(HNMCT) - Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong thực hiện bình đẳng giới. Tuy nhiên, bất bình đẳng giới vẫn ăn sâu vào nếp sống và suy nghĩ của nhiều người. Làm thế nào để từng bước xóa bỏ định kiến giới, tiến tới một xã hội bình đẳng giới, Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với GS.TS Hoàng Bá Thịnh, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giới, Dân số, Môi trường và các vấn đề xã hội (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) về vấn đề này.
- Thưa GS.TS Hoàng Bá Thịnh, ông đánh giá như thế nào về bình đẳng giới trong gia đình hiện nay?
- So sánh với một số quốc gia trên thế giới, Việt Nam là quốc gia có chỉ số bình đẳng giới khá cao. Năm 2020, Việt Nam xếp vị trí 87 trên tổng số 153 quốc gia được khảo sát về thu hẹp khoảng cách giới.
Trong nhiều gia đình Việt Nam hiện nay, nhìn chung đã có bước tiến bộ ấn tượng về bình đẳng giới, các thành viên trong gia đình có mối quan hệ bình đẳng, dân chủ, tôn trọng nhau, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Nghiên cứu của chúng tôi về sự hài lòng trong cuộc sống của người Việt Nam cho thấy, tỷ lệ người dân được hỏi hài lòng và rất hài lòng về đời sống hôn nhân là 84,1%; 87,4% hài lòng về mối quan hệ với cha mẹ và con cái. Báo cáo kết quả Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020 - 2021 cho biết, trên phạm vi toàn quốc, 66,1% phụ nữ từ 15 - 24 tuổi cảm thấy rất hoặc phần nào hạnh phúc, với điểm hài lòng về cuộc sống trung bình là 7,5.
Tuy nhiên, vẫn còn có tình trạng bất bình đẳng giới trong một số gia đình Việt Nam, biểu hiện ở quan niệm “trọng nam, khinh nữ” (công việc nội trợ, chăm sóc con cái, người ốm trong gia đình... được coi là trách nhiệm của người phụ nữ, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh do lựa chọn giới tính...). Việc lựa chọn giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới có tác động tiêu cực đối với phụ nữ, trẻ em gái cũng như xã hội. Bởi thế, Việt Nam mỗi năm có khoảng gần 46.000 bé gái không được sinh ra chỉ vì các em là con gái (theo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019). Bên cạnh đó là nạn bạo lực gia đình. Gần đây, các chuyên khảo của UNFPA cho thấy 58% số phụ nữ kết hôn đã từng bị bạo hành, 5% phụ nữ có thai bị bạo hành thể chất và 87% phụ nữ bị chồng bạo hành về thể chất hoặc tình dục không tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ tư pháp hoặc tìm các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu khác (UNFPA, 2019). Vẫn còn một bộ phận không nhỏ phụ nữ nhận lỗi về mình khi chồng có hành vi bạo lực gia đình.
- Có ý kiến cho rằng, sở dĩ có sự bất bình đẳng giới trong gia đình một phần là do người phụ nữ tự dựng rào cản. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?
- Đúng là một bộ phận không nhỏ phụ nữ hiện đang có suy nghĩ như vậy. Có người cho rằng nếu vợ hơn chồng thì có gì đó sai sai (!). Nhiều phụ nữ tự nhận mình thua kém nam giới, bằng lòng với “thiên chức” của mình, với vai trò “nội tướng” toàn tâm toàn ý “xây tổ ấm”, coi sự thành đạt của chồng, con làm niềm vui, tự hào của mình.
Đây chính là biểu hiện của việc “tự định kiến giới” của phụ nữ, điều này chẳng khác gì phụ nữ tự kéo rào cản trên con đường bình đẳng giới. Khi phụ nữ tự giới hạn mình, chính là họ đã không còn động lực phấn đấu nữa, mà bằng lòng, thậm chí cam chịu.
- Theo ông, tại sao cho dù Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách thuận lợi để phụ nữ có cơ hội ngang bằng với nam giới nhưng vẫn có không ít phụ nữ chấp thuận cách đối xử bất bình đẳng trong gia đình?
- Việt Nam đã xây dựng được hệ thống luật pháp, chính sách xã hội về gia đình tương đối đầy đủ, cập nhật và ngày càng hội nhập quốc tế. Bộ máy quản lý nhà nước về gia đình được củng cố và ngày càng hoàn thiện. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến công tác gia đình còn thể hiện ở hành động như định kỳ hằng năm hướng dẫn, tổ chức chiến dịch truyền thông hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam (28-6) và Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình (tháng 6) với nội dung thiết thực, phù hợp điều kiện thực tiễn nhằm tạo sự lan tỏa, hiệu ứng xã hội mạnh mẽ tôn vinh giá trị gia đình hạnh phúc. Do vậy, bình đẳng giới, quyền trẻ em, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao.
Tuy nhiên, do môi trường giáo dục, do nếp nghĩ đã hằn sâu qua nhiều thế hệ, không ít phụ nữ vẫn chấp thuận cách đối xử bất bình đẳng trong gia đình. Một số phụ nữ đã quan niệm không đúng về vai trò, trách nhiệm của mình trong gia đình như cách nghĩ: “Lấy chồng là gánh vác giang sơn nhà chồng”, tự nguyện làm “bệ phóng” cho nam giới, hy sinh tất cả vì chồng, vì con... Cũng không ít phụ nữ tự ti nên thường nhường nhịn chồng hoặc sống cam chịu. Tư tưởng "trọng nam khinh nữ" được thể hiện trong rất nhiều gia đình. Không ít cặp vợ chồng, cả hai cùng có điều kiện phát triển ngang nhau, thậm chí người vợ có ưu thế hơn nhưng luôn sẵn sàng lui về hậu phương, tạo điều kiện và “nhường” cho chồng cơ hội (học tập, thời gian...) để phát triển, vô hình trung tạo nên rào cản đối với phụ nữ trên con đường bình đẳng giới, đồng thời tạo cơ hội cho nam giới mặc nhiên “thụ hưởng” sự hy sinh của vợ, của con.
- Hậu quả của việc này là gì, thưa ông?
- Định kiến giới là nguyên nhân cản trở cơ hội học tập của trẻ em gái; hạn chế khả năng cống hiến và hưởng thụ cuộc sống của phụ nữ. Tâm lý “khát con trai” dẫn đến tình trạng dư thừa nam giới, và nam giới ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời và kết hôn. Mặt khác, sự mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ gây nên tình trạng mất cân bằng cấu trúc dân số, dẫn đến rất nhiều hệ lụy như cưỡng ép kết hôn, tảo hôn, buôn bán người, lao động tình dục, bạo lực giới trong gia đình...
- Theo ông, chúng ta cần làm gì để ngày càng có nhiều phụ nữ dám bước qua định kiến về giới, tự tin khẳng định mình?
- Để bước qua được định kiến giới, trước hết cần thay đổi về nhận thức. Công tác tuyên truyền, giáo dục được thực hiện tốt sẽ giúp thay đổi nhận thức, hành vi trong ứng xử gia đình, từ đó dần xóa bỏ định kiến và khoảng cách giới. Để làm được điều này, trước tiên chúng ta cần tăng cường giáo dục bình đẳng giới trong nhà trường: Những nội dung về bình đẳng giới cần được lồng ghép trong nội dung đào tạo cho học sinh ngay từ khi học tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trang bị cho các em hiểu biết, ý thức và trách nhiệm về giới. Trong gia đình, cha mẹ, ông bà cần giáo dục cho các con về sự bình đẳng; đối xử bình đẳng giữa con trai và con gái về cơ hội học tập, nuôi dưỡng, giáo dục, nghĩa vụ, trách nhiệm trong gia đình. Người chồng cần chia sẻ với vợ công việc nội trợ, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái... Ông bà cũng phải đối xử bình đẳng giữa các con, các cháu; không tạo sức ép để con phải sinh con trai.
Các phương tiện truyền thông cần tập trung hơn nữa vào vấn đề xã hội và định kiến giới. Đặc biệt, trong các chương trình truyền thông, cần hướng đến nam giới và thu hút sự tham gia của nam giới, một chủ thể quan trọng của tiến trình bình đẳng giới. Đồng thời, cần tăng cường giáo dục kiến thức về quyền của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Phụ nữ cần xóa bỏ mặc cảm, tự tin vào chính mình, chịu khó học tập, phấn đấu có chuyên môn, có công ăn việc làm ổn định, trở nên độc lập, không còn phụ thuộc vào nam giới.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.