(HNM) - Trong Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27-3-2020 về thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi mỗi người dân hãy là một chiến sĩ phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm các biện pháp như: Không tụ tập đông người, chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật cần thiết và thực hiện tốt các khuyến cáo của cơ quan chức năng.
Sở dĩ người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đưa ra lời kêu gọi này bởi việc hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19 là vô cùng quan trọng trong thời điểm hiện tại. Có thể thấy rõ kinh nghiệm kiểm soát và những bài học đắt giá về sự lây lan dịch Covid-19 qua thực tế ở một số nước trên thế giới.
Theo số liệu công bố mới nhất, với hơn 85.000 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2, nước Mỹ chính thức trở thành tâm dịch Covid-19 lớn nhất thế giới.
Theo các chuyên gia y tế Mỹ, một trong những lý do khiến xứ sở Cờ hoa có số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tăng nhanh vì quốc gia này thiếu các biện pháp mạnh tay, trong khi nhiều người chủ quan, phớt lờ các khuyến cáo về "duy trì khoảng cách xã hội". Chính vì thế, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, Mỹ đã có tới 85.604 người dương tính với vi rút SARS-CoV-2 và hơn 1.000 trường hợp tử vong. Mức độ lây lan tăng gấp hàng nghìn lần buộc Mỹ phải đẩy mạnh các biện pháp chống dịch, với việc yêu cầu người dân ở trong nhà.
Mỹ không phải là quốc gia duy nhất mất kiểm soát trong việc ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Trước đó, quốc gia Nam Âu Italia đã trở thành một "Vũ Hán" thứ hai bởi chỉ trong vòng hơn một tháng, số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 đã lên tới gần 81.000 trường hợp với hơn 8.000 ca tử vong.
Những con số tăng nhanh đáng sợ khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo về sự "tăng tốc" của đại dịch này. Sự hiểm ác của SARS-CoV-2 nằm ở chỗ nó có tốc độ lây lan cực nhanh nhưng lại có thời gian ủ bệnh kéo dài tới 14 ngày. Chính vì thế, nếu không phát hiện sớm để thực hiện việc cách ly, người nhiễm Covid-19 có thể đi khắp nơi, tiếp xúc với nhiều người, gây hậu quả khôn lường.
Theo tính toán của các nhà khoa học, 1 người mắc Covid-19 có thể lây nhiễm cho 2-3 người và mỗi người nhiễm sau đó tiếp tục lây truyền cho 2-3 người khác. Như vậy, trong vòng 1 tháng, 1 trường hợp mắc Covid-19 có thể kéo theo 244 trường hợp bị lây nhiễm và trong vòng 2 tháng, con số này tăng lên mức 59.604 người.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định, cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa lây nhiễm và cứu sống con người là phá vỡ chuỗi lây truyền Covid-19. Điều đó thực hiện bằng biện pháp giãn cách xã hội như: Hủy các sự kiện quy mô lớn, đóng cửa các địa điểm tập trung đông người, nhà hàng, quán bar... để ngăn ngừa sự lây lan.
Mô hình phòng, chống dịch bệnh ở Trung Quốc cho thấy tầm quan trọng của giãn cách xã hội đã thực sự phát huy hiệu quả. Việc thành phố Vũ Hán cách ly những người tiếp xúc với người bệnh trong 6 tuần đã khiến hệ số lây nhiễm ở đây giảm từ 2,35 xuống còn gần 1. Khi hệ số lây nhiễm là 1, số ca mắc bệnh sẽ ngừng tăng vì một người nhiễm vi rút chỉ truyền cho một người khác.
Trung Quốc và một số quốc gia khác đang chứng minh rằng sự lây lan của vi rút có thể bị chậm lại và giảm đi thông qua việc triển khai các hành động quyết liệt, trong đó có biện pháp như cấm tập trung đông người, đóng cửa khu vực công cộng, các cửa hàng không thiết yếu, buộc người dân ở trong nhà…
Trong những ngày qua, khắp nơi trên thế giới, thông điệp “We stay at work for you. Please stay at home for us” (tạm dịch: Chúng tôi đi làm vì bạn. Xin hãy ở nhà vì chúng tôi) của các nhân viên y tế đang có sức lan tỏa mạnh mẽ. Thông điệp này nhắc nhở người dân ở nhà để hạn chế sự lây lan, ủng hộ đội ngũ nhân viên y tế tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, ngày 26-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Chúng ta có 2 tuần để hành động và vi rút sẽ lây lan nhanh hơn hành động của chúng ta nếu chúng ta không triển khai phòng, chống kịp thời, quyết liệt. Đây là thời điểm tốt nhất để mỗi người dân là một chiến sĩ cùng thực hiện nghiêm các khuyến cáo, chung sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.