Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phù hợp xu thế, đáp ứng yêu cầu phát triển

Linh Nhi - Hoài Thanh| 09/03/2019 06:51

(HNM) - Thông tư 46/2018/TT-BYT quy định về hồ sơ bệnh án điện tử đã và đang nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân, bởi nó đáp ứng được nhu cầu phát triển và mong muốn của bệnh nhân về một môi trường y tế văn minh, hiện đại.

Kiểm tra sổ khám bệnh bằng công nghệ thông tin tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Ảnh: Hữu Tiệp


PGS.TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế:
Bước đột phá số hóa ngành Y tế

Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành, góp phần hiện đại hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngày 28-12-2018, Bộ Y tế ban hành Thông tư 46/2018/TT-BYT quy định về hồ sơ bệnh án điện tử. Thông tư này quy định việc lập, sử dụng, quản lý hồ sơ bệnh án điện tử tại các cơ sở khám, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Bệnh án điện tử giúp người bệnh không phải lưu trữ các loại giấy tờ khi đi khám, chữa bệnh. Bệnh án điện tử cũng góp phần công khai, minh bạch trong khám chữa bệnh. Triển khai bệnh án điện tử cùng với triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử giúp ngành Y tế có dữ liệu sức khỏe người dân đầy đủ, chính xác, kịp thời; góp phần tích cực để chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, dự báo, hoạch định chính sách chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân tốt hơn. Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử làm thay đổi thói quen từ ghi chép trên giấy sang sử dụng máy tính nên cần có chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo, sự tham gia tích cực của nhân viên bệnh viện.

Bà Vũ Thị Hoàng Lan, bác sĩ Trạm y tế xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm:
Cần sự quan tâm chỉ đạo đồng bộ

Cổ Bi là một trong 10 xã, phường của thành phố Hà Nội triển khai khám lần đầu từ năm 2017 để lập hồ sơ điện tử (sổ y bạ điện tử) quản lý sức khỏe nhân dân suốt cuộc đời nên việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử trên địa bàn thời gian tới sẽ có nhiều thuận lợi. Thời kỳ đầu, có 28 y, bác sĩ từ Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm và Trung tâm Y tế huyện được cử xuống xã để phối hợp thực hiện. Thông qua hệ thống dữ liệu dân cư, đến nay Trạm y tế đã tham mưu cho huyện Gia Lâm lập danh sách khám lần đầu cho gần 80% dân số của xã. Từ ngày 1-3-2019, các cơ sở y tế bắt đầu triển khai hồ sơ bệnh án điện tử theo Thông tư 46/2018/TT-BYT, y tế cơ sở chúng tôi cũng sẵn sàng đón nhận vì Trạm y tế đã triển khai lập y bạ điện tử từ 2 năm nay. Theo đó, các bệnh viện hạng I sẽ quản lý hồ sơ bệnh án điện tử tại các cơ sở khám, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Điều đó đồng nghĩa với việc, sẽ không còn tình trạng bệnh nhân phải cầm sổ y bạ cùng nhiều giấy tờ từ phiếu khám bệnh, phiếu xét nghiệm đến hóa đơn thanh toán tiền...

Bác sĩ Nguyễn Khuyến, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang:
Hướng tới chăm sóc bệnh nhân ngày càng tốt hơn

Với lượng bệnh nhân đến khám hằng ngày rất đông, khoảng 1.200 lượt người là lợi thế để bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, hướng tới chăm sóc bệnh nhân tốt hơn. Đến nay, bệnh viện đã cấp 15.000 thẻ từ thông minh và thí điểm ứng dụng nhận diện vân tay nên quản lý tốt hồ sơ bệnh án. Tuy nhiên, để triển khai bệnh án điện tử, bệnh viện vẫn còn những khó khăn nhất định như sự hợp tác của bệnh nhân trong lấy vân tay, đặc biệt, cơ sở hạ tầng cũng cần phải được đầu tư, không để nghẽn mạng khi khám, chữa bệnh cho bệnh nhân. Từ tháng 12-2018 đến nay, phần mềm này được triển khai thí điểm ở một số khoa như: Khoa Truyền nhiễm, Khoa Nội tổng hợp (điều trị nội trú) và khu khám bệnh theo yêu cầu, khu khám bệnh nội tiết. Theo đó, khi khám và điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ dùng ipad để cập nhật tình trạng bệnh nhân và chỉ định thay vì dùng bút ghi giấy như trước. Bệnh viện không mất nhiều diện tích để lưu trữ hồ sơ bệnh án, việc tìm hồ sơ bệnh án thuận tiện hơn, thủ tục khám, nhập viện của bệnh nhân được rút ngắn, khi đăng ký khám bệnh, thay vì mất trung bình 3 phút như hiện nay sẽ chỉ còn 5-10 giây. Sau tháng 3 thực hiện, nếu phần mềm được nghiệm thu, việc khám và chữa bệnh điện tử sẽ được triển khai trên toàn bệnh viện.

Chị Nguyễn Hồng Mai, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa:
Giúp người dân chủ động phòng bệnh

Khi bệnh án điện tử thay sổ y bạ truyền thống, bệnh nhân có nhiều lợi ích như: Được thông báo kết quả khám, chữa bệnh qua tin nhắn điện thoại, được các bác sĩ tư vấn sức khỏe, hẹn khám định kỳ để phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời, tiết kiệm thời gian chờ đợi và thông tin bệnh án được liền mạch (vì được tự động lưu trữ trên hệ thống mạng điện tử của cơ sở y tế)... Việc này khiến chúng tôi yên tâm hơn, không còn mù mờ về bệnh của mình khi khám chữa bệnh bằng sổ y bạ truyền thống vì khó đọc chữ bác sĩ, phải xếp hàng, tốn tiền mua sổ mỗi lần khám bệnh xong, dễ bị quên, hoặc mất sổ. Tuy nhiên, đây là việc rất mới, nên trong lộ trình chuẩn bị triển khai rộng rãi, các bệnh viện, phòng khám, cơ sở y tế tư nhân cần trang bị đầy đủ thiết bị công nghệ và trình độ, chế độ bảo mật thông tin của người khám, chữa bệnh để bệnh án điện tử không xảy ra nhầm lẫn, sai sót, góp phần mang lại lợi ích thiết thực cho bệnh nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phù hợp xu thế, đáp ứng yêu cầu phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.