Trong bối cảnh mô hình chính quyền địa phương hai cấp đã chính thức vận hành gắn với phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, việc tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực càng trở nên cấp bách và mang tính chiến lược.
1. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, “không ngừng, không nghỉ”. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, công tác này tiếp tục được Trung ương quan tâm chỉ đạo ngay khi mô hình chính quyền địa phương hai cấp đi vào hoạt động.
Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đã có những chỉ đạo hết sức quan trọng, mang tính định hướng chiến lược. Tại phiên họp thứ 28 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (ngày 7-7-2025), Tổng Bí thư đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở địa phương, cơ sở; xử lý triệt để tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ, các hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp. Một trong những chỉ đạo cốt lõi của Tổng Bí thư là tăng cường kiểm soát quyền lực, kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực thi quyền lực tại địa phương, đặc biệt ở cấp xã.
Trong bối cảnh cả nước giảm từ 63 xuống còn 34 tỉnh, thành; bỏ cấp huyện và giảm đơn vị hành chính cấp xã từ 10.035 xuống còn 3.321, mỗi cấp ủy, chính quyền địa phương không chỉ mở rộng phạm vi quản lý mà còn được phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, được trao nhiều quyền tự chủ và trách nhiệm hơn, nhất là ở cấp xã. Những chỉ đạo của Tổng Bí thư nêu trên là rất kịp thời, bởi lẽ, khi quyền lực được phân cấp mạnh hơn, nếu không có cơ chế kiểm soát hữu hiệu thì sẽ trở thành “mảnh đất” màu mỡ cho tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phát sinh.
Những chỉ đạo được đưa ra ngay khi mô hình mới đi vào hoạt động một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán và quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực “không ngừng, không nghỉ”.
2. Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội, mà còn làm băng hoại đạo đức cán bộ, sinh ra những lối sống xa hoa, lệch chuẩn, trái với luân thường, đạo lý, gây bức xúc trong nhân dân.
Vụ việc ông Hồ Đại Dũng, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, bị đề nghị truy tố vì tham gia đánh bạc với số tiền hơn 7 triệu USD, cùng bị điều tra là ông Ngô Ngọc Đức, cựu Bí thư Thành ủy thành phố Hòa Bình và một số lãnh đạo doanh nghiệp, cán bộ cấp phòng, còn đang gây chấn động dư luận, thì thông tin Bộ Công an khởi tố 5 người liên quan đến dự án Bệnh viện Bạch Mai 2 và Việt Đức 2, sau kết luận thanh tra về các vi phạm nghiêm trọng trong đấu thầu, có dấu hiệu gây lãng phí hơn 1.253 tỷ đồng, tiếp tục khiến những người có lương tri không khỏi bàng hoàng. Cùng với hàng loạt đại án kinh tế, tham nhũng được đưa ra ánh sáng trước đó như vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Ngân hàng Xây dựng, rồi các vụ Việt Á, chuyến bay giải cứu, FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Cục Đăng kiểm Việt Nam..., những vụ việc này đã thể hiện thực trạng nhức nhối của vấn nạn tham nhũng, tiêu cực.
Vụ việc một số quan chức đánh bạc với số tiền "khủng" khiến dư luận không khỏi thắc mắc về nguồn gốc số tiền khổng lồ mà những người này đem đi đánh bạc, khi mà với mức lương cán bộ, công chức cho dù họ có tích cóp cả đời cũng không thể có được một phần số tiền đó. Nhưng nếu xem lại những lời khai tại tòa của những đối tượng này về những khoản tiền “chục tỷ”, “triệu đô” có được thì phần nào có thể mường tượng ra câu trả lời.
Thực tế này càng nhấn mạnh tầm quan trọng của công cuộc phòng, chống tham nhũng trong bối cảnh hiện nay. Đây không chỉ là nhiệm vụ cấp bách mà còn là yếu tố sống còn để bảo vệ sự trong sạch của bộ máy hệ thống chính trị, hướng tới mục tiêu xây dựng nền hành chính hiện đại, kiến tạo, gần dân, vì dân, như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Ở đó, cán bộ không chỉ dám nghĩ, dám làm, mà còn sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, tận tâm phụng sự Tổ quốc và nhân dân.
Chỉ có quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực mới đẩy lùi được những căn bệnh trầm kha, dai dẳng này, ngăn chúng không gây xói mòn lòng tin của nhân dân, không cản trở sự phát triển đất nước.
3. Đây là thời điểm cả hệ thống chính trị cần đồng sức, đồng lòng xây dựng bộ máy theo mô hình mới thực sự trong sạch, vững mạnh, phát huy hiệu lực, hiệu quả, tạo động lực mới cho đất nước phát triển. Quá trình này phải gắn với cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Trước mắt, giải pháp sát sườn là tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, tài sản công sau khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Mỗi địa phương cần có kế hoạch xử lý trụ sở công dôi dư bảo đảm tối ưu hóa nguồn lực và ngăn chặn thất thoát tài sản nhà nước. Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực các tỉnh, thành phố cần nâng cao hiệu quả hoạt động, chủ động xây dựng kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện ở địa phương, cơ sở.
Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cũng không ngừng “tiến hóa để tồn tại”, nên ngày càng tinh vi hơn, đòi hỏi các giải pháp phải được triển khai đồng bộ, quyết liệt và đổi mới. Trong đó, trọng tâm vẫn phải là hoàn thiện thể chế, chính sách và pháp luật; rà soát và sửa đổi các quy định về phân cấp, phân quyền. Mục tiêu là đảm bảo rõ ràng, minh bạch về thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan, tránh tình trạng chồng chéo, đùn đẩy hoặc lạm dụng quyền lực. Các quy định cần cụ thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu, kiểm soát nội bộ, kiểm soát chéo giữa các cơ quan, đơn vị; thiết lập quy trình ra quyết định minh bạch, chặt chẽ, đặc biệt trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng như đất đai, tài chính, xây dựng, đầu tư công, công tác cán bộ... gắn với các chế tài đủ sức răn đe.
Để có môi trường công vụ trong sạch, không có đất cho tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thì thông tin phải được công khai. Đó là trách nhiệm của các cấp, các ngành trong xây dựng môi trường làm việc minh bạch, nơi ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận thông tin. Trong đó, cơ chế tự kiểm tra, ràng buộc trách nhiệm và giám sát lẫn nhau được thực hiện thường xuyên, trở thành thông lệ. Cùng với đó là tăng cường trách nhiệm giải trình của các tập thể, cá nhân; tiếp tục phát huy dân chủ, vai trò giám sát của nhân dân.
Việc giám sát tài sản, thu nhập của cán bộ, đặc biệt là những người giữ chức vụ phải được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc và nên được coi là giải pháp mấu chốt nhằm phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đối với Thành phố Hà Nội, cùng với các giải pháp chung, cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ việc thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7-8-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội” trong hệ thống chính trị hai cấp gắn với đánh giá cán bộ hằng tháng, lấy thước đo là hiệu quả công việc, là phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực, trình độ và tinh thần cống hiến.
Công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà còn là nhiệm vụ của toàn xã hội. Chỉ khi chúng ta xây dựng được một hệ thống quản lý minh bạch, chế tài mạnh mẽ và môi trường làm việc trong sạch, chúng ta mới có thể đảm bảo rằng các cán bộ không dám, không thể, không cần và không muốn tham nhũng, từ đó củng cố niềm tin của nhân dân vào bộ máy nhà nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.