(HNM) -
Chúng tôi về thôn Cao Lĩnh, đúng lúc chiếc công nông "cải tiến" có thùng kín chứa nước đang chạy xình xịch đưa nước về bán cho người dân. Trưởng thôn Phùng Đình Ước cho hay: "Giếng đào không có nước, giếng khoan cũng không… Từ đầu năm đến nay, gia đình tôi đã mua hết 2 triệu đồng tiền nước rồi. Giá mỗi xe nước 3 khối chở về đến thôn là 150.000 đồng. Nhà tôi 6 người, dùng tiết kiệm lắm cũng chỉ được một tuần. Tính ra, mỗi tháng, gia đình tôi hết 500.000 đồng tiền nước...". Cả thôn Cao Lĩnh có 126 hộ dân thì có tới 80% số hộ thiếu nước nhưng không phải hộ nào cũng có điều kiện mua nước về dùng bởi đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Nhiều hộ phải lấy nước ở ngòi về bơm lên vườn cho thẩm thấu xuống giếng khơi để hằng ngày dùng ăn uống, tắm giặt, hoặc đơn giản hơn là đánh phèn cho trong rồi dùng luôn. "Biết là không bảo đảm vệ sinh nhưng cũng chẳng biết lấy nước ở đâu ra để thay thế". - Ông Ước bùi ngùi tâm sự.
Hằng ngày, các cháu ở Trường Mầm non Phú Sơn phải chia nhau từng gáo nước. |
Không chỉ thôn Cao Lĩnh, tình trạng không có nước xảy ra ở cả 5 thôn trên địa bàn xã. Phó trưởng thôn Phú Hữu Phùng Nghĩa Phong cho biết thêm, mặc dù khu vực này gần với sông Đà nhưng không hiểu sao lại không có nước. "Đào giếng nông không có, sâu cũng không có. Thậm chí, khoan 30-40m cũng chỉ toàn là bùn đen, chứ không gặp mạch nước ngầm. Mùa hè, chúng tôi còn hứng được nước mưa để dùng chứ còn mùa đông toàn phải mua nước". Có cầu ắt có cung, bây giờ dịch vụ mua nước ở Phú Sơn rất phát triển. Mỗi khi hết nước, chỉ cần nhấn điện thoại là dịch vụ chở đến tận nhà. Tuy nhiên, các "thương lái" này chở nước về từ đâu, nguồn gốc, chất lượng thế nào, chẳng mấy ai biết. Cũng bởi nước phụ thuộc vào "thị trường" nên các "thương lái" ép giá thế nào người dân cũng phải chịu. Đơn cử như dịp Tết vừa qua, nhu cầu sử dụng tăng, giá nước đã bị "đẩy" từ 150.000 đồng/1 xe lên 200.000 đồng/xe 3 khối. Trong làng đã vậy, ở các trường mầm non và tiểu học, việc thiếu nước khiến cả cô và trò còn gặp nhiều khó khăn hơn. Cô giáo Phùng Thị Quý, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Sơn cho biết, để phục vụ sinh hoạt của các cháu, nhiều tháng qua, các cô giáo phải đi xin nước về rồi đánh phèn để sử dụng...
Phó Chủ tịch UBND xã Phú Sơn Chu Anh Tuấn cho hay, nước sạch khan hiếm vào mùa khô đã trở thành nỗi bức xúc triền miên của người dân trong xã. Thuộc vùng đồi gò, Phú Sơn có 5 thôn và 11 xóm, gần 9.000 nhân khẩu, trong đó có tới 70% dân số ở trên đồi cao thường xuyên thiếu nước. Không chỉ nguồn nước phục vụ sinh hoạt, nước tưới phục vụ sản xuất cũng hoàn toàn dựa vào tự nhiên nên năng suất cây trồng không cao. Cách đây ít lâu, dự án đưa nước sạch về xã được huyện Ba Vì khởi động khiến hàng trăm hộ dân trong xã hết sức vui mừng dù được biết dự án này chưa đủ để cấp nước cho 100% số hộ. Theo ông Phùng Nghĩa Phong, do địa hình không thuận lợi nên thôn có 5 xóm thì chỉ có 2 xóm là xóm Tả và xóm Hữu có dự án nước chạy qua.
Đến bao giờ người dân Phú Sơn mới hết cảnh khát nước? Câu hỏi đang chờ UBND và các ngành hữu quan của huyện Ba Vì trả lời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.