Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng tới một xã hội bình đẳng giới: Thay đổi nhận thức và cách ứng xử

Hoàng Lan| 27/03/2023 07:00

(HNMCT) - Năm 2016 là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực, đánh dấu sự khởi đầu cho một hoạt động đầy ý nghĩa là đấu tranh với định kiến về giới đang còn khá nặng nề. Bảy năm qua, thành tựu đạt được là không nhỏ, tuy nhiên, vẫn còn đó định kiến về giá trị, vai trò của nam giới và nữ giới trong mọi hoạt động của xã hội, đặc biệt là cách ứng xử trong gia đình, nơi từ xưa đến nay đã hình thành rất nhiều “quy ước” bất thành văn.

Đàn ông chia sẻ việc nhà cùng vợ sẽ góp phần củng cố hạnh phúc gia đình. Ảnh: An Nhiên

Những định kiến khó bỏ

Tháng 5-2021, câu chuyện ly hôn của vợ chồng tỷ phú Bill Gates trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Đề tài được bàn luận nhiều nhất đó là việc tỷ phủ này từng chia sẻ, ông thường xuyên là người rửa bát và dân cư mạng nhanh chóng móc nối việc “phải rửa bát" này với với việc “ly hôn”. Có người ám chỉ: “Thế nên tốt nhất là đừng bắt đàn ông rửa bát để gìn giữ hạnh phúc gia đình”!

Đây là một trong rất nhiều ví dụ cho thấy, tại Việt Nam, tiến đến một xã hội bình đẳng giới là một quá trình khá gian nan khi định kiến về giới của một bộ phận còn rất nặng nề.

Có một thực tế là tại nước ta, cho dù nhận thức của xã hội đã thay đổi nhiều và pháp luật về bình đẳng giới đã được ban hành, nhưng xu hướng ưu tiên nam giới vẫn tồn tại. Phụ nữ, trẻ em gái vẫn là đối tượng bị đối xử bất bình đẳng ngay trong gia đình. Có những người làm cha mẹ vì muốn sinh con trai nên tìm mọi biện pháp để đạt được điều này, bởi con sinh ra được mang họ cha và theo truyền thống thì người con trai sau này có vai trò là người hương khói, cúng bái tổ tiên. Ở những gia đình kiểu này, con gái khi lớn lên sẽ được dạy dỗ phải biết nấu nướng, làm việc nhà, con trai được ưu tiên đầu tư học tập với mong muốn sau này là trụ cột cho cả nhà. Đến khi trưởng thành, đặc biệt là khi có gia đình, những người con gái trong những gia đình ấy thường là người ít có tiếng nói trong gia đình cha mẹ ruột của mình (vì khi đó, cô ấy được cho là “con người ta”, đi làm dâu thì hưởng phúc nhà chồng...), chịu sự bất bình đẳng trong phân chia tài sản, hưởng quyền thừa kế...

Chị Nguyễn Hoàng Thu (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) chia sẻ: “Trong gia đình tôi, phụ nữ luôn là người phải chịu trách nhiệm nếu con hư, gia đình lục đục, chồng say xỉn hoặc ngoại tình, không có con hoặc con một bề. Ý thức về bình đẳng giới rất rõ nên sau khi tôi lấy chồng, tôi và chồng cũng bàn bạc để cùng nhau chia sẻ công việc nhà, nhưng không đơn giản. Chúng tôi bị chê cười, tôi bị chê là ghê gớm, bắt nạt chồng còn anh ấy bị chê là sợ vợ. Bất cứ khi nào anh xuống bếp ngỏ ý muốn giúp tôi nấu nướng thì đều bị mọi người trong nhà can ngăn, nói nhà có thiếu người đâu, còn tôi thì được cảnh báo: “Vừa vừa thôi không thì chồng bỏ...”.

Nói như thế không có nghĩa là nam giới trong gia đình không phải chịu áp lực. Tôi từng chứng kiến một cặp vợ chồng đến trường đón con. Thấy người bố bế em gái lên cưng nựng khi vừa gặp mặt, cậu con trai cũng tỏ ý muốn được như thế nhưng người bố đã vỗ về: “Con đã học lớp 3 rồi, là đàn ông ai lại thế, xấu hổ lắm”. Sau đó là một “bài giảng” dài về sự mạnh mẽ mà một đứa con trai cần phải có, không để ý đến cảm xúc của cậu bé.

Bình đẳng giới trong gia đình đơn giản là cùng nhau chia sẻ việc nhà. Ảnh: An Nhiên

Giáo sư Michael Kimmel (Đại học Stony Brook, New York, Mỹ), người có kinh nghiệm lâu năm trong việc nghiên cứu về giới, từng nói: “Đàn ông phải chứng minh họ là đàn ông, phụ nữ thì không cần”. Theo Giáo sư Kimmel, ngay từ nhỏ, các bé trai đã phải chịu áp lực để thể hiện mình là đàn ông từ cách đi đứng, nói chuyện, cử chỉ, hành động với người khác phái... Các em luôn được dạy rằng, là con trai phải có ước mơ, hoài bão, sống mạnh mẽ, cứng rắn, phấn đấu, rèn luyện để sau này trở thành một người đàn ông có sự nghiệp, thành đạt... Khi lớn lên, họ còn “được” khoác lên mình trọng trách là trụ cột gia đình, thậm chí cả dòng họ.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội nhận định: “Những quan niệm truyền thống còn cứng nhắc về các giá trị và vai trò của nam giới và phụ nữ là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giới ở Việt Nam”.

Là một nước có truyền thống văn hóa đậm chất Á Đông, Việt Nam chịu ảnh hưởng khá nhiều của tư tưởng phong kiến cùng với sự thay đổi chậm chạp của ý thức xã hội. Những mỹ từ như “thiên chức”, “truyền thống tốt đẹp”, “bản sắc văn hóa” đã “ru ngủ” cả nam giới lẫn nữ giới và nhốt chặt họ vào trong đó. Rất tiếc là không ít người tự nguyện “giam mình” trong khuôn mẫu ấy, một số nhận ra đó là những giá trị ảo nhưng không dám thay đổi. Hậu quả là, những người trẻ không có cơ hội để được là chính mình.

Đàn ông cùng chia sẻ việc nhà với vợ là thể hiện trách nhiệm với gia đình. Ảnh: Diễm Hằng

Để bước qua định kiến

Để tiến tới một xã hội bình đẳng giới, Việt Nam đã có rất nhiều chủ trương, chính sách nhằm giảm bớt sự bất bình đẳng giữa nam giới và nữ giới, như Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, xét cho cùng, luật là “sức mạnh cứng”. Muốn thay đổi, thu hẹp được khoảng cách, phá bỏ định kiến giới, chúng ta phải kiên trì xây dựng một “sức mạnh mềm” từ việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân nhằm thay đổi được tư tưởng đã ăn sâu, bén rễ trong rất nhiều gia đình Việt. Muốn làm được điều ấy, giáo dục trong gia đình đóng vai trò rất quan trọng, con trai hay con gái cần được đối xử như nhau. Về phía xã hội, các đoàn thể, tổ chức cũng cần phải tham gia mạnh mẽ hơn vào việc này nhằm hạn chế tối đa sự thiên vị với từng giới. Xã hội cần thay đổi cách nhìn nhận về giới một cách thực chất, đó là mọi giới đều bình đẳng trước pháp luật, có cơ hội ngang nhau và thụ hưởng ngang nhau.

Còn theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, để xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng giới, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật để phụ nữ nhận thức đầy đủ hơn về quyền của mình cần phải được đẩy mạnh hơn, với nhiều hình thức. Những lời hô hào kiểu như phụ nữ phải đảm đang, "giỏi việc nước, đảm việc nhà" cần được xem xét lại theo một góc độ khác. Nếu không, phụ nữ sẽ phải chịu "gánh nặng kép", vừa phải giỏi việc cơ quan, lại đảm đang việc nhà, trong khi đàn ông chỉ thực hiện mỗi một nhiệm vụ là "giỏi việc nước"...

Trong thực tế, chúng ta có thể thấy câu chuyện giản dị về bình đẳng giới ở mọi nơi. Chẳng hạn, ở gần nhà tôi có một gia đình trẻ rất hạnh phúc. Chị vợ thường đi làm về muộn nên tôi nhiều lần bắt gặp anh chồng đưa đón con đi học rồi đi chợ, nấu cơm... Vài người nói với anh, như thế thật không công bằng, nhưng anh quả quyết: “Bình đẳng giới trong gia đình của tôi đơn giản là ai đi làm về trước thì người đó nấu cơm".

Đúng vậy! Không cần khoa trương, giáo điều, bình đẳng giới hiểu một cách đơn giản chính là không có sự phân biệt về giới giữa phụ nữ và đàn ông. Khi nhận thức và cách ứng xử của xã hội thay đổi đối với mỗi giới, nó sẽ góp phần phá bỏ định kiến giới và mọi quy định “bất thành văn” trong lịch sử sẽ thay đổi theo chiều hướng phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới một xã hội bình đẳng giới: Thay đổi nhận thức và cách ứng xử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.