(HNM) - Là xã đồi gò của huyện Quốc Oai, bên cạnh việc trồng lúa, chè, sắn trên đồi cao… thì chăn nuôi gia cầm, thủy cầm từ lâu đã trở thành thế mạnh của Phú Cát. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, do thiếu tính toán, không ít hộ gia đình ở Phú Cát đã rơi vào cảnh thua lỗ, nợ nần chồng chất...
Ai đến Phú Cát mua vịt thời điểm này đều ngỡ ngàng khi chỉ phải bỏ ra vài ba trăm nghìn đồng là có thể bắt về nhà được 5- 6 con vịt thịt, một mức giá quá rẻ so với mua tại các chợ. Nhưng niềm vui của người mua lại là nỗi buồn của người chăn nuôi.
Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Phú Cát Dương Như Tư, đồng thời là chủ trang trại nuôi 1.600 con vịt, than thở: “Để duy trì đàn vịt này, mỗi ngày, gia đình phải chi 1,4 triệu đồng tiền thức ăn, trong khi vịt đã đến ngày xuất chuồng nhưng không bán được. Theo tính toán, thời gian nuôi một lứa vịt từ khi bóc trứng đến khi bán thịt khoảng 55 ngày. Nếu tính giá cám trung bình 10.000 đồng/kg như hiện nay thì mỗi kilôgam vịt xuất chuồng phải có giá 39-40 nghìn thì người chăn nuôi mới hòa vốn. Tuy nhiên, thực tế giá vịt xuất chuồng hiện chỉ là 35-37 nghìn đồng/kg. Với giá thành như hiện nay, mỗi sáng mở mắt dậy, nhà tôi mất mấy trăm nghìn đồng, chưa kể công chăm sóc" - ông Tư cho biết.
Theo những người chăn nuôi ở Phú Cát thì giá vịt rớt thê thảm như vậy là do thời điểm cuối tháng 12-2012 (bắt đầu vào vụ vịt đầu tiên) vịt bán được giá 45-47 nghìn đồng/kg, một số hộ lãi tới 20-30 triệu đồng/lứa. Thấy hiệu quả nên nhiều hộ tiếp tục đầu tư mở rộng đàn vịt và hệ quả là cung vượt quá cầu, người nuôi lỗ nặng.
Không chỉ người chăn nuôi gia đình, những hộ nuôi gia công cho các công ty có uy tín, vẫn được đánh giá là ổn định nay cũng chung cảnh ngộ. Đến gia đình chị Nguyễn Thị Hiên, thôn 5, xã Phú Cát, chúng tôi thấy cả khu chuồng trại rộng hàng trăm mét vuông bỏ không. Chị Hiên cho biết, trước đây, trong trại của gia đình thường xuyên có 5.000 gà thịt, nuôi gia công cho Công ty CP Chăn nuôi Việt Nam. Nhưng từ đầu năm đến nay, đã phải tạm "treo" chuồng do phía công ty thông báo tạm dừng nuôi. Không có gà, mấy lao động trong nhà trở thành thất nghiệp...
Phú Cát có 7 thôn với khoảng 2.200 hộ chủ yếu làm nông nghiệp, canh tác trên diện tích gần 500ha. Những năm qua, phục vụ thu hồi đất xây dựng Khu công nghệ cao Hòa Lạc và một số dự án nhỏ lẻ khác, nông dân Phú Cát đã bị thu hồi một diện tích lớn đất nông nghiệp. Có tiền hỗ trợ đền bù, nhiều hộ đã đầu tư vào chăn nuôi. Không kể những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, Phú Cát hiện có 34 trang trại chăn nuôi gà, vịt. Nhiều trang trại có quy mô lớn 10.000 con gà như hộ ông Nguyễn Văn Thể ở thôn 3, nhà nuôi ít cũng vài trăm con. Nhờ vậy, chăn nuôi chiếm tới 70% trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của địa phương. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, người chăn nuôi liên tiếp gặp khó khăn bởi dịch bệnh và thị trường tiêu thụ. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phú Cát Nguyễn Văn Cửu, dù giá đã giảm mạnh nhưng đầu ra vẫn rất khó khăn và còn bị thương lái ép giá.
Đã có thời kỳ, nghề chăn nuôi phát triển mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân. Để hỗ trợ ngành chăn nuôi, từ năm 2007-2008, UBND xã đã quy hoạch khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư ở khu gò Đống Quang, đồi Làng Cốc trên diện tích 7ha. Đứng trước những khó khăn hiện tại, các hộ bày tỏ mong muốn các ngành chức năng đưa ra những chính sách kịp thời trợ giúp người chăn nuôi như: quy hoạch lại các khu chăn nuôi tập trung, áp dụng các tiến bộ KHKT, chăn nuôi theo mô hình an toàn sinh học, bảo đảm sản phẩm chăn nuôi sạch bệnh... Đặc biệt là công tác dự báo thông tin thị trường, tăng cường việc kiểm soát gia cầm nhập lậu, kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm... Tháo gỡ khó khăn này cũng chính là động lực để người dân Phú Cát và nhiều nơi khác vươn lên làm giàu, xây dựng nông thôn mới thành công ở địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.