(HNMO) -
Chiều 28/10, sau một buổi sáng dành trọn thời gian để nghe các báo cáo về công tác tư pháp và phòng chống tham nhũng 2015 cũng như 2 báo cáo thẩm tra của Chính phủ, Quốc hội, các đại biểu (ĐB) thảo luận tại hội trường về những nội dung quan trọng này.
Đại biểu lo ngại tội phạm nguy hiểm gia tăng
Đồng tình với Báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm của Bộ trưởng Bộ CA Trần Đại Quang, tuy nhiên, nhiều đại biểu tiếp tục bày tỏ lo ngại khi thời gian gần đây liên tiếp xẩy ra các vụ giết người, thủ đoạn dã man, tàn ác, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội và là sự thách thức lớn đối với nhà nước.
ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) |
ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng khám phá nhanh, xử lý nghiêm là việc các cơ quan tư pháp đã làm khá tốt. Nhưng chỉ ra nguyên nhân, giải pháp chặn đứng và phòng ngừa tận gốc tội phạm này là việc mà Quốc hội, Chính phủ cần phải vào cuộc mạnh mẽ, nếu chỉ mình cơ quan tư pháp thì không thể làm nổi.
Đại biểu này phân tích: "Các vụ giết người vừa qua có những đặc điểm không bình thường so với trước đây. Đó là thủ phạm trẻ, nhiều vị thành niên, là những người bình thường, không phải là băng nhóm xã hội đen. Nhiều vụ bột phát, không có dự mưu nhưng hành động cực kỳ dã man, tàn ác, quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng; giết cả những người không trực tiếp mâu thuẫn trong đó có trẻ em, người già. Thủ phạm thản nhiên, ít ăn năn, run sợ, lương tâm không cắn rứt"
Qua nêu ra 5 nguyên nhân gián tiếp dẫn đến thực trạng trên, Đại biểu nêu 4 kiến nghị như Nhà nước sẽ có những giải pháp mạnh mẽ để bảo vệ an toàn cuộc sống của người dân; cần sớm ban hành Luật về phòng chống lạm dụng rượu bia; Luật về sức khỏe tâm thần.
Đề cập đến một khía cạnh khác của vấn đề này, ĐB Lê Nam (Thanh Hoá) nêu, từ xu hướng tội phạm cực kỳ nguy hiểm, gây ra thảm sát kinh hoàng lại không phải là tội phạm chuyên nghiệp đặt ra vấn đề chúng ta phải có giải pháp thích ứng đá ứng yêu cầu hiện nay.
"Nếu cứ thế này thì không chủ động, kiểm soát được. Hoan nghênh Bộ trưởng Bộ CA khám phát nhanh các vụ án nhưng chưa có gì bảo đảm sắp tới cuộc sống của chúng ta bình yên, tội phạm này không xảy ra.Cách làm chúng ta cũ lắm rồi. Tuyên truyền như loa phường thì có tác dụng gì. Nhà ai mà bị loa phường chĩa vào thì khổ lắm.." - ĐB thẳng thắn nêu.
ĐB Lê Nam (Thanh Hoá) |
ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) đề xuất cần phải bổ xung thêm các hành vi phạm tội trong lĩnh vực giáo dục vì nạn bạo hành giữa các học sinh nữ với nhau, quay clip tung lên mạng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của học sinh
"Người dân bưc xúc về sự ngang nhiên của tội phạm trong phá rừng, khai thác khoáng sản, lấp sông, xây dựng trái phép... không phải là chuyện trộm vặt trong đêm mà không phát hiện được. Cử tri cho rằng có sự bao che làm ngơ. Càng bức xúc hơn là các loại tội phạm cho thấy sự băng hại đạo đức, lối sống của nguyên nhân do sự sa sút của văn hoá, bất lực của giáo dục... Một dân tộc xuống cấp về văn hoá, đạo đức không thể giữ được độc lập chủ quyền và bị thế giới coi thường" - ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nêu quan điểm.
Không thể coi thường tham nhũng vặt
Là người đầu tiên "đăng đàn" trong chiều nay, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng Báo cáo Chính phủ đã thẳng thắn chỉ rõ tham nhũng chỉ có ở người có chức có quyền, lợi dụng quyền lực để mưu lợi riêng, lợi ích nhóm biểu hiện là tham ô, nhận hối lộ, cố ý làm trái pháp luật vì động cơ tham nhũng.
Đại biểu nhấn mạnh thêm về một dạng tham nhũng tinh vi nhất lâu nay ít được đề cập và trong báo cáo vẫn nêu chưa rõ đó là tham nhũng chính sách. Đó là việc thông qua việc mua chuộc, chạy chọt, sửa đổi, ban hành các văn bản pháp luật, điều chỉnh quy hoạch xây dựng mà ở đó tạo ra những cơ sở pháp lý, điều khoản, kẽ hở để hưởng lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, gây thát thoát cho nhà nước .
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) |
"Tham nhũng có chiều hướng phát triển cũng do vụ việc bắt đầu từ xử lý kẻ tham nhũng thấp hơn so với lợi lộc họ hái được. Thực tế có lúc xử lý giơ cao đánh khẽ, hoặc bao che cho nhau, né tránh, sợ rút dây động rừng. Việc xảy ra thường dính líu đến tình cảm thân quen, họ hàng. Không ít người đứng đầu bao che dung túng hành vi tham nhũng của cán bộ do mình quản lý, không dám công khai. Việc tự kiểm tra phát hiện tham nhũng ở một số cơ quan, đơn vị, tổ chức còn yếu. Phần lớn các vụ tham nhũng vừa qua bị phát hiện do tranh giành dịa vị, chạy chọt chức vụ không thành, nội bộ mất đoàn kết, đơn thư tố cáo, dư luận xã hội lên án, Quốc hội lên tiếng, báo chí lên tiếng, các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, kết luận, xử lý" - ĐB nêu.
ĐB Trương Trọng Nghĩa(TP.HCM) đề nghị không thể coi thường tham nhũng vặt vì ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân. Ví dụ ngay ở cán bộ tổ dân phố, xin gì cũng phải chung chi. Và đã chung chi rồi thì vi phạm thoải mái, thể hiện ở chiếm lòng hè đường diễn ra hàng ngày...
"Về trách nhiệm của người đứng đầu, Đảng đã xác định đúng nhưng cần triệt để trong việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu. Chỉ cần người đứng đầu, cấp trên, người nắm quyền lực ở mỗi vị trí, mỗi cấp gương mẫu, kiên quyết, nghiêm khắc làm đúng gương Hồ Chí Minh thì mọi việc tốt hơn rất nhiều. tạo ra sự trọng dụng, lẵng nghe trung thần, xa lánh nịnh thần, nghiêm trị gian thần. Trên thực tế có hiện tượng ngược lại, xa lánh và nghiêm trị trung thần, lắng nghe và trọng dụng nịnh thần và thậm chí là gần gũi gian thần... Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, cử tri đề nghị Đảng loại trừ người lãnh đạo thiếu gương mẫu, vi phạm về đạo đức vì đó là khâu quyết định của mọi điều" - ĐB nêu quan điểm và đề xuất.
"Trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, có số liệu nói công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng có tiến triển, nhưng qua tiếp xúc, cử tri, nhân dân chưa công nhận, tình hình vẫn đang rất bức xúc, phức tạp. Chính phủ có đánh giá là nghiêm trọng, nhũng nhiễu lót tay phổ phiến, lơị ích nhóm nguy hiểm... đó là biến thái, phát triển của tham nhũng - ĐB nêu thêm.
ĐB Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội |
ĐB Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh cho rằng: "Trong 10 năm qua, trong cuộc chiến chống tham nhũng chúng ta đã đứng vững, đã cầm cự và phòng ngự, được như vậy là đã tốt lắm rồi. Nhưng cử tri lại hỏi vậy khi nào chúng ta sẽ tiến công, chẳng lẽ cứ phòng ngự mãi như vậy?"
Cũng liên quan đến nội dung này, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề nghị thành lập và giao đầy đủ quyền lực cho Uỷ ban điều tra chống tham nhũng cấp TƯ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.