Sức khỏe

Phòng ngừa biến chứng của bệnh ho gà

Bảo Ngọc 16/03/2024 - 06:29

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 9 ca mắc ho gà, trong khi cùng kỳ năm 2022 và năm 2023 không ghi nhận ca bệnh.

Đáng lo ngại, đa số trẻ mắc ho gà đều chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ số mũi vắc xin phòng bệnh, trong khi bệnh có thể gây biến chứng nghiêm trọng cho trẻ sơ sinh, trẻ em và có thể có cả người lớn khi chưa có miễn dịch phòng bệnh.

ho-ga.jpg
Cách tốt nhất để phòng bệnh ho gà là tiêm vắc xin.

Các biến chứng nghiêm trọng của ho gà

Trong số các ca bệnh được ghi nhận có bé gái 5 tuần tuổi (ở Phúc Thọ, Hà Nội) khởi phát bệnh với triệu chứng ho từng cơn, khò khè. Sau đó, cơn ho tăng dần, kéo dài 2 - 3 phút và sau ho xuất hiện hiện tượng tím tái, toát mồ hôi. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhi dương tính với ho gà. Trường hợp này chưa tiêm vắc xin phòng bệnh.

Tương tự, bé trai 5 tuần tuổi (quận Ba Đình, Hà Nội) cũng chưa tiêm vắc xin. Bệnh nhi khởi phát bệnh với triệu chứng ho rũ rượi, nhiều đờm, sốt nhẹ và kết quả dương tính với ho gà.

Ho gà là một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi vi khuẩn Bordetella pertussis xâm nhập vào đường hô hấp. Bệnh có thể lây qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết ở họng, niêm mạc mũi của người bệnh khi hắt hơi, ho. Chính vì vậy, bệnh ho gà ở trẻ nhỏ rất dễ lây lan khi ở cùng một không gian như trường học, nhà ở...

Bệnh được gọi là ho gà vì trẻ ho có tiếng rít như tiếng rít của con gà trống khi gần hết tiếng gáy. Vi khuẩn ho gà khi vào đường hô hấp sẽ bám vào các nhung mao của cơ quan này, sinh sản và giải phóng ra độc tố, làm tổn thương nhung mao, gây viêm và hoại tử. Các tổ chức hoại tử giải phóng ra chất histamin gây kích thích cực độ đường hô hấp dẫn đến xuất hiện những cơn ho dữ dội, kéo dài và không tự kiềm chế được.

Đây là một loại ho rất đặc trưng của bệnh ho gà, bởi vì sau khi đã điều trị tiêu diệt hết vi khuẩn ho gà bằng kháng sinh đặc trị, triệu chứng ho vẫn còn dai dẳng trong một thời gian dài do chất histamin vẫn tồn tại trong máu của trẻ bị bệnh.

PGS.TS Phạm Quang Thái, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết có hơn 50% trẻ mắc bệnh nặng có nguồn lây từ mẹ và nhiễm bệnh trong giai đoạn khoảng trống miễn dịch ở 3 tháng đầu đời.

Các báo cáo y khoa trên thế giới cho thấy có tới 93% các trường hợp phải nhập viện và theo dõi biến chứng như viêm phổi, co giật hay tổn thương não, và hơn 73% các ca tử vong có liên quan đến ho gà xảy ra ở nhóm tuổi trẻ dưới 3 tháng tuổi.

Cách phòng bệnh ho gà ở trẻ

Ho gà rất dễ lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi, và khả năng lây truyền rất cao đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian như hộ gia đình, trường học...

Cha mẹ cần lưu ý đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin phòng bệnh ho gà đầy đủ, đúng lịch: Mũi thứ 1: Tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi; Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng; Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng; Mũi thứ 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi.

Đối với trẻ khi sinh ra từ các bà mẹ không có kháng thể phòng bệnh ho gà có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với trẻ nhận được kháng thể từ mẹ. Vì vậy, để chủ động phòng bệnh cho trẻ nhỏ trước khi bước vào độ tuổi tiêm chủng, các bà mẹ có thể tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh uốn ván - bạch hầu - ho gà trong thời gian mang thai. Sau khi được tiêm phòng vắc xin, cơ thể bà mẹ sẽ tạo ra các kháng thể cần thiết và truyền cho em bé trước khi sinh. Những kháng thể này giúp bảo vệ em bé chống lại bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà trong vài tháng đầu đời.

Bên cạnh việc tiêm phòng, người dân cần lưu ý thực hiện tốt các biện pháp khác như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hằng ngày; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Đối với trẻ sơ sinh chưa thể tiêm vắc xin phòng bệnh, phụ huynh nên hạn chế để trẻ đến những nơi đông người, tránh tiếp xúc với những người bị bệnh đường hô hấp, đặc biệt là người bệnh ho gà.

Bệnh ho gà thường xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 6 tuổi. Trẻ càng nhỏ tuổi càng dễ mắc bệnh nặng và có nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phòng ngừa biến chứng của bệnh ho gà

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.