Nông nghiệp - Nông thôn

Phòng ngừa thiên tai là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng

Hoài Thu 06/02/2024 - 20:00

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) năm 2024 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

pctt.jpg
Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội phối hợp huyện Mê Linh tổ chức diễn tập xử lý sự cố đê tả Cà Lồ, đoạn thuộc xã Tráng Việt. Ảnh: Kim Nhuệ

Để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và TKCN kịp thời, hiệu quả nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai và các sự cố, tai nạn xảy ra, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2024, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm công tác PCTT và TKCN năm 2023 và các năm trước đây; kịp thời xây dựng, bố trí nguồn lực theo phương châm "4 tại chỗ" để chủ động triển khai các phương án, kế hoạch phòng, chống, xử lý kịp thời, hiệu quả trước, trong và sau khi có tình huống thiên tai, sự cố xảy ra.

Đặc biệt, phải xác định nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, sự cố là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng, nhất là trong mùa mưa bão; huy động sức mạnh của toàn dân, sử dụng sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị để "phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả" trong mọi tình huống. Củng cố, kiện toàn, phân công nhiệm vụ cho các thành viên bộ máy chỉ huy PCTT và TKCN ở các ngành, các cấp theo hướng gọn, nhẹ và bảo đảm hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu thường xuyên quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án và chỉ đạo của Trung ương, thành phố trong lĩnh vực PCTT và TKCN. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tập huấn, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức pháp luật và tổ chức diễn tập PCTT và TKCN nhằm nâng cao nhận thức, năng lực cho người dân, cán bộ chính quyền các cấp.

Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến từng tình huống thiên tai, sự cố, biến đổi khí hậu, môi trường. Thường xuyên kiểm tra, rà soát các khu vực nguy hiểm, các trọng điểm, xung yếu, nhất là các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt, cháy, nổ, sập đổ công trình ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư để chủ động sơ tán, di dời, có biện pháp bảo đảm an toàn phòng ngừa thiên tai, sự cố. Tăng cường tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng đê, kè, cống, hồ đập, cơ sở hạ tầng và các công trình PCTT để kịp thời phát hiện vi phạm, các hư hỏng, sự cố; chủ động triển khai các biện pháp xử lý sự cố giờ đầu, tham mưu đầu tư, sửa chữa, duy tu nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản, hoa màu, đất canh tác của nhân dân...

Thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng trang thiết bị, dụng cụ, vật tư, phương tiện và củng cố hệ thống kho tàng, trạm, xưởng phục vụ công tác phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN. Chủ động đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực công tác PCTT và TKCN các cấp, các ngành, đồng thời, nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai, sự cố.

Khi có tình huống xảy ra, các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra, đôn đốc, kịp thời triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và TKCN; chủ động huy động lực lượng, chỉ huy quyết liệt, ứng phó hiệu quả mọi tình huống xảy ra, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Bảo đảm thông tin thông suốt, thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban, báo cáo theo quy định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phòng ngừa thiên tai là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.