Áp lực công việc và sự bận rộn của cuộc sống khiến nhiều chị em không có đủ thời gian để chuẩn bị cho bữa ăn gia đình. Bắt cả nhà đi ăn tiệm thì không nỡ, mà lao vào bếp núc thì mệt mỏi, vì vậy, trào lưu ăn... cơm
Mua cơm "online"
Bữa cơm gia đình là một nét văn hóa rất độc đáo của người dân Việt Nam, là sợi dây vô hình gắn kết từng thành viên trong gia đình. Nhưng cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực, đặc biệt là sự thiếu thốn thời gian khiến “sợi dây” ấy, với không ít người, là sự trói buộc.
Chị Mỹ Nga, một nhân viên ngân hàng (phố Nguyễn Khang, Hà Nội) chia sẻ chân thành: “Sau một ngày bù đầu với công việc ở cơ quan, vừa tan sở lại quýnh quáng, vội vã chen chân vào các khu chợ đông đúc, rồi đau đầu lựa chọn thực phẩm sao cho vừa lành, vừa tươi, tất tưởi về nhà nấu nướng cho bữa tối kịp giờ và ngon miệng, nói thực, cảnh tượng ấy khiến tôi rất ngán. Nhiều hôm mệt quá, chỉ muốn “bắt” cả nhà đi ăn cơm hàng, nhưng nghĩ đến mấy vụ thịt ôi, cá thiu thì ghê quá. Nếu chỉ có hai vợ chồng chắc cũng nhắm mắt ăn bừa, nhưng còn ông bà và hai đứa trẻ con nữa, nên cũng khó…”.
Chị Linh Nhung (kế toán, phố Nguyễn Ngọc Nại, Hà Nội) cũng cho hay: “Nhà mình kỹ tính, dù có người giúp việc nhưng mình luôn phải tự tay nấu mới ăn được. Ra nhà hàng ăn thì không kinh tế, vả lại cũng không ấm cúng; hôm nào vội quá, mình dùng thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp thì hôm đó cả nhà 'lãn công', ăn rất ít vì hương vị không tự nhiên.”
Không ít chị em cũng có chung nỗi lo ngại như chị Nga và chị Nhung: họ vẫn muốn gia đình mình có một bữa cơm ngon lành nhưng không có thời gian nấu, nhất là những món cầu kỳ hoặc “bế tắc” trong việc chọn thực đơn. “Cứu tinh” của họ là… cơm "lười" – những món ăn mặn được một số cá nhân, hộ gia đình sản xuất tại nhà.
Với trào lưu ăn cơm lười, chị em chỉ cần vào web của một bếp ăn, xem thực đơn và đặt món. |
Thế là, thay vì phải “xông pha” vào chợ buổi chiều, căng mắt lựa chọn thực phẩm và mất hàng giờ chế biến, những người bận rộn chỉ cần gọi điện, vào web chọn món và đặt giao hàng tại nhà, chăm hơn một chút thì phi xe đến bếp homemade mà mình chọn để mua đồ ăn, thủng thẳng về nhà cắm nồi cơm, hâm lại thức ăn, thế là đã có ngay một bữa cơm nóng sốt, thơm ngon.
Ở hai thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, có khá nhiều “tín đồ” của trào lưu cơm "lười". Đương nhiên, song hành với trào lưu này là hình thức kinh doanh thức ăn homemade. Nếu như ở Hà Nội, Nhà hàng Bể Cá, bếp nhà Bio, bếp Trang Xinh, bếp Gió Mùa, bếp Hương Lý, bếp Zippy, bếp chay chị Hồng… là đình đám, sau đó có bếp “bà Chà”, mới hơn là bếp Món ngon của mẹ, bếp Munkitchen… thì ở TP.HCM, bếp của Phước và bếp Cơm Chiều Ngon đang “làm mưa làm gió” trong giới văn phòng và các chị em bận rộn.
Dạo qua các bếp, không khó tìm thấy lý do khiến họ có nhiều người hâm mộ đến thế. Không chỉ chạm trúng “huyệt” lười của chị em, các bếp còn tung ra nhiều món ăn cầu kỳ và mất thời gian đến mức ngay cả những bà nội trợ kỳ cựu nhất cũng phải nhún vai như: sụn sườn non chưng mắm tép, xôi chim bồ câu, ếch đồng xào măng, cá quả xào nấm, dạ dày om tiêu, chim bồ câu hầm… của Bếp “bà Chà”; giả cầy, bò cuốn lá lốt, chả mực, chả cá mối, ruốc nấm… của Nhà hàng Bể Cá; cá sông kho riềng, thịt kho dừa bánh tẻ, thịt heo ngâm mắm... của Bếp của Phước hay thịt bò kho gừng, sườn xào chua ngọt, cánh gà chiên các kiểu… của Cơm chiều Ngon. Không chỉ món mặn, ngay cả những món khai vị, món xào, món tráng miệng cũng được các bếp homemade chuẩn bị cho những khách hàng của mình.
Nhìn vào số lượng người theo dõi và ưa thích Facebook của các nhà bếp này mới thấy, trào lưu cơm lười đang lan rất nhanh. Các “tín đồ” của trào lưu này gần như liên tục truy cập vào tài khoản của các bếp và hưởng ứng các thông tin mới, gợi ý món, đặt hàng của bếp. Chủ Nhà hàng Bể Cá tiết lộ, chị có hơn 300 khách hàng thường xuyên, tương tự thế, “mối ruột” của Bếp “bà Chà”, Bếp của Phước, Cơm Chiều Ngon và các bếp homemade khác đã lên đến con số hàng trăm và vẫn đang tăng lên.
Anh Tiến Đạt, một người bị vợ “đồng hóa” thành tín đồ của trào lưu cơm "lười" ca ngợi: “Đồ ăn sẵn nhưng không hề công nghiệp, rất ngon, sạch sẽ và nhiều món đặc biệt.” Chị Khánh Vân cũng hào hứng kể về chuyện lười: “Nhiều hôm đi làm về mệt, đang sắp nản thì nhớ ra cứu tinh, thế là đặt ngay đồ ăn sẵn cho cả nhà.”
Tín đồ cơm "lười": Sẵn sàng chi đậm để được ăn ngon
Cũng là thực phẩm chế biến sẵn, nhưng sỡ dĩ các bếp homemade làm các tín đồ cơm "lười" mê mệt và sẵn sàng chi trả cho mức giá đắt hơn thị trường khá nhiều, dao động từ 10% - 60% là bởi chất lượng của các bếp, theo người tiêu dùng đánh giá, là cao hơn hẳn so với cơm hàng. Chị H.N thích thú kể: “Lần đầu mua thức ăn sẵn của bếp về, thú thực mình còn hơi sợ bị chê là lười, nhưng rồi đồ ăn siêu ngon, đậm đà đến mức, cả nhà ăn hết veo, ai cũng khen, lại còn ủng hộ mình lười nữa chứ!” Cũng như những “người cùng hội” của mình, chị N. mê mẩn thức ăn của các bếp homemade vì sự sạch sẽ và yên tâm về nguồn gốc thực phẩm, nhất là sự đồng đều trong từng “mẻ” thức ăn.
Cùng với sự ngon, an toàn cũng luôn là thứ các chị em “soi” nhiều nhất khi chọn mua thực phẩm nấu sẵn. Chủ bếp Munkitchen quả quyết: “Tất cả các nguyên liệu tươi ngon đều được chính tay tôi lựa chọn từ sáng sớm tại các chợ lớn như chợ Hôm, chợ Thành Công, chợ Hàng Da, được sơ chế với nước máy sạch sẽ, chế biến vệ sinh trong nhà bằng bếp ga, xoong inox, chảo chống dính”.
Chị Lan Anh, người khởi xướng Cơm Chiều Ngon cũng cho hay, hiểu nhu cầu của những chị em bận rộn và cũng hiểu sự khó tính của khách hàng, tất cả các món ăn tại bếp đều được chế biến từ thực phẩm tươi sống hoàn toàn, nấu chín tại bếp gia đình bởi những người nội trợ kỹ tính và muốn giữ hương vị truyền thống trong gia đình. Món ăn cũng được giao ngay sau khi vừa nấu xong.
Điều làm những người mê cơm "lười" yên tâm nhất là họ không sợ bị ăn thức ăn cũ, bởi các bếp luôn… kiêu, chỉ nấu một số lượng phần ăn hạn chế cho mỗi món hoặc theo đặt hàng của người mua. Có khi khách hàng phải “xí” trước cả tuần mới được nhận món yêu thích, vì các món ăn đều được làm rất kỹ theo những công thức gia truyền và quy mô gia đình nên không bao giờ có thể đủ nhiều để phục vụ nhu cầu của khách hàng hoặc bị thừa ra. Một số chủ bếp khẳng định, họ muốn thức ăn giữ đúng vị gia đình và không công nghiệp hóa nên dù đắt hàng, họ sẽ hạn chế mở rộng sản xuất.
Với những khách hàng tiềm năng còn đắn đo việc có nên hay không gia nhập trào lưu cơm lười, một số bếp còn hào phóng giới thiệu cặn kẽ về nguồn gốc, cách thức, quy trình chế biến thực phẩm bằng những hình ảnh trực quan và những bài viết về món ăn rất hấp dẫn. Sự hưởng ứng của những khách hàng “ruột” với những thông tin này cũng phần nào lôi cuốn người khác chú ý hơn đến các bếp. Tự tin hơn, nhiều bếp sẵn sàng mời những người còn hoài nghi đến xem quy trình nấu nướng của họ mà không cần thông báo trước. Một chủ bếp tiết lộ, không ít người đã “ngã lòng” sau vài lần tham quan và thưởng thức món ăn của bếp.
Trào lưu ăn cơm "lười", ngó qua có vẻ như một sự “cổ xúy” cho những phụ nữ hiện đại không muốn mất thời gian cho việc bếp núc, nhưng với không ít người, lại là một sự giải phóng. Xu hướng tiêu dùng này, ít nhiều đã tặng cho họ cơ hội được nghỉ ngơi, thư giãn và dành thời gian cho bản thân nhiều hơn mà vẫn chăm sóc chu đáo cho bữa cơm của cả nhà.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.