Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phú Thượng có nghề nấu xôi...

Nguyễn Mai| 26/02/2017 07:36

(HNM) - Trước đây, nông dân phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) chuyên nghề trồng hoa lay ơn, hoa đào, hoa cúc. Thế nhưng, quá trình đô thị hóa, Phú Thượng nhường hết đất nông nghiệp cho các dự án, nông dân trồng hoa đã nhanh chóng chuyển sang nghề nấu xôi bán khắp Hà thành. Hạt xôi Phú Thượng căng mọng, dẻo, thơm, là thứ quà quê dân dã hấp dẫn thực khách, đồng thời mang lại kế sinh nhai, làm giàu cho gần 300 hộ dân trong phường.


Bán xôi xây nhà lầu

Xôi Phú Thượng len lỏi khắp các phố phường Hà Nội từ nhà hàng sang trọng đến các ngõ ngách Thủ đô. Bà Nguyễn Thị Tuyến, tổ 21, cụm 3, phường Phú Thượng cho hay, nghề nấu xôi đã gắn bó với bà 40 năm qua. Nhờ nghề này mà gia đình có cơ ngơi khang trang với ngôi nhà 3 tầng đầy đủ tiện nghi hiện đại. “Ngày trước, nhà tôi chỉ nấu những nồi xôi nhỏ, khoảng 10-15kg gạo, nhưng từ năm 2004 đến nay, tôi nấu khoảng 30-40kg gạo mỗi ngày. Những ngày cao điểm dịp lễ, Tết, có thể tăng gấp đôi lên 70-80kg", bà Tuyến cho hay. Vẫn chỗ ngồi quen thuộc ở 37 phố Bát Đàn, “gánh” xôi của bà Tuyến hết veo trong buổi sáng.

Bà Tuyến chia sẻ thêm: Để nhận ra xôi Phú Thượng không khó. Khác với các nơi chỉ bán một loại xôi, người Phú Thượng thường bán 6-7 loại: Đậu xanh, lạc, gấc, xéo, ngô, dừa... Chỉ từ 5 đến 10 nghìn đồng là có thể đủ cho một bữa sáng. Nếu ăn kèm giò, chả, trứng, ruốc cũng chỉ 15-20 nghìn. Mỗi ngày nấu 30kg gạo xôi, kiếm được 300 - 400 nghìn tiền lãi. Không chỉ bán lẻ xôi ở các ngõ, phố, một số khách sạn lớn trên địa bàn thành phố cũng thường xuyên về Phú Thượng đặt xôi với số lượng lớn lên tới 5-6 tấn xôi/ngày.

Người dân Phú Thượng có nhiều kinh nghiệm trong nghề nấu xôi. Bà Nguyễn Thị Vinh, một hộ nấu xôi lâu năm chia sẻ: Để xôi ngon, ngoài chọn được gạo nếp tốt, các hộ còn có bí quyết riêng. Ví như, chỉ với việc thêm chút muối để xôi có vị đậm, tuy nhiên thêm bao nhiêu cũng phải có kinh nghiệm bởi nhiều quá thì xôi bị mặn, nhạt quá sẽ không ngon. Do lượng tiêu thụ hằng ngày rất lớn nên các hộ nấu xôi đều trang bị những chõ xôi to bằng nhôm và đun điện, vừa an toàn, vừa sạch sẽ. Nhờ có nghề xôi, nên khi phường Phú Thượng thu hồi hết đất nông nghiệp phục vụ giao thông, đô thị nhưng đời sống người dân không bị xáo trộn.

Chủ tịch UBND phường Phú Thượng Bùi Tuấn Dương cho biết, hiện cả phường có 297 hộ có nghề nấu xôi, chiếm 60% tổng số hộ toàn phường; thu nhập bình quân đầu người của người nấu xôi đạt 70 triệu đồng/người/năm. Nhờ nghề này, đời sống kinh tế của bà con ngày một tăng lên. Nhiều hộ đã xây nhà khang trang, có điều kiện nuôi con học hành tốt hơn.

Xây dựng thương hiệu làng nghề

Phường Phú Thượng có 3 làng cổ: Làng Thượng Thụy (còn gọi là làng Bạt); làng Phú Gia (làng Gạ), làng Phú Xá (làng Xù). Trong đó, nghề nấu xôi tập trung chủ yếu ở Phú Gia. Cụ Công Thị Côi, sinh năm 1926, ở tổ 34 phường Phú Thượng cho biết, nghề xôi ở phường có từ rất lâu đời. Đặc biệt, khoảng những năm 50 của thế kỷ trước, rất nhiều hộ trong làng nấu xôi rồi gánh vào nội thành bán. Bản thân gia đình cụ Côi cũng nấu xôi từ đó, đến nay các con cháu cụ vẫn theo nghề.

Hiện nay người dân chủ yếu vẫn nấu xôi theo cách thủ công, đòi hỏi sự chịu khó, cẩn thận và tỉ mỉ. Để có được những nắm xôi sáng ngon dẻo, nóng hổi, những người làm nghề phải dậy từ lúc 2-3 giờ sáng để đồ. Ngay khi bán hết hàng và đi chợ mua nguyên liệu về là phải bắt tay vào ngâm gạo, đỗ, lạc, chiều lại xóc gạo, rửa lá, đãi đỗ… chuẩn bị trước cho kịp sáng hôm sau.

Để hỗ trợ làng nghề phát triển, hằng năm phường Phú Thượng mở nhiều lớp tập huấn cho người nấu xôi về vệ sinh an toàn thực phẩm và yêu cầu các hộ ký cam kết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó, phường còn tổ chức nhiều hoạt động tôn vinh nghề nấu xôi giúp các hộ gắn kết, trao đổi kinh nghiệm và giữ nét truyền thống của làng.

Theo Chủ tịch UBND phường Phú Thượng Bùi Tuấn Dương, cuối năm 2016, Phú Thượng đã được UBND thành phố cấp Bằng công nhận Làng nghề truyền thống. Hiện nay, cấp ủy, chính quyền đang nỗ lực hỗ trợ bà con xây dựng thương hiệu làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng để khẳng định và nâng cao giá trị cho món quà quê tuy dân dã mà không kém phần hấp dẫn. Xôi Phú Thượng thực sự đã mang lại cho nơi đây cuộc sống ngày càng no ấm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phú Thượng có nghề nấu xôi...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.