Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảnh báo tai nạn bỏng trong sinh hoạt hằng ngày

Bảo Ngọc| 15/12/2022 10:16

(HNMCT) - Mới đây, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận một bệnh nhi bị bỏng ở mặt, nát bàn tay trái do bình gas mini phát nổ. Thời điểm cuối năm, các bệnh viện tiếp nhận nhiều ca bệnh do cháy nổ trong sinh hoạt hằng ngày. Hệ lụy thường rất xấu, đặc biệt là với trẻ em.

Bỏng là tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em. Ảnh: Nguyễn Tú

Người lớn bất cẩn, trẻ gặp tai nạn thương tâm

Bỏng là tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ từ 3 - 10 tuổi bởi đây là lứa tuổi rất hiếu động, thích khám phá nhưng lại chưa nhận thức được về sự nguy hiểm mà các hành động của mình có thể gây ra.

Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Viện Bỏng quốc gia, khoảng 2/3 trong số 100 nạn nhân bị bỏng phải nhập viện là trẻ em. Tác nhân gây bỏng ở trẻ chủ yếu là nước sôi, lửa, hóa chất, điện, sử dụng đồ chơi không an toàn.

Vết bỏng ở trẻ em, dù diện tích nhỏ nhưng cũng có thể gây mất muối, nước, huyết tương... dẫn đến tình trạng sốc, nhiễm khuẩn, nhiễm độc, thậm chí tử vong. Bỏng gây đau đớn, làm trẻ em hoảng sợ, thậm chí khiến trẻ bị rối loạn tính cách, suy giảm khả năng đề kháng, tạo nên tâm lý không thích tiếp xúc.

Bỏng không chỉ gây đau đớn, để lại di chứng về chức năng và thẩm mỹ của cơ thể, mà còn có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

Đa số trường hợp trẻ bị bỏng là do sự bất cẩn của người lớn trong quá trình trông nom, chăm sóc trẻ. Có những trẻ bị bỏng nặng do ngã vào nồi canh, có cháu bị bỏng nước khi cùng mẹ pha nước tắm, có bé bị bỏng dầu mỡ sôi, bỏng hơi nồi cơm điện, hay do tiếp xúc với chiếc bàn là còn nóng... Nhiều trường hợp, trẻ lớn hơn do ở nhà một mình, tự nấu nướng bằng bếp gas, bếp than củi, đun ấm siêu tốc... gây ra các tai nạn bỏng nghiêm trọng.

Đặc biệt, mỗi dịp sát Tết Nguyên đán, cả nước ghi nhận nhiều vụ nổ pháo tự chế gây bỏng nặng, nạn nhân chủ yếu là thanh, thiếu niên. Pháo nổ chứa nhiều chất độc hóa học, không chỉ tỏa nhiệt gây bỏng mà còn sinh ra khí độc, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp. Trong trường hợp tự chế tạo pháo, người làm pháo tiếp xúc gần với các loại thuốc nổ, nên khi nổ rất dễ bị tổn thương nặng như đứt ngón tay, mù mắt, điếc, bỏng...

Dạy trẻ cách phòng tránh tai nạn

Những năm qua, số vụ tai nạn thương tích có chiều hướng gia tăng; đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và gây ra những biến chứng trầm trọng ở trẻ cả về sức khỏe và tinh thần. Chính vì vậy, việc đảm bảo an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ là nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong việc chăm sóc giáo dục trẻ từ phía gia đình và nhà trường.

PGS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ là các em thường hiếu động, tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng, tránh tai nạn. Đo đó, để phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ, trước tiên phụ huynh cần dạy cho trẻ hiểu rõ nguy cơ và nguyên nhân gây tai nạn thương tích trong sinh hoạt, vui chơi..., nguyên nhân và cách phòng tránh cũng như cách thức xử lý ra sao.

Trẻ nhỏ cần nhận biết rõ những nơi có thể gây nguy hiểm; ý thức về việc cần thận trọng khi chơi với những đồ vật có thể gây nguy hiểm như cây, gậy, dao, kéo, súng đồ chơi, pháo nổ; biết cách phòng tránh và xử lý khi bị ngã, chảy máu... Ngoài ra, trẻ cần chủ động tìm sự trợ giúp khi xảy ra các tình huống tai nạn. Trong trường hợp phát hiện có trẻ bị tai nạn thương tích, người dân cần sơ cứu rồi chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Tai nạn bỏng trong sinh hoạt thường ngày như nấu cơm, đun nước, "úp" mỳ tôm..., đặc biệt là tai nạn do nổ bình gas thường để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Do đó, để bảo đảm an toàn trong sử dụng gas, người dân nên mua bình gas và phụ kiện (van điều áp, ống dẫn gas, kẹp) của các hãng kinh doanh gas có uy tín, thường xuyên kiểm tra bình gas ở nhà. Đối với bình gas mini, nên sử dụng bình gas có nhãn mác, chỉ sử dụng một lần, sau đó vứt bỏ vì tái sử dụng là không an toàn.

Nếu bếp gas đã bị tróc sơn, han gỉ, chốt bình gas lỏng hay bếp rất khó đánh lửa, phải tốn sức "mồi" nhiều lần mới được thì tốt nhất là không nên sử dụng, bởi những bếp gas như thế rất dễ bị rò rỉ gas ra bên ngoài, gây cháy nổ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo tai nạn bỏng trong sinh hoạt hằng ngày

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.