Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng chống lây nhiễm Ebola trong bệnh viện: Nhiều nơi còn lúng túng

Thu Trang| 22/10/2014 06:14

(HNM) - Những ngày qua, dịch Ebola vẫn diễn biến phức tạp. Tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, phải xem xét, kiểm tra và rà soát lại các biện pháp phòng chống lây nhiễm...


Theo báo cáo mới nhất về tình hình dịch bệnh Ebola, hiện trên thế giới đã có 431 cán bộ y tế mắc bệnh, trong đó 247 người đã tử vong, cho thấy các cán bộ y tế đang đứng trước nguy cơ lây nhiễm rất cao. Hiện các BV trên địa bàn thành phố đã có phương án, tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế và xây dựng sẵn các kịch bản phòng chống dịch. Tuy nhiên, không ít BV vẫn lúng túng trong vấn đề xét nghiệm, xử lý mẫu bệnh phẩm, chất thải bệnh nhân... làm sao để tránh lây nhiễm. Thậm chí, số lượng quần áo, dụng cụ phòng hộ còn chưa đáp ứng đủ.

Theo lãnh đạo BV Đa khoa Đống Đa, BV hiện đã xây dựng phác đồ điều trị, danh mục thuốc và vật tư y tế phục vụ cho việc điều trị nếu có ca nhiễm Ebola nhập viện theo các cấp độ từ 10 đến 20 bệnh nhân. Tuy nhiên, vấn đề đang khiến đội ngũ y, bác sĩ tại đây lo ngại là những khó khăn về quy trình lấy mẫu bệnh phẩm và phương tiện phòng hộ. Hiện BV không có lò đốt rác thải y tế, nếu gặp tình huống xuất hiện bệnh nhân mắc Ebola, quy trình xử lý các loại chất thải như bông băng, giấy vệ sinh, dụng cụ y tế… của người mắc bệnh sẽ rất khó khăn. 

Làm tốt công tác kiểm dịch y tế tại các sân bay quốc tế sẽ góp phần ngăn chặn hiệu quả virus Ebola xâm nhập. Ảnh: Hoài Thu


Đồng tình với ý kiến trên, đại diện BV Bắc Thăng Long cho biết, với vị trí gần sân bay Nội Bài, trong trường hợp xuất hiện ca nghi nhiễm Ebola nhập cảnh thì bệnh nhân sẽ được đưa vào đây khám và điều trị đầu tiên. Do đó, BV cũng đã chuẩn bị các tình huống, tập huấn phòng chống dịch Ebola, nhân lực, cơ sở vật chất cũng đáp ứng đủ. Tuy nhiên, phương tiện phòng chống, bảo hộ cho nhân viên y tế tại BV còn rất thiếu. Đáng lo ngại là BV thường giao rác thải y tế cho một công ty xử lý. Tuy nhiên, với những chất thải của người bệnh Ebola có nguy cơ lây nhiễm cao, thật khó tìm được một công ty chịu trách nhiệm xử lý đến cùng.

Xử lý không đúng quy trình sẽ phải chịu trách nhiệm


Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam là đáng lo ngại. Mặt khác, trước tỷ lệ nhân viên y tế bị lây nhiễm trên thế giới, các cán bộ y tế tại Việt Nam cần được tập huấn, đề phòng lây nhiễm trong chăm sóc người bệnh. Đối với vấn đề xử lý rác thải, bệnh phẩm Ebola, phương pháp tốt nhất là nên hấp ướt, khử khuẩn trước khi xả thải. "Các BV tiếp tục tăng cường tập huấn cho cán bộ nhân viên, tập huấn cho cả nhân viên làm công tác hành chính, vệ sinh, bảo vệ buồng bệnh… BV rà soát lại các trang phục bảo hộ theo các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các loại thuốc và trang thiết bị y tế khác, đồng thời xem lại toàn bộ quy trình xử lý chất thải y tế của bệnh nhân, mẫu bệnh phẩm, vệ sinh buồng bệnh…", ông Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh.

Không thể chủ quan với công tác phòng dịch Ebola, sắp tới, ngành y tế Hà Nội sẽ tăng cường công tác tuyên truyền đến cộng đồng. Ngoài tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, ngành y tế sẽ in ấn, phát hành 3.500 poster và 2.000 tờ rơi về phòng chống Ebola đến tận tay người dân. Sở Y tế Hà Nội cũng đã mở rộng nhiều cuộc tập huấn cho cán bộ y tế, chuẩn bị đầy đủ cơ số thiết bị, hóa chất. Thời gian tới, Sở Y tế sẽ bổ sung thêm các phương tiện phòng hộ sẵn sàng đáp ứng chống dịch, đồng thời gấp rút tập huấn và tổ chức diễn tập các tình huống thực tế cho 30 đội phản ứng nhanh tại các quận, huyện.

Có thể thấy Hà Nội rất nghiêm túc và quyết liệt trong việc chủ động phòng chống và đối phó với dịch Ebola. Theo ông Hoàng Đức Hạnh, từ nay đến hết tuần, y tế dự phòng cần rà soát lại và phải hoàn thiện tất cả các khâu trong phòng, chống dịch. Nếu có ca bệnh xâm nhập mà phương pháp tiếp nhận không đúng quy trình thì y tế dự phòng sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Mỹ công bố hướng dẫn mới trong việc điều trị bệnh nhân Ebola

Trong nỗ lực nhằm ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Ebola có nguy cơ lây lan trên đất Mỹ, ngày 20-10 (giờ Washington), Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh liên bang Mỹ (CDC) đã công bố một hướng dẫn mới nghiêm ngặt hơn dành cho các nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc bệnh nhân nhiễm Ebola. Bản hướng dẫn mới yêu cầu các nhân viên y tế phải được che kín hoàn toàn phần tóc và da trên cơ thể. Cụ thể, các nhân viên y tế phải mặc áo choàng trùm kín toàn thân, đeo găng tay, khẩu trang và mũ trùm đầu trong quá trình tiếp xúc với người bệnh nhằm loại bỏ hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm.

Cùng ngày, Bệnh viện Đại học Emory cho biết, một bệnh nhân Mỹ nhiễm Ebola yêu cầu giấu tên đã được chữa khỏi và xuất viện hôm 19-10. Đây là bệnh nhân Mỹ thứ ba được chữa khỏi Ebola tại bệnh viện này sau hai nhân viên y tế Kent Brantly và Nancy Writebol. Trong khi đó, Na Uy cũng thông báo nữ bác sĩ Silje Michalsen, bị nhiễm virus Ebola tại Sierra Leone, cũng được xuất viện sau hai tuần được điều trị tại Bệnh viện Ulleval ở Oslo.

Liên quan đến nỗ lực đẩy lùi dịch Ebola, Liên hợp quốc ngày 20-10 thông báo đã thành lập Phái bộ phản ứng khẩn cấp chống Ebola (UNMEER) tại thủ đô Accra của Ghana nhằm hỗ trợ nước này dập dịch.


(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phòng chống lây nhiễm Ebola trong bệnh viện: Nhiều nơi còn lúng túng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.