Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phong trào chữ thập đỏ trong trường học: Cần thiết, hữu ích

Minh Ngọc| 21/10/2018 07:31

(HNM) - Gây dựng, phát triển các chương trình, hoạt động chữ thập đỏ trong trường học là cần thiết và hữu ích. Bởi vậy, phong trào này rất cần được quan tâm nhân rộng.

Học sinh Trường Tiểu học Thành Công (quận Ba Đình) “mổ” lợn tiết kiệm ủng hộ hoạt động chữ thập đỏ.


Lan tỏa lối sống đẹp

Đã trở thành nền nếp, vào những giờ sinh hoạt tập thể, Trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) thường phổ biến, giới thiệu về mục đích, ý nghĩa của các chương trình, hoạt động thanh, thiếu niên chữ thập đỏ để học sinh biết và tham gia.

Trang tin, bảng tin của nhà trường cũng dành diện tích và thời lượng không nhỏ giới thiệu về những chương trình nhân đạo, từ thiện. Hiểu rõ ý nghĩa việc tham gia hoạt động thiện nguyện, học sinh Trường Tiểu học Nghĩa Tân hào hứng tham gia, phụ huynh nhiệt tình ủng hộ.

Bà Nguyễn Thị Bích Nga, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Tân cho biết, từ các nguồn ủng hộ tự nguyện, nhà trường hỗ trợ tiền học buổi thứ hai trong ngày, hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh con gia đình đối tượng chính sách; hỏi thăm, hỗ trợ kinh phí học sinh không may bị ốm đau, tai nạn…

Tổng kinh phí Trường Tiểu học Nghĩa Tân chuyển đến những địa chỉ nhân đạo khoảng hơn 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, nhà trường đã ủng hộ nhiều quần áo, chăn ấm và những đồ dùng học tập thiết yếu cho học sinh nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc; tặng 10 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo ở huyện Ứng Hòa...

Tương tự, nhiều trường học trên địa bàn thành phố đã tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”... Việc gây quỹ được các trường triển khai bằng nhiều hình thức như đặt hòm nhân đạo dưới cờ, phát động phong trào “Nuôi lợn nhựa”, “Áo ấm mùa đông”, “Quỹ Mùa xuân”, “Vé số học tập”…

Đến thời điểm này, hoạt động chữ thập đỏ được “nhân cấy” ở 2.012 trường học trên địa bàn TP Hà Nội với mạng lưới hội viên, tình nguyện viên lên tới gần 627.000 người đã, đang góp phần nhân rộng, lan tỏa lối sống đẹp. “Phát triển phong trào chữ thập đỏ trong trường học là cách giáo dục thế hệ trẻ phát triển theo hướng toàn diện, tạo điều kiện cho các em cơ hội biết sẻ chia, biết yêu thương”, bà Lê Thị Thanh Tâm, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Sỹ Trường, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội cho hay, riêng năm học 2017-2018, hội và chi hội chữ thập đỏ các trường học tổ chức giúp đỡ gần 47.000 lượt giáo viên, nhân viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn; cứu trợ ngoài trường học cho hơn 50.000 lượt người. Tổng trị giá hoạt động cứu trợ nhân đạo đạt hơn 82 tỷ đồng, tăng gần 10 tỷ đồng so với năm học trước.

Ngoài ra, các hội, chi hội chữ thập đỏ trường học tuyên truyền, hướng dẫn học sinh chủ động vệ sinh cá nhân, vệ sinh trường lớp, vệ sinh phòng, chống dịch bệnh theo mùa. Đội viên, thanh, thiếu niên chữ thập đỏ được trang bị kiến thức, kỹ năng sơ cứu, cấp cứu ban đầu để có thể ứng phó kịp thời khi có tai nạn xảy ra…

Nâng cao chất lượng hoạt động

Hiệu quả của công tác chữ thập đỏ trong trường học đã được khẳng định. Tuy nhiên, toàn TP Hà Nội hiện mới có 122 trường học bậc trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học công lập quan tâm hoạt động này trong nhà trường; các trường khối dân lập tham gia mới đếm trên đầu ngón tay.

Để khắc phục tình trạng này, ông Nguyễn Sỹ Trường đề nghị các cơ quan, đơn vị chức năng quan tâm, hướng dẫn, chỉ đạo những trường chưa có chi hội chữ thập đỏ tập trung xây dựng, củng cố tổ chức hội; tích cực tham gia hoạt động nhân đạo, từ thiện. Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam mở các lớp tập huấn cho thanh, thiếu niên, tình nguyện viên chữ thập đỏ; cung cấp tài liệu tuyên truyền về hoạt động chữ thập đỏ trong trường học…

Cùng với phát triển mạng lưới, việc nâng cao chất lượng hoạt động chữ thập đỏ tại các nhà trường cũng cần được quan tâm. Chia sẻ kinh nghiệm, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thượng (quận Tây Hồ) cho biết, khi triển khai các chương trình, hoạt động chữ thập đỏ, nhà trường nên vận động cả học sinh và phụ huynh tham gia. Phụ huynh hiểu rõ việc làm của con em mình, chính họ sẽ giải thích, định hướng cho con em trở thành những thanh, thiếu niên chữ thập đỏ nhiệt huyết. Quan trọng hơn, nguồn quỹ ủng hộ phải được sử dụng công khai, minh bạch, hỗ trợ đúng đối tượng.

Khơi dậy ý thức tự nguyện làm việc thiện của giới trẻ, Trường THPT Tô Hiệu (huyện Thường Tín) kết nạp học sinh từ đủ 16 tuổi trở lên vào hội chữ thập đỏ của trường; đồng thời thành lập chi hội chữ thập đỏ tại lớp học, mỗi lớp 1 chi hội do lớp trưởng là chi hội trưởng, bí thư chi đoàn là chi hội phó.

Hội và mạng lưới Chi hội Chữ thập đỏ Trường THPT Tô Hiệu thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục lòng nhân ái; hưởng ứng, tham gia các chương trình nhân đạo; thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe học đường. "Nhờ thực hiện tốt công tác chữ thập đỏ trường học, kết quả học tập, đạo đức của học sinh chuyển biến tích cực theo từng năm”, ông Phạm Thế Hà, Phó Bí thư Đoàn Trường THPT Tô Hiệu cho hay.

Hoạt động chữ thập đỏ trong trường học không chỉ là cầu nối những tấm lòng thiện nguyện với hoàn cảnh khó khăn, mà còn là giải pháp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; xây dựng nếp sống đẹp, lối ứng xử văn minh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phong trào chữ thập đỏ trong trường học: Cần thiết, hữu ích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.