(HNM) - Lần đầu chúng tôi ra đảo Phú Quốc bằng tàu chợ, chở khách cùng hàng hóa từ đất liền (thị xã Rạch Giá) ra đảo.
Ngàn sao ở đảo ngọc
30 năm sau, lần thứ hai tôi trở lại Phú Quốc trên chuyến bay của Việt Nam Airlines vào một ngày nắng đẹp. Từ trên cao nhìn xuống, giữa xanh tuyền một màu nước biển có một mảng xanh màu cây rừng, ấy là đảo Phú Quốc, nhỏ xíu giữa đại dương mênh mông.
Phong cảnh Phú Quốc luôn sinh động. |
Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất nước ta nằm ở phía tây nam tận cùng đất nước, diện tích 574km2, tương đương với đảo quốc Singapore. Phú Quốc có hai thị trấn Dương Đông (thủ phủ của đảo), Dương Tơ và 8 xã. Theo kể lại, từ xa xưa, khi một đoàn người trôi dạt trên biển đã tấp vào hòn đảo này, thấy đảo vừa đẹp lại dễ sinh sống, họ liền dừng chân lập nghiệp và đặt tên cho đảo là Phú Quốc (đảo giàu có). Giờ người ta còn gọi đây là đảo Ngọc…
Đảo Phú Quốc là vùng đất giàu có, bởi vùng biển này lắm tôm, nhiều cá. Cá chình, cá thu, cá nhồng, cá bớp, cá cơm… những loài thủy sản quý, hiếm đều có mặt nơi đây. Phú Quốc không chỉ có biển mà còn có rừng, có núi. Trong 99 ngọn núi, đồi ở đây thì núi Chúa cao nhất, tới 603m, là nơi mà du khách nào cũng ước ao được một lần đặt chân tới. Rừng vàng, biển bạc không những mang lại cho người dân Phú Quốc cuộc sống ấm no, sung túc mà người dân nơi đây còn được tận hưởng một bầu không khí trong lành, thanh khiết của vùng biển đảo hoang sơ hiếm có. Từ sau ngày giải phóng 1975, đảo Phú Quốc nói riêng, huyện đảo Phú Quốc (bao gồm 22 đảo lớn nhỏ) nói chung đã cùng cả nước đổi mới, chuyển mình: Kinh tế tăng nhanh, các ngành nghề được phát triển. Khi những con tàu ra khơi ngày một nhiều hơn, xa hơn, thì nghề làm nước mắm, trồng hồ tiêu, nuôi trồng thủy sản… truyền thống, cũng tăng nhanh và vươn xa hơn. Đặc biệt, ngành "kinh tế không khói" du lịch bỗng chốc vươn lên mạnh mẽ, bởi sức hấp dẫn từ cái nắng hiền hòa, biển xanh êm dịu, cát vàng óng ánh và rừng xanh đại ngàn của Phú Quốc. Nhớ lại lần đầu đến Phú Quốc, tôi đã cùng các đồng nghiệp, được lãnh đạo xã Dương Tơ lúc bấy giờ, sắp xếp nghỉ tại một phòng trong trường tiểu học, vì khi ấy xã chưa có nhà khách, còn khách sạn thì hơi hiếm. Đêm khuya, không ngủ được, không chỉ vì lạ nhà, mà còn vì sóng biển rì rầm... Tựa cửa, nhìn lên bầu trời xanh thẳm, những ngôi sao lấp lánh như ngàn con mắt tinh nghịch, làm tôi liên tưởng một cách thú vị, mình đang nghỉ tại khách sạn "Ngàn sao" ở đảo Phú Quốc đấy chứ. Tưởng chỉ là ý nghĩ cho vui, nào ngờ, trở lại Phú Quốc lần này tôi đã được chứng kiến có một Ngàn sao Resort thật sự cùng Sài Gòn Phú Quốc Resort, La veranda Resort&Spa, các khách sạn Hương Biển, Hương Rừng… với đầy đủ tiện nghi hiện đại, nằm nối nhau bên những bãi biển lộng gió. Đến với Phú Quốc giờ đây ngoài cái thú được tận hưởng hương vị biển, nắng và cát, du khách còn được chiêm ngưỡng sự phong phú, đa dạng các loài động vật hoang dã, cùng vẻ đẹp hoang sơ của những thảm thực vật, cây rừng… trong Vườn quốc gia Phú Quốc. Đến với Phú Quốc du khách còn được biết đến những sản vật biển hiếm có và những huyền thoại… mà không ai lại không muốn tìm hiểu khám phá và thưởng thức.
Nước mắm Phú Quốc - Tài sản quốc gia
Nói đến Phú Quốc không thể không nói đến nước mắm. Nhưng để hiểu và gìn giữ thương hiệu nước mắm Phú Quốc như là tài sản của quốc gia thì không hề đơn giản. Vậy nước mắm như thế nào được gọi là nước mắm Phú Quốc? Theo Bách khoa toàn thư thì: Nước mắm Phú Quốc là loại nước mắm được sản xuất và đóng chai tại Phú Quốc và được sản xuất từ nguyên liệu chính là cá cơm Phú Quốc. Cá cơm có nhiều loại: Sọc tiêu, sọc phấn, phấn chì, cơm đỏ, cơm than… nhưng loại cá cơm cho nước mắm ngon nhất là sọc tiêu và cơm than. Còn theo những người làm nước mắm lâu năm trên đảo, để không thể lẫn vào đâu được, khi sản xuất nước mắm Phú Quốc, ngoài sử dụng nguyên liệu duy nhất là cá cơm Phú Quốc, thì phương pháp tích trữ (ủ chượp) thủ công truyền thống 200 năm qua, vẫn là cách làm tốt nhất. Quy trình thực hiện phải nghiêm ngặt ngay từ khâu đánh bắt cá ngoài biển, phải đúng chủng loại, tươi, sạch, bảo quản tốt. Khi đưa cá nguyên liệu vào thùng chượp phải được phủ muối, theo tỷ lệ 2 hay 3 phần cá, một phần muối… cứ như thế hàng loạt Thùng Chổ được làm từ gỗ cây bời lời hoặc vên vên, chai… chứa đầy cá, muối, đậy nắp kín, ủ, chờ lên men. Thông thường thời gian lên men cho nước mắm ngon là một năm, nếu để lâu hơn hàm lượng đạm càng cao hơn.
Cũng cần nói thêm, lâu nay người tiêu dùng vẫn tin rằng nước mắm Cốt, nước mắm Nhĩ là ngon nhất, nên cứ chọn loại nước mắm mang tên Cốt, Nhĩ để dùng. Thực ra nước mắm Cốt, Nhĩ làm gì có nhiều mà bán. Theo những nhà sản xuất nước mắm lâu năm cho biết thì nước mắm Cốt đúng là ngon thật. Bởi vì sau khi 12 tháng ủ, lên men, những giọt nước mắm đầu tiên sánh, đặc được thử và gọi là nước cốt. Nhưng nước mắm cốt chỉ có khoảng 5-10% trong tổng số lượng nước mắm thu được. Còn nước mắm Nhĩ, thật ra không có, có chăng chỉ là những giọt nước mắm rỉ (nhỉ, nhĩ) ra từ một vài kẽ nứt của thùng gỗ đang ủ chượp, lên men. Những giọt nước mắm Nhĩ này cũng vô cùng ngon, ngọt, nhưng vì quá ít nên không có chuyện nước mắm Nhĩ bày bán khắp nơi. Còn vì sao có nước mắm Cốt, Nhĩ được bày bán? Chẳng qua những nhà kinh doanh biết chọn thương hiệu Cốt, Nhĩ đặt tên cho nước mắm thường thường, để hấp dẫn người tiêu dùng mà thôi.
Bà Nguyễn Thị Tình, Chủ tịch Hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc cho biết, trước đây có cả trăm Nhà thùng (cơ sở làm nước mắm) trên đảo Phú Quốc tập trung ở hai nơi, Dương Đông và Cửa Cạn. Đến nay, cả đảo chỉ còn 80 cơ sở sản xuất, nhưng khối lượng nước mắm đã tăng nhiều hơn trước. Gần đây, Công ty Unilever Việt Nam đã đầu tư 1 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất và đóng chai nước mắm ngay tại đảo Phú Quốc, càng khuyến khích các cơ sở sản xuất nước mắm trên đảo phát triển. Tuy nhiên, do việc bảo hộ bản quyền về thương hiệu nước mắm Phú Quốc làm chưa tốt nên có nhiều công ty đã mua nước mắm từ đảo mang về đất liền đóng chai (không được kiểm định) vẫn tiếp tục sử dụng thương hiệu Phú Quốc. Điều này lý giải tại sao trước đây cũng đã có nhiều công ty từ Thái Lan đến Phú Quốc mua nước mắm mang về đóng chai, dán nhãn hiệu Phú Quốc rồi đi bán khắp nơi, làm cho thương hiệu quốc gia nước mắm Phú Quốc bị xâm hại. Để gìn giữ và phát huy thương hiệu quốc gia nước mắm Phú Quốc… không có cách nào khác là tỉnh Kiên Giang, huyện Phú Quốc nhanh chóng đăng ký xác lập quyền sở hữu, bảo hộ bản quyền về thương hiệu nước mắm Phú Quốc.
Tình người trên đảo
Trước khi trở lại đảo Phú Quốc, theo giới thiệu của anh bạn đồng nghiệp, tôi đến nhà hàng Lộc Ấn trên đường Nguyễn Thị Diệu, TP Hồ Chí Minh, thưởng thức một số món ăn đặc sản của đảo Phú Quốc. Nhà báo Lương Minh cho biết, nhà hàng Lộc Ấn là nơi duy nhất trên đất liền có những món ăn mà chỉ ở đảo Phú Quốc mới có. Chủ nhà hàng là một chàng trai, mới vào tuổi "tam thập nhi lập" Võ Tấn Thành, người con của đảo Ngọc. Nhà hàng tấp nập khách ra vào,gương mặt thực khách ai cũng hồ hởi khi vào và vui vẻ, mãn nguyện lúc ra về. Còn Võ Tấn Thành vẫn nhỏ nhẹ: Anh, chị ăn ngon và hợp khẩu vị chứ ạ? Xin cảm ơn cô, chú đã đến với nhà hàng Lộc Ấn… Võ Tấn Thành sinh ra trong một gia đình cách mạng trên đảo Phú Quốc, khi ấy còn hoang sơ lắm. Năm 1991, anh rời đảo vào đất liền sinh sống và học tập. Anh tâm sự, hồi nhỏ theo cha ra bãi biển, thấy con cá, con ốc nhỏ xíu đều lượm về chơi. Từ ham chơi đến yêu quý thật gần. Lớn lên, xa biển, mỗi lần ăn cá, tôm, cua, ốc… Thành lại nhớ đến biển, đến đảo. Vì vậy, khi mở nhà hàng Lộc Ấn, Thành nghĩ ngay đến việc chế biến các món ăn, thức uống từ nguyên liệu của biển, đảo quê hương. Thế là hằng ngày, những con cá, con ốc, con cua… quen thuộc của đảo đã theo các chuyến bay vào đất liền. Từ đó những đặc sản của đảo Phú Quốc như gỏi cá trích, lẩu cá bớp, ốc nhảy, rượu Sim, rượu Mỏ Quạ… dần dần trở thành những món ăn, thức uống quen thuộc, khoái khẩu của người đất liền. Chỉ một thời gian ngắn sau khi làm ăn có lãi, điều đầu tiên Võ Tấn Thành nghĩ đến là hãy làm gì cho quê hương xứ đảo. Quỹ học bổng do Võ Tấn Thành hỗ trợ đã được hình thành tại Trường THCS Dương Đông 1, dành cho các học sinh giỏi. Ngoài ra mỗi lần trở về đảo, Võ Tấn Thành còn tặng nhiều phần quà bao gồm sách, bút, xe đạp… cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hiếu học ở Trường THCS Dương Đông 1, 2. Anh còn đỡ đầu cho một số học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn theo học đến khi tốt nghiệp trung học cơ sở.
Thế mới biết tình người trên đảo tuy xa xôi nhưng thật gần gũi, nhỏ bé mà đáng quý biết nhường nào. Đảo xa đang rất mong muốn có nhiều tấm lòng với đảo như Võ Tấn Thành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.