Trong 2 tuần liên tiếp gần đây, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 6 ca mắc ho gà. Như vậy, từ đầu năm 2024 cho đến nay, thành phố đã có 9 ca mắc ho gà; trong khi cùng kỳ năm 2022 và năm 2023 không ghi nhận ca bệnh.
Ngày 5-3, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ ngày 16-2 đến 1-3, trên địa bàn thành phố ghi nhận 6 ca mắc ho gà. Cụ thể, mỗi tuần ghi nhận 3 ca mắc ho gà.
Như vậy, từ đầu năm 2024 cho đến nay, Hà Nội đã có 9 ca mắc ho gà; trong khi cùng kỳ năm 2022 và năm 2023 không ghi nhận ca bệnh. Điều đáng nói, qua khai thác bệnh án, đa số trẻ mắc ho gà đều chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ số mũi vắc xin phòng bệnh.
Đơn cử như bé gái 5 tuần tuổi (ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) khởi phát bệnh với triệu chứng ho từng cơn, khò khè. Sau đó, ho tăng dần, cơn ho kéo dài 2-3 phút và sau ho xuất hiện hiện tượng tím tái, toát mồ hôi. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhi dương tính với ho gà. Trường hợp này chưa tiêm vắc xin phòng bệnh.
Tương tự, bé trai 5 tuần tuổi (ở quận Ba Đình, Hà Nội) cũng chưa tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà. Bệnh nhi khởi phát bệnh với triệu chứng ho rũ rượi, nhiều đờm, sốt nhẹ và kết quả dương tính với ho gà.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương), ho gà là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella pertussis gây nên. Bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, dễ lây lan và thường tăng vào mùa đông - xuân.
Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 6 đến 20 ngày (trung bình khoảng 9 đến 10 ngày), ở thời kỳ này thường không có triệu chứng.
Giai đoạn tiếp theo thường kéo dài khoảng 1-2 tuần, xuất hiện triệu chứng giống như viêm đường hô hấp: Sốt nhẹ, chảy nước mũi, ho húng hắng, hắt hơi, cuối giai đoạn này ho nặng thành cơn.
Giai đoạn khởi phát kéo dài từ 1-6 tuần, có trường hợp đặc biệt kéo dài trên 10 tuần với các biểu hiện cơn ho điển hình như: Ho rũ rượi thành từng cơn, mỗi cơn ho từ 15 - 20 tiếng ho liên tiếp, càng về sau càng yếu và giảm dần.
“Ho gà có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi nặng, viêm não. Thậm chí, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng cơ học như lồng ruột, thoát vị, sa trực tràng. Trường hợp nặng có thể gặp vỡ phế nang, tràn khí trung thất hoặc tràn khí màng phổi. Do vậy, việc phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh để điều trị là rất quan trọng”, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm lưu ý.
Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế cũng cho rằng, ho gà dễ lây qua đường hô hấp thông qua các giọt bắn khi ho, hắt hơi, hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết ở họng, niêm mạc mũi khi người bệnh nôn hoặc khạc nhổ. 80% tiếp xúc với người mắc có thể bị lây. Người lớn mắc ho gà thường nhẹ hơn, ít gặp cơn ho điển hình hoặc không có triệu chứng nên khó phát hiện và dễ trở thành nguồn lây cho trẻ nhỏ.
Kể từ khi chương trình Tiêm chủng mở rộng được áp dụng, bệnh dần được khống chế. Tuy nhiên, ho gà chưa được thanh toán trên thế giới và Việt Nam, có nguy cơ bùng dịch khi không được phòng ngừa tốt và tỷ lệ bao phủ vắc xin giảm thấp.
Để phòng bệnh, Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, việc tiêm phòng vắc xin có thành phần ho gà là biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả nhất. Trẻ được tiêm mũi 1 khi 2 tháng tuổi (có thể tiêm sớm lúc 6 tuần tuổi); mũi 2 khi 3 tháng tuổi; mũi 3 khi 4 tháng tuổi; mũi 4 lúc 18 tháng tuổi.
Bên cạnh việc tiêm phòng, người dân cần bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng. Gia đình cần thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân cho trẻ như che mũi, miệng khi hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi họng cho trẻ hằng ngày. Khi thấy trẻ có dấu hiệu mắc bệnh như: Ho nhiều, ho có tím tái, ăn nôn trớ, ngủ ít, thở nhanh hoặc khó thở…, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, cách ly và điều trị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.