(HNM) - Nằm trên quốc lộ 1A, cách Hà Nội chừng 40km, làng nghề da giày xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên) đã hình thành được gần 100 năm và phát triển rầm rộ trong hơn chục năm trở lại đây.
Hiện cả xã có 200 hộ, tổ hợp sản xuất kinh doanh, thu hút gần 1.000 lao động trong và ngoài xã. Trung bình mỗi năm, Phú Yên cho ra đời khoảng 5 triệu đôi giày, dép da, tương đương với sản lượng cả năm của một nhà máy.
Giá rẻ, hàng nhiều
Ngay từ đầu làng hỏi thăm vào nhà ông Lưu Xuân Chúng, Chủ tịch hiệp hội da giày Phú Yên được người dân tận tình chỉ giúp, nhìn bề ngoài căn nhà đã xây được mấy chục năm nhưng sự ngăn nắp, sạch sẽ khiến ngôi nhà luôn mới. Ông Chúng cười: "Làng nghề cũng có nhiều dự định lắm. Nào là việc xây dựng thương hiệu giày da Phú Yên, đến việc mở rộng quy mô sản xuất tập trung ra khu công nghiệp… Nhưng để dự định ấy thành hiện thực, đòi hỏi sự nỗ lực rất nhiều của người làng nghề.
Theo những người có thâm niên trong nghề giày da tại xã, ông Tổ của làng nghề là cụ Nguyễn Mạc. Những năm giặc Pháp đô hộ, từ chỗ là chủ một "hài xưởng" (chuyên làm hài) ở phố Cầu Đất, Hải Phòng, trước nhu cầu của xã hội lúc đó, cụ Mạc đã học hỏi và chuyển từ làm hài sang làm giày. Được nghề hay, cụ mở các lớp truyền dạy cho con cháu. Nhờ đó, những nghệ nhân ở tuổi 80, 90 của làng nghề ngày nay đều từ "lò" của cụ Mạc mà ra. Ngay từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước, Phú Yên đã xây dựng được một hợp tác xã da giày, chuyên nhận làm hàng cho Tổng Công ty Giày da xuất khẩu. Nhưng sau khi tổng công ty này giải thể, nhân công có nghề trong hợp tác xã phải tỏa đi các tỉnh phía Bắc để nhận làm thuê, kiếm sống. Vững tay nghề cộng với việc sản xuất, kinh doanh giày da thuận lợi, ngay những năm 90 của thế kỷ trước, hầu hết con cháu trong làng đã trở về làm giàu trên chính quê hương mình. Từ một vài gia đình làm ăn hiệu quả, mô hình xây dựng các tổ hợp sản xuất, kinh doanh giày da gia công nhanh chóng lan rộng ra cả xã.
Làng nghề - phố nghề
Giờ lớp thợ đầu tiên của làng học nghề từ cụ Mạc đã già cả và "đi xa" khá nhiều nhưng có lẽ tên tuổi của họ vẫn còn được vang mãi bởi nghề của làng ngày càng phát triển. Phải thừa nhận một thực tế, nếu các cơ sở sản xuất ở đây không năng động, nói như cách nói của dân trong nghề đa dạng hóa các loại sản phẩm từ: hàng "cỏ", hàng chợ và hàng kỹ thì khó có thể trụ vững trong cơ chế thị trường. Giờ về Phú Yên trong dáng dấp của một làng nghề hối hả, đã hình thành một phố nghề tấp nập đông vui. Khách hàng trong Nam, ngoài Bắc đủ cả.
Một người dân trong làng tiết lộ: giày dép ở Phú Yên đủ loại, đắt có, rẻ có, sản xuất 100% Phú Yên cũng có, 50% Phú Yên cũng có và 10% Phú Yên cũng có. Nghe có vẻ khó hiểu, người này giải thích, thông thường các cơ sở sản xuất ở đây nhập da, cốt từ các nơi về rồi chế tạo ra sản phẩm dưới nhiều mẫu mã khác nhau; số khác nhập hầu hết bộ phận đã hoàn thiện như đế, quai, dây… về chỉ việc gia công lại là xong. Và một bộ phận "phất" lên nhanh chóng phải là chủ các cơ sở đánh hàng hai chiều: nghĩa là vừa gửi sản phẩm xuất đi Sài Gòn, thậm chí là lên cửa khẩu biên giới phía Bắc sau đó lại lấy hàng ngược lại trở về Phú Yên bán lại cho các đầu mối Hà Nội và các tỉnh. Chả thế mà vào dạo một vòng qua "mặt phố" của làng nghề Giẽ Thượng, Giẽ Hạ thấy đủ các loại giày dép từ tinh xảo, đắt tiền sản xuất trong nước và có không ít sản phẩm được nhập từ nước ngoài về từ ví da, dây lưng, giày thể thao… với hàng ngàn mẫu mã khác nhau, giá cả tùy vào chất lượng và có thể đáp ứng được tất cả nhu cầu của thượng khách từ doanh nhân đến nông dân.
Cơ sở sản xuất da giày Hạnh Quang do một trong những thanh niên trẻ của làng làm chủ. Cơ sở này càng ngày càng "phất" lên và quy mô nhà xưởng cũng không ngừng được mở rộng. Anh Nguyễn Thanh Quang, chủ cơ sở không ngần ngại chia sẻ: sản xuất đa dạng mẫu mã từ giày dép da nội, ngoại người lớn, trẻ em, ví da nam nữ… một mặt tập trung sản xuất các mẫu được thị trường ưa chuộng, mặt khác nhập nhiều mẫu mới từ Sài Gòn và các nơi về. Hiện nay, gia đình anh Quang chuẩn bị khai trương gian hàng lớn thứ ba trên mặt phố Giẽ Hạ.
Đời sống của người thợ da giày ở Phú Yên ngày càng cải thiện, bà Trần Thị Thi thôn Giẽ Thượng cho hay, vợ chồng cô con gái của bà giờ làm gia công các mặt hàng giày da ít cũng được 100.000 đồng/người/ngày. Mỗi năm ăn tiêu rồi trữ được 50 đến 60 triệu đồng, chỉ sau 3-5 năm làm nghề giày da, mỗi cặp vợ chồng trẻ cũng có 200-300 triệu đồng. Có công ăn việc làm, thu nhập ổn định tại quê nhà nên thanh niên gắn bó với nghề, những ngôi nhà tầng khang trang mọc lên không hẳn chỉ là của các ông chủ sản xuất lớn mà phần nhiều trong số đó là của các thợ da giày lành nghề ở làng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.