Góc nhìn

Phòng ngừa tiêu cực trong phát hành sách giáo khoa

Hà Trang 15/07/2023 - 06:52

Sách giáo khoa là hàng hóa đặc thù, mọi biến động như thiếu sách, tăng giá sách… đều có tác động mạnh tới dư luận xã hội. Vì thế, vấn đề này cần có sự quản lý chặt chẽ, thường xuyên, đặc biệt là về việc tổ chức biên soạn, biên tập, thiết kế, thẩm định, tổ chức đấu thầu và phát hành sách.

Thực tế, qua theo dõi các vụ án kinh tế - tham nhũng gần đây liên quan đến hoạt động đấu thầu cho thấy, trong nhiều vụ án, nhiều đối tượng đã bị khởi tố và đưa ra xét xử về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng ở các lĩnh vực như xây dựng, y tế, giáo dục… Người phạm tội thường dùng nhiều thủ đoạn như thông thầu, gian lận trong đấu thầu, chuyển nhượng thầu trái phép, thông đồng móc ngoặc thẩm định giá nhằm nâng khống giá trị gói thầu.

Mới đây, khi thanh tra nội dung lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất sách giáo khoa theo phương thức chào hàng cạnh tranh của Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Thanh tra Chính phủ đã kết luận: Có nhiều điểm bất thường, chưa bảo đảm công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Cụ thể, đối với sách giáo khoa biên soạn theo Nghị quyết số 40/2000/QH10 của Quốc hội, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là đơn vị duy nhất được tổ chức biên tập, thiết kế, chế bản, xuất bản, in và phát hành.

Tuy nhiên, về việc lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in theo phương thức chào hàng cạnh tranh, việc xác định nhu cầu sản xuất của nhà xuất bản không sát thực tế nên lượng hàng tồn kho lớn, làm tăng chi phí lãi vay, dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dẫn đến giảm hiệu quả sử dụng vốn.

Nhằm khắc phục những hạn chế trong đấu thầu, phát hành sách giáo khoa trước năm học mới, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 97/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương; trong đó yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện hiệu quả công tác tuyển sinh đại học; chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học mới 2023-2024; đồng thời, tổ chức đấu thầu công khai in sách giáo khoa, bảo đảm phục vụ năm học mới, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong in ấn, phát hành; giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp theo dõi, chỉ đạo thực hiện công tác này.

Để thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, thiết nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm nghiên cứu, ban hành ngay cơ chế, chính sách quy định về sử dụng lại sách giáo khoa để hạn chế tình trạng lãng phí cho gia đình học sinh và xã hội. Các nhà xuất bản cần biên soạn sách mới, hạn chế tối đa dạng bài tập điền, viết. Ngành Giáo dục cần xây dựng lộ trình không thực hiện in sách giáo khoa theo hình thức giao in gia công; chuyển sang hình thức đấu thầu rộng rãi, chống độc quyền, thao túng giá đối với sách giáo khoa.

Được biết, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vừa phối hợp tốt với cơ quan chức năng để làm rõ mọi vấn đề theo quy định, vừa tổ chức in ấn, phát hành, bảo đảm đủ sách giáo khoa cho học sinh trước thềm năm học mới. Hy vọng, năm học 2023-2024 sẽ không xảy ra tiêu cực và loạn giá sách giáo khoa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng ngừa tiêu cực trong phát hành sách giáo khoa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.