(HNMCT) - Trên thế giới và tại Việt Nam, bệnh glocom hiện đã trở thành nguyên nhân thứ hai gây mù lòa sau bệnh đục thể thủy tinh. Thế nhưng, do thiếu kiến thức nên nhiều người không phát hiện và điều trị kịp thời khi mắc bệnh.
Mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh
Bệnh glocom (dân gian thường gọi là bệnh thiên đầu thống hay cườm nước) là nhóm bệnh lý gây tổn hại thần kinh thị giác qua cơ chế làm tăng áp lực (nhãn áp) trong mắt. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, thần kinh thị giác sẽ bị tổn thương ngày càng trầm trọng và cuối cùng dẫn đến tình trạng mất thị lực không hồi phục. Hiện nay, bệnh glocom đã trở thành nguyên nhân quan trọng thứ hai gây mù lòa trên thế giới.
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, năm 2010 thế giới có khoảng 60,5 triệu người bị glocom. Dự tính đến năm 2020 sẽ tăng lên 79,5 triệu người và năm 2030 sẽ có 110 triệu người mắc bệnh này. Tại Việt Nam, theo số liệu của Bệnh viện Mắt trung ương, cả nước có 380.800 người mù hai mắt, trong đó có 24.800 người mù do glocom (chiếm 65%, đứng thứ hai sau bệnh đục thể thủy tinh).
Theo bác sĩ Vũ Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Chuyên môn, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh glocom, đặc biệt là các trường hợp như: Người hơn 40 tuổi, tiền sử gia đình có người mắc bệnh glocom, người có nhãn áp cao, bị tật khúc xạ, viễn thị, cận thị, có tiền sử mắt bị chấn thương, dùng corticoid kéo dài, đái tháo đường, béo phì hoặc bị tăng huyết áp, rối loạn tuần hoàn hệ thống... Tuổi càng cao nguy cơ mắc glocom càng lớn.
Dấu hiệu nhận biết sớm bệnh
Bác sĩ Phạm Thị Thu Hà, khoa Glocom (Bệnh viện Mắt trung ương) cho biết, bệnh glocom thường khởi phát đột ngột buổi chiều tối, hoặc khi người bệnh đang cúi xuống đọc sách và sau những sang chấn tinh thần mạnh. Biểu hiện dễ nhận thấy là mắt bị đau đột ngột. Thậm chí, tình trạng đau nhức dữ dội từng cơn, lan lên nửa đầu cùng bên. Khi đó, bệnh nhân nhìn đèn thấy có quầng xanh đỏ như cầu vồng, thường buồn nôn hoặc nôn, đau bụng, vã mồ hôi, mắt đỏ lên và nhìn mờ ở nhiều mức độ.
Thậm chí, có thể chỉ mờ như nhìn qua màn sương nhưng cũng có thể giảm thị lực trầm trọng chỉ nhìn thấy bóng bàn tay không thấy rõ từng ngón tay. Sờ tay vào mắt thấy nhãn cầu căng cứng như hòn bi. Đôi khi người bệnh thấy sợ ánh sáng, chảy nước mắt nhưng không tiết gỉ mắt, mi mắt, sưng nề, mắt đỏ, giác mạc phù nề mờ đục.
Theo bác sĩ Phạm Thị Thu Hà, khi có một hay cùng một lúc xuất hiện các triệu chứng trên, bệnh nhân cần đến ngay các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để kiểm tra, chẩn đoán bệnh. Bác sĩ sẽ cho đo thị lực, nhãn áp, khám thần kinh thị giác, soi góc tiền phòng và cho làm các chẩn đoán hình ảnh như đo thị trường, chụp hình ảnh đánh giá lớp sợi thần kinh... để xác định có những tổn thương do glocom hay không.
PGS.TS Đào Thị Lâm Hường, Bệnh viện Mắt trung ương, cho biết bệnh glocom không thể chữa khỏi hoàn toàn. Mục đích điều trị glocom là nhằm ngăn chặn bệnh không tiếp tục gây tổn thương đầu dây thần kinh thị giác. Trong nhiều trường hợp, mặc dù được phát hiện và điều trị glocom, song người bệnh cho rằng đã được chữa trị khỏi hẳn nên không đi khám, theo dõi tiếp. Hậu quả là bệnh vẫn âm ỉ tiến triển dẫn đến mất dần chức năng thị giác. Vì vậy, để phòng tránh mù lòa do glocom cần phát hiện sớm, điều trị kịp thời bằng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật và phải được theo dõi thường xuyên, tái khám định kỳ.
Nâng cao kiến thức để phòng bệnh
Bác sĩ Đỗ Tấn, Trưởng khoa Glocom (Bệnh viện Mắt trung ương) cảnh báo, việc người dân lạm dụng và tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt (có thành phần corticoid), không có chỉ định của bác sĩ khiến cho mắt có thể bị glocom do tra corticoid kéo dài. Thế nhưng, nhiều người bị các bệnh về mắt coi các thuốc chứa corticoid như loại “thuốc thần” bởi khi nhỏ vào nhanh hết ngứa, đỏ mắt. Không ít người dùng kéo dài, hoặc cứ thấy mắt cộm cộm là ra hiệu thuốc mua thuốc corticoid về nhỏ. Điều này rất nguy hiểm.
Thậm chí, nhiều bệnh nhân do sử dụng thuốc nhỏ có corticoid kéo dài vào viện trong tình trạng giác mạc đục như cùi nhãn, căng tức như bị vật gì đó bóp nghẹn, mờ mắt trông thấy, nhãn áp tăng vọt. Những trường hợp này thuốc hạ nhãn áp rất khó có tác dụng. Thậm chí, phẫu thuật cũng không thể đưa mắt trở lại như trước. Vì thế, người dân tuyệt đối không tùy tiện dùng thuốc chứa corticoid mà cần phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Còn theo bác sĩ Phạm Thị Thu Hà, do thiếu hiểu biết về bệnh glocom nên rất nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng muộn, nguy cơ mù lòa cao. Điều đáng nói, có khoảng 95% người dân được hỏi, nói rằng không nghe, không biết hoặc biết rất mơ hồ về căn bệnh này. Chính vì vậy, một trong những biện pháp phòng bệnh rất quan trọng là tăng cường tuyên truyền về bệnh glocom cho cộng đồng.
Để hạn chế nguy cơ mù lòa do glocom, bác sĩ Phạm Thị Thu Hà khuyến cáo, người dân ở độ tuổi ngoài 40 cần phải chủ động khám mắt định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm/lần. Với nhóm đối tượng có nguy cơ cao thuộc dạng glocom thứ phát cần phải thực hiện khám mắt định kỳ 3 tháng đến 6 tháng một lần để kịp thời phát hiện và điều trị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.