(HNM) - Trứng là loại thực phẩm giàu giá trị dinh dưỡng. Trong trứng có hàm lượng cao các chất đạm, vitamin, chất béo và khoáng chất. Theo bảng phân tích dinh dưỡng, lòng đỏ trứng gà có 13,6% đạm, 29,8% béo và 1,6% chất khoáng.
Lòng trắng chiếm phần lớn là nước, có 10,3% chất đạm, béo và chất khoáng rất thấp. Một quả trứng chứa khoảng 75 calo và nhiều vitamin A, D và B12, cũng như choline, là một chất dinh dưỡng cần thiết trong nhiều bước trao đổi chất. Tuy nhiên, trứng sống có thể chứa vi khuẩn Salmonella. Loại vi khuẩn này được tìm thấy nhiều trên vỏ trứng và cả bên trong trứng. Vậy, sử dụng trứng như thế nào để phòng tránh nhiễm khuẩn Salmonella?
Theo các chuyên gia y tế, khi con người ăn phải trứng nhiễm vi khuẩn Salmonella sẽ bị đau bụng co thắt, ớn lạnh, tiêu chảy, sốt, đau cơ, buồn nôn, nôn, có dấu hiệu mất nước, phân có máu… Các chủng vi khuẩn Salmonella đôi khi gây nhiễm trùng trong nước tiểu, máu, xương, khớp hoặc hệ thần kinh (dịch tủy sống và não) và có thể gây ra bệnh nặng. Thời gian xuất hiện các triệu chứng trong vòng 8-72 giờ sau khi ăn trứng bị nhiễm khuẩn Salmonella. Những trường hợp nhiễm khuẩn Salmonella nặng nhất thường gặp ở trẻ nhỏ, người già và người bị bệnh nền có hệ miễn dịch suy giảm.
Để phòng ngừa ngộ độc do vi khuẩn Salmonella, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, mọi người không nên ăn trứng sống hoặc hòa tan trứng sống trong cháo nóng, canh nóng. Người nội trợ cần lựa chọn trứng có nguồn gốc xuất xứ bảo đảm an toàn và bảo quản trứng trong tủ lạnh ở 4°C hoặc lạnh hơn; không sử dụng trứng bị nứt hoặc trứng bẩn; rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi chế biến trứng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.