Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng tránh tai nạn bỏng: Cần ý thức từ mỗi gia đình

Thu Trang| 09/07/2018 07:13

(HNM) - Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa hè là số bệnh nhân bị bỏng lại gia tăng đáng kể. Có nhiều tác nhân gây bỏng thường gặp như do nước sôi, cồn, dầu mỡ sôi, lửa hoặc điện, hóa chất…

Phục hồi chức năng cho nạn nhân sau bỏng tại Bệnh viện Bỏng quốc gia.


Đủ các dạng bỏng...

Từ đầu mùa hè đến nay, Khoa Bỏng (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho số lượng bệnh nhân bị bỏng, nhất là bỏng cồn tăng hơn so với bình thường. Theo ghi nhận trong những ngày cuối tháng 6 và đầu tháng 7-2018, hầu như ngày nào tại đây cũng tiếp nhận cấp cứu các bệnh nhân bị bỏng cồn khi nướng mực. Điển hình là trường hợp bệnh nhân Nguyễn V. (17 tuổi ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) được đưa vào Khoa Bỏng trong tình trạng bị bỏng mặt, lưng, ngực và hai tay với diện tích chiếm 40% cơ thể. Nguyên nhân do khi đang nướng mực, tưởng ngọn lửa đã tắt, V. tiếp tục đổ thêm cồn vào khay khiến ngọn lửa bùng lên gây bỏng nặng...

Bác sĩ Nguyễn Nam Giang, Phó Trưởng khoa Bỏng (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) cho biết, năm nào vào mùa hè, mùa du lịch biển cũng là thời điểm gia tăng các ca tai nạn bỏng cồn khi nướng mực. Thậm chí, nếu nạn nhân không bình tĩnh, càng hoảng loạn càng làm lửa cồn bùng lên, bắn ra xa ảnh hưởng đến cả những người xung quanh. Khi bị bỏng cồn có thể gây ra tình trạng tổn thương các giác quan và đường hô hấp, có nguy cơ tử vong cao. Đối với bỏng vùng thẩm mỹ và vùng vận động như: Mặt, chân, tay… thì di chứng để lại thường lớn. Tùy theo mức độ, diện tích bỏng khi khỏi thường để lại sẹo co rúm trên da. Do không nhận thức được hậu quả của bỏng cồn nên nhiều người dân còn chủ quan khi sử dụng cồn để nướng thức ăn.

Theo báo cáo của Bệnh viện Bỏng quốc gia, trung bình mỗi năm bệnh viện này khám trên 12.000 lượt bệnh nhân, trong đó bệnh nhân bỏng chiếm 65%. Trong tổng số nạn nhân bỏng, trẻ em chiếm khoảng 50%. Mùa hè cũng là thời điểm trẻ dễ bị tai nạn bỏng do được nghỉ hè, bố mẹ đi làm không có người quản lý. Thường trẻ em nông thôn bị bỏng nhiều hơn trẻ ở thành phố. Bên cạnh đó, lứa tuổi 1 đến 5 tuổi chiếm khoảng 50-60% số trẻ em bị bỏng. Đây là lứa tuổi rất hiếu động, thích khám phá tìm hiểu xung quanh nhưng lại chưa ý thức và chưa có khả năng phòng tránh các mối nguy hiểm. Trẻ em khi bị bỏng dù diện tích nhỏ cũng có thể gây rối loạn toàn thân, diễn biến bệnh thường phức tạp hơn, quá trình điều trị cũng gặp khó khăn hơn người lớn do các cơ quan chưa hoàn thiện.

Đơn cử như trường hợp bệnh nhi 1 tuổi tại Nghệ An trong lúc tập đi bằng xe vịn, bé đã bị bỏng do ấm nước sôi trên bàn đổ vào người. Sau đó, bé được cấp cứu tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An và được chuyển lên Bệnh viện Bỏng quốc gia trong tình trạng sốc nặng, ý thức lơ mơ, da niêm mạc nhợt nhạt, thở khò khè, mạch đập nhanh… Theo đánh giá của các bác sĩ, bệnh nhi này bị tổn thương bỏng 64% diện tích cơ thể, trong đó có 4% diện tích bỏng sâu ở mặt, đùi, chân... Sau 30 ngày được điều trị tích cực, trải qua 2 lần phẫu thuật cắt bỏ phần hoại tử và cấy ghép da, may mắn, bệnh nhi đã qua khỏi.

Các bác sĩ Bệnh viện Bỏng quốc gia tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhi bị bỏng.


Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Bỏng là loại bệnh lý rất nghiêm trọng, để lại di chứng lâu dài và rất tốn kém thời gian, tiền của. Có những trường hợp sau chữa bỏng, mặt mũi bị biến dạng, bệnh nhân phải tiến hành phẫu thuật tạo hình từ 5 đến 7 lần. Tuy nhiên, theo PGS.TS Hồ Thị Xuân Hương, Bệnh viện Bỏng quốc gia, hiện tồn tại một quan niệm sai lầm trong cấp cứu nạn nhân bị bỏng ở cộng đồng. Đó là không ít bệnh nhân trước khi được đưa vào cấp cứu tại viện đều trải qua hành trình đắp lá, rắc vôi bột, rồi “làm mát” bằng nhựa chuối, dầu cá, mỡ trăn, thậm chí, cả nước mắm, kem đánh răng… không những không có tác dụng mà còn khiến tổn thương bỏng sâu hơn, nguy cơ nhiễm trùng lâu lành hơn. Với những vết bỏng sâu thì các biện pháp này còn là yếu tố xúc tác mạnh gây hoại tử vết thương, đẩy nhanh đến những biến chứng nặng như sốc bỏng, nhiễm trùng máu, biến chứng ở nội tạng dẫn đến tử vong. 

PGS.TS Hồ Thị Xuân Hương khuyến cáo, phương pháp xử lý đúng lại rất đơn giản chỉ là hạ nhiệt vùng bỏng bằng nước mát. Cụ thể là ngâm vùng bị bỏng vào nước mát (có nhiệt độ 16-20 độ C) hoặc hứng vùng bị bỏng dưới vòi nước mát, sạch càng sớm, càng tốt (trong khoảng thời gian 20 phút). Sau đó, đưa nạn nhân đến các cơ sở y tế uy tín, không nên tự điều trị hoặc đến các thầy lang để chữa bỏng. Đừng để tiền mất tật mang vì sự thiếu hiểu biết của mình.

Bác sĩ Lê Quốc Chiểu, Bệnh viện Bỏng quốc gia cho rằng, bỏng là tai nạn có thể phòng tránh, phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” hoàn toàn đúng. Vì vậy, cần trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản về dự phòng bỏng, đừng để bị bỏng vì thiếu hiểu biết. Hầu hết các nguyên nhân dẫn đến trẻ em bị bỏng là do sự bất cẩn của người lớn. Các bậc cha mẹ có con nhỏ nên cẩn thận mọi thứ quanh nhà, sắp xếp vị trí hợp lý, nên có chỗ để riêng vật dụng dễ gây bỏng, như: phích nước, bếp gas, bàn là... Trong xây dựng, không nên để đường dây điện quá thấp, không nên xây nhà dưới tầm ảnh hưởng của đường dây cao thế...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng tránh tai nạn bỏng: Cần ý thức từ mỗi gia đình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.