(HNMO) - Ngày 8-3, dù phải đón nhận thông tin về ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 thứ tư tại thành phố Hà Nội, song sự bình tĩnh và niềm tin vào các biện pháp mà các cấp, các ngành đang quyết liệt thực hiện để chống "giặc" Covid-19 đã tràn ngập từ cuộc sống thực đến mạng xã hội ảo.
Niềm tin chiến thắng sự "hoang mang, lo lắng"
Hơn một tháng qua, cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương đã vào cuộc phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Những kết quả bước đầu được chứng nhận qua diễn biến khả quan khi có 16 người nhiễm bệnh đã được điều trị khỏi bệnh và xuất viện; xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) sau 21 ngày không có ca bệnh mới đã được gỡ bỏ tình trạng cách ly y tế…
Người dân cả nước, ít nhiều đều tích góp cho mình kiến thức, kỹ năng về phòng, chống dịch bệnh cũng như có những hiểu biết, xây dựng niềm tin, thậm chí là cả sự tự tin nhất định về khả năng ứng phó với loại vi rút lây lan nhanh, đang đe dọa phạm vi toàn cầu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội vừa phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên là một cô gái 26 tuổi, dường như niềm tin của một bộ phận người dân vẫn chưa đủ vững. Nhiều người để cho những hoang mang, sợ hãi bị đẩy lên cao. Biểu hiện là ngay trong đêm 6-3, khi có thông tin về ca bệnh đầu tiên và những khu vực có liên quan có thể sẽ bị cách ly, nhiều người đã đổ xô đi mua nhu yếu phẩm tích trữ để "phòng thân".
Nhưng thực tế có phải như vậy? Hà Nội, chỉ sau một ngày, vào đúng ngày đặc biệt để tôn vinh phụ nữ, dù tiếp tục đón nhận thông tin về ca nhiễm bệnh thứ tư, do có liên quan đến chuyến bay của ca bệnh đầu tiên tại Hà Nội, nhưng sự bình tĩnh và niềm tin vào các biện pháp mà các cấp, các ngành đang quyết liệt thực hiện để chống "giặc" Covid-19 đã tràn ngập từ cuộc sống thực đến mạng xã hội ảo.
“Ngoài chợ đầy ắp cá, rau mà sao hôm qua lại phải đi chen nhau mua làm gì nhỉ?”, tiếng chị Nguyễn Thanh Ngọc (tổ dân phố số 11, phường Bồ Đề, quận Long Biên) lanh lảnh như muốn đánh thức giấc ngủ muộn ngày cuối tuần của cả con ngõ nhỏ.
Từ cuối ngày 7-3, hình ảnh các giá, kệ tại các siêu thị tại Hà Nội được bù lại đầy ắp hàng hóa đã là câu trả lời thực tế nhất cho khả năng cung ứng nguồn thực phẩm dồi dào của thành phố, khiến việc tích trữ thực phẩm của nhiều người dân trở nên vô nghĩa và thừa thãi như chính lượng lớn nhu yếu phẩm rồi sẽ để dư thừa, hư hỏng vì không thể dùng hết trong nhiều gia đình.
Có thể thây, ngay khi xuất hiện ca nhiễm đầu tiên, do đã có sự chuẩn bị phương án ứng phó với các tình huống một cách kỹ lưỡng từ trước, thành phố đã và đang kiểm soát tốt tình hình, tranh thủ được “giờ vàng” để thực hiện các giải pháp kiểm soát, cách ly.
Hơn 24 giờ qua, thực hiện đúng nguyên tắc trong phòng, chống dịch, Hà Nội thông tin công khai, minh bạch đến người dân về diễn biến, tình hình của các ca nhiễm bệnh cũng như đặc biệt tuyên truyền giúp người dân có đủ kiến thức, kỹ năng nhận biết để phòng, chống dịch.
Chính những nỗ lực của các cấp chính quyền đã giúp người dân an tâm, tin tưởng vào những biện pháp chống dịch, từ đó không còn hoang mang, lo sợ.
Trách nhiệm xã hội của mỗi cá nhân
"Thủ phạm" tiếp tay cho những lo toan ấy, vẫn là những thông tin thiếu chính xác, bị đồn thổi, tạo dựng sai sự thật về dịch bệnh được lan truyền cả ngoài đời thực và trên mạng xã hội. Trong trường hợp của nữ bệnh nhân đầu tiên tại Hà Nội, những thông tin thất thiệt được "tung" lên mạng, như cô gái khi đang nhiễm bệnh từng đến quán bar này, dự khai trương trung tâm nọ… đã làm nhiễu thông tin, tạo thêm áp lực cho cơ quan chức năng và khiến dư luận hoang mang.
Đơn giản hơn, một dòng chia sẻ trên mạng xã hội cũng có thể gây xáo trộn thị trường, tác động đến tâm lý của đám đông. Chẳng hạn, chỉ cần đọc dòng trạng thái ai đó viết: “Đi cả chợ không mua được 2 nghìn hành…” hay xem vài tấm ảnh người dân đổ xô mua mì tôm, giấy vệ sinh đã tác động đến tâm lý của những người “non tin”, khiến họ thêm hoang mang, sợ hãi và tất yếu dẫn đến hành động hùa theo đám đông. Họ tự đẩy mình trở thành nạn nhân của sự thiếu hiểu biết, thậm chí có thể tự biến mình thành bệnh nhân hoặc tạo nguy cơ lây truyền dịch bệnh khi len vào đám đông mà trong đó có thể có người mang vi rút mà chưa được phát hiện.
Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2017 đã quy định rõ, phòng, chống dịch là nhiệm vụ của cơ quan chức năng, các cấp chính quyền nhưng cũng là nhiệm vụ của toàn dân, của mỗi cá nhân. Không hoảng loạn, mất bình tĩnh; không lan truyền thông tin bịa đặt; không ồ ạt mua đồ dự trữ, không tự ý di chuyển khỏi nơi cư trú là những việc làm thiết thực, ý nghĩa nhất mà mỗi người dân có thể làm để đánh “giặc” trong giai đoạn hiện nay.
Từ khi ca 17 xuất hiện, nước ta đã bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19, khó khăn hơn. Dịch đã lan ra hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và đã vào Việt Nam nên hơn khi nào hết, ngay lúc này, sự chia sẻ và tin tưởng của người dân vào khả năng điều hành của Chính phủ, thành phố và các cấp chính quyền cần được nhân lên nhiều hơn nữa. "Cuộc chiến" phòng, chống dịch sẽ ngày càng hiệu quả hơn nhờ sự đồng hành và niềm tin của mỗi người dân tiếp sức.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.