập trên bến dưới thuyền, cửa ngõ giao thương một thời của chốn kinh kỳ, cũng là nơi chứng kiến những cơn lũ mỗi mùa nước lên gắn liền với ký ức của biết bao thế hệ người dân nơi đây”.
Phải nói lại, khu vực bờ vở sông Hồng thuộc địa bàn phường Phúc Tân trải dài gần 1km. Khoảng hai chục năm trở lại đây mực nước sông Hồng thấp, vào mùa khô, tại các khu vực bờ vở và lòng sông từ cầu Long Biên đến đường Hàm Tử Quan, nước cạn hình thành những bãi đất trống, cây dại mọc. Và những cuộc lấn chiếm đất đai đã diễn ra, trở thành khu vực “nóng”, ảnh hưởng trực tiếp đến vùng thoát lũ, vi phạm pháp luật đất đai, đê điều...
Năm 1993, quận Hoàn Kiếm đã xây bức tường này để bảo vệ hành lang bờ vở sông Hồng. Tổ trưởng tổ dân phố số 11 Nguyễn Thị Tám, người hàng chục năm nay xắn tay trực tiếp tham gia dọn dẹp khu vực này, cho hay: “Người dân chúng tôi đã quyên góp dân làm con đường tạm. Phường cũng nhiều lần ra quân xử lý vi phạm, vệ sinh khu vực này, song không ít cư dân ở gần đây, rồi người bán hàng ở chợ tạm vẫn “tranh thủ” lúc vắng các lực lượng chức năng là xả rác, thả vật nuôi, khiến việc dọn rác, phân súc vật không xuể...”.
Bức tường tiếp tục chống chọi với sự xuống cấp và khu vực này tiếp tục chống chọi với sự ô nhiễm.
Sự lãng quên nằm ở nghĩa, một không gian đẹp ven sông, nằm ngay chân cầu Long Biên đã không được phát huy hết lợi thế phục vụ người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long nêu rõ: “Khi quận Hoàn Kiếm đặt vấn đề tiếp cận khu vực còn nhiều khó khăn và thực hiện dự án xã hội hóa này, các nghệ sĩ đã đưa ra ý tưởng lấy chính bức tường làm nền, bảo vệ bờ vở sông Hồng và không gian công cộng bằng... nghệ thuật”.
Đậm dấu ấn cộng đồng
Tay xách túi rác bỏ vào đúng xe rác ở con đường ven sông, gặp chúng tôi, chú Nguyễn Văn Quang (nguyên cán bộ Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội) khoát tay vui vẻ: “Dân ở sát con đường này hầu như rất có ý thức bảo vệ môi trường. Đáng buồn là nhiều người ở khu vực khác lại qua đây vứt rác, thả súc vật... Có công trình nghệ thuật này, chúng tôi phấn khởi chứ. Nếu tới đây con đường được làm sạch sẽ hơn thì khu vực này sẽ còn đẹp nữa. Càng đẹp thì người dân càng có ý thức giữ gìn!”.
Chủ tịch UBND phường Phúc Tân Mai Anh Tuấn chia sẻ, trước Tết, phường đã tổ chức hai hội nghị (có sự tham gia của lãnh đạo quận Hoàn Kiếm và các nghệ sĩ) mời hơn một trăm hộ dân ở sát công trình tới để thông tin về dự án, tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ của người dân trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng đời sống văn hóa... Bắt đầu từ cộng đồng, dự án đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng. Người dân, trong đó có trẻ em đã trực tiếp thu gom vỏ chai nhựa dưới sự hướng dẫn của nghệ sĩ cùng làm nên một số công trình nghệ thuật.
Tính cộng đồng cũng nằm ở việc các nghệ sĩ đã dày công thu gom những vật liệu phế thải ở khu vực này, tạo thành những tác phẩm nghệ thuật tương tác với chính bức tường chỗ lở, chỗ đầy, chỗ trổ ra một mầm cây, chỗ rêu phong loang lổ... nơi đây.
Xẩm tàu điện của Phạm Khắc Quang sử dụng các mẩu thép vụn, túi nilon ép kính, đèn led... xếp thành những điểm ảnh tạo nên hình hai toa tàu điện, phảng phất bóng nghệ nhân hát xẩm Hà thành. Với những thùng phi bỏ đi (vật liệu quen thuộc của những ngôi nhà nổi trên sông Hồng), bằng kỹ thuật cắt laser xuyên thủng kết hợp với hiệu ứng đèn led bên trong, về đêm, công trình Nhà nổi của nghệ sĩ trẻ Lê Đăng Ninh lung linh, sống động và đầy xúc cảm. Anh khiến tôi nhớ đến Phúc Tân của gần hai mươi năm trước, trên con thuyền nhỏ dập dềnh, bác tổ trưởng tổ dân phố cho tôi thấy một đời sống khác đang “trôi” trên những ngõ nhỏ nơi đây trong mùa nước ngập.
Gánh hàng rong đầy sức gợi của Nguyễn Thế Sơn được làm bằng sắt cắt CNC, alu gương, tái hiện hình ảnh những người phụ nữ tảo tần nơi bến sông. Chị chủ quán nước vội vã, ngượng nghịu bỏ tấm nilon đang vắt lên công trình này, miệng thanh minh: “Nãy mưa quá, chị vắt tạm lên đây. Đấy, hôm nay có đám, người ta đỗ tạm xe một tý thôi. Mai kia công trình hoàn thiện, sẽ xếp hết xe sang bên kia đường chứ!”.
Lại nhớ bữa trước xuống đây, Nam Phong, một thanh niên tay xách chiếc lồng chim có 4 con chào mào non dừng lại bắt chuyện với chúng tôi: “Các anh nghệ sĩ vẫn ăn cơm ở quán cơm nhà em (quán cơm Nam Hà)” và cậu say sưa thuyết minh với tôi về việc làm thế nào để tạo ra vết hằn và màu rêu trên bức tường trong tác phẩm của Trần Hậu Yên Thế.
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long trong câu chuyện với phóng viên Hànộimới đã nhiều lần nhắc lại: “Không chỉ có chính quyền, người dân, các doanh nghiệp tham gia mà chính bản thân các nghệ sĩ cũng nhiệt tình ủng hộ dự án bằng nhiều cách”.
Anh Diago, một kiến trúc sư, nhiếp ảnh gia và nhà thiết kế người Tây Ban Nha, người sáng lập thương hiệu thời trang Chula nổi tiếng, người gắn bó với Hà Nội 25 năm nay đã nhặt nhạnh những mảnh sắt, gương vỡ, bu gà để làm nên tác phẩm nghệ thuật miễn phí, đầy màu sắc. Những ngày vừa qua, trong mưa gió, lạnh giá, trên nền nhiều đoạn đường lép nhép rác và phân súc vật, các nghệ sĩ vẫn liên tục trở lại công trình để hoàn thiện bức tường nghệ thuật, sớm ra mắt chính thức nay mai.
Tiếp cận mới những con đường ven sông
Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn chia sẻ: “Khu vực ven sông tuy đắc địa nhưng bãi Phúc Tân nói riêng cũng như những vùng chạy dọc ven sông lại chưa được ứng xử như mặt tiền thành phố ở nhiều nước văn minh trên thế giới. Khu vực ven sông từ cách tiếp cận của lịch sử vẫn bị coi như mặt sau của thành phố, nơi người ta thoải mái xả rác hoặc những thứ phế thải ra đó”. Và anh cũng nhấn mạnh: “Với thiết kế có thể mang tới hiệu quả nghệ thuật cả ban ngày cũng như ban đêm, dự án này hy vọng sẽ là một điểm nhấn tiếp theo của thành phố, có khả năng thu hút cộng đồng cũng như mang lại lợi ích về văn hóa và du lịch cho chính người dân địa phương”.
Cũng dễ hiểu khi Chủ tịch UBND phường Phúc Tân Mai Anh Tuấn chia sẻ: “Chính quyền phường sẽ có kế hoạch tổ chức tốt việc giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, giữ gìn các công trình nghệ thuật công cộng tại đây. Phường cũng mong muốn tới đây con đường được cải tạo sạch đẹp, được quận quan tâm đầu tư để có thể biến khu vực ven sông thành những vạt hoa làm đẹp cảnh quan nơi đây...”.
Đến nay, quận Hoàn Kiếm đã có chủ trương đầu tư cho con đường ven sông ở phường Phúc Tân. Dự án này cũng có thể làm điểm để quận Hoàn Kiếm tiếp tục có những công trình thiết thực khác làm đẹp cho thành phố.
Có thể nói, đô thị nhân văn, giàu cảm hứng sáng tạo được viết nên từ những nỗ lực cụ thể, từ sự đánh thức mong mỏi sống tốt hơn của người dân. Từ con đường ven sông, tôi ngước nhìn lên bắt gặp cây cầu Long Biên “chứng nhân lịch sử” và nghĩ: Phải đẹp chứ nơi này! Nơi lắng nghe nhịp thở sông Hồng qua năm tháng!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.