(HNM) - Theo sử sách, văn bia hay trong các câu chuyện còn lưu truyền tại các làng xã, đất Thăng Long có khá nhiều điệu múa. Điều đó cũng dễ hiểu vì Thăng Long - Kẻ Chợ là đất tụ hội trăm vùng và khi về Thăng Long, người dân những vùng đó đều mang theo các tập tục, văn hóa, cộng thêm văn hóa bản địa đã làm dày thêm văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
Các điệu múa cổ này không chỉ bắt nguồn từ lao động sản xuất mà còn có xuất xứ từ tôn giáo hay các tích trong dân gian, tạo ra sự phong phú cho múa cổ Hà Nội. Song do nhiều nguyên nhân, rất nhiều điệu múa đã rơi rụng, thậm chí thất truyền.
Một tiết mục tham gia liên hoan múa cổ. Ảnh: Linh Tâm |
Dự án "Phục hồi và phát triển múa cổ Thăng Long - Hà Nội" do Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội đảm nhận bắt đầu thực hiện từ năm 2005 đến 2010 là một trong những dự án quan trọng không chỉ phục vụ cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội mà khi phục hồi và nhuận sắc sẽ là tài sản cho thế hệ mai sau. Để dự án đạt được kết quả cao nhất, một đoàn nghệ sĩ múa đã chia nhau đi tìm các nghệ nhân còn sót lại ở vùng quê, ngõ ngách Hà Nội. Họ lần theo các địa chỉ trong sử sách, theo lời kể và các văn bia nhưng kết quả ban đầu cũng không đáng là bao, bởi theo thời gian, làng xã xưa và nay đôi khi không trùng khớp hoặc sai lệch. Quan trọng hơn là đình, đền hay chùa là những nơi lưu giữ văn bản một thời bị bỏ bễ hoặc bị phá do quan niệm chưa đúng. Mặt khác, các điệu múa cổ cũng bị cho là tàn dư của chế độ phong kiến nên rất nhiều làng xã không duy trì, nay đã mai một, thất truyền. Rồi các nghệ nhân tuổi ngày càng cao hơn... Nhưng rồi vì tình yêu Hà Nội, các nghệ sĩ đã kiên trì vượt qua muôn vàn khó khăn, lần tìm ra những gì còn sót lại. Kết quả là trong cuộc biểu diễn múa cổ lần thứ ba, chào mừng 999 năm Thăng Long - Hà Nội, gần 300 nghệ nhân tham gia (đều có tuổi khá cao). Trong đó nghệ nhân Hoàng Hy, biểu diễn điệu múa Bổ bộ đã ở tuổi 79. Nếu ở Phú Nhiêu, Phú Xuyên may mắn còn tới 3 người, đó là các cụ Kim Đức, Lương Đức Nghi và Nguyễn Thị Ga thì ở làng Triều Khúc (Thanh Trì) còn mỗi nghệ nhân Triệu Đình Hồng, biết điệu múa "Con đĩ đánh Bồng". Điệu múa này đòi hỏi vũ công nam phải đóng giả gái. NSND Lê Ngọc Canh, Chủ nhiệm dự án cho biết thêm, chuyện thuyết phục các nhà sư tập múa là khó khăn nhất bởi các nhà sư quen sống khép kín, vận động các nhà sư tham gia phục hồi lại các điệu múa nghi lễ phật giáo không dễ. Song trước trách nhiệm với văn hóa Thăng Long - Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, Hòa thượng Thích Quang Hy, trụ trì chùa Minh Quang (Đống Đa) đã cùng các nhà tu hành tập và trình diễn điệu múa "Lục cúng" dưới chân Tượng đài Lý Thái Tổ, thuộc chương trình tổ hợp múa cổ mang tên "Thăng Long mở hội tìm lại dấu xưa".
Sau gần bốn năm vất vả, các nghệ sĩ múa Hà Nội đã khai thác được 28 điệu múa cổ có giá trị như: "Múa hội trống cổ" (xã Phú Mỹ, Phú Xuyên), "Múa Tứ linh" (làng Lỗ Khê, Đông Anh), "Múa vật" và "Múa chạy cờ" (làng Triều Khúc, Thanh Trì), "Múa Thị Hồ Huỳnh Cân" (chùa Đống Lim, Long Biên)… Tuy nhiên mọi chuyện lại trở nên rắc rối khi có câu hỏi: Các điệu múa cổ vốn được biểu diễn ở đình chùa với sân khấu 4 mặt trong không gian làng xã, khi đưa lên sân khấu có làm mất đi hồn cốt của nó? Một câu hỏi khác là một số vũ điệu cổ theo thời gian đã bị tam sao thất bản, không biết bản gốc, vậy phát triển theo hướng nào?
Một tiết mục múa cổ. Ảnh: Linh Tâm |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.