(HNM) - Hiện các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn Thủ đô đã mở cửa trở lại. Song, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Trưởng ban Tôn giáo thành phố Hà Nội Phạm Tiến Dũng cho rằng, cần tăng cường thực hành tín ngưỡng bằng hình thức trực tuyến và mỗi người cũng nên thể hiện ý thức, trách nhiệm công dân trong công cuộc phòng, chống dịch hiện nay.
- Trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát mạnh, Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội có những biện pháp nào để sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân Thủ đô vẫn được duy trì, bảo đảm an toàn, thưa ông?
- Thực hiện các chỉ đạo của Trung ương và thành phố Hà Nội, chúng tôi đã có văn bản yêu cầu dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết; chỉ tổ chức các hoạt động tín ngưỡng với quy mô nhỏ, thời gian ngắn và hạn chế lượng người tham dự; bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở tín ngưỡng theo phân cấp mức độ dịch của địa phương. Cùng với đó, chúng tôi khuyến khích tổ chức các hoạt động tín ngưỡng trực tuyến tại gia đình.
Chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra, gặp gỡ, tiếp xúc với các cơ sở, người thực hành tín ngưỡng trên địa bàn Thủ đô để tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đó là cần có sự thay đổi, sắp xếp lại cách tổ chức sinh hoạt tín ngưỡng của người dân, bảo đảm diễn ra thuận lợi, văn minh, an toàn, tránh bị động do quá tải số người đến thực hành tín ngưỡng cùng một thời điểm. Đồng thời, có sự phối hợp phân luồng giao thông, phân luồng người đến cơ sở tôn giáo; khi cần có thể chủ động hạn chế lượng người vào để tránh ùn tắc; yêu cầu và giám sát người dân thực hiện nghiêm quy tắc “5K”; kiên quyết dừng đón khách nếu không bảo đảm yêu cầu phòng dịch…
- Thời gian qua, các cơ sở tôn giáo trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thực hành tín ngưỡng bằng hình thức trực tuyến tại nhà. Ông có thể cho biết, với hình thức này, người dân có gặp khó khăn gì và hiệu quả ra sao?
- Đi lễ ở đình, đền, chùa, cơ sở tự viện hay cơ sở tôn giáo, tham gia các lễ hội là nhu cầu chính đáng của nhân dân, cũng là nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc đã được gìn giữ, duy trì qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc thực hành tín ngưỡng đòi hỏi cần có sự sắp xếp, điều chỉnh hợp lý. Do vậy, hình thức thực hành tín ngưỡng trực tuyến là một tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển...
Hình thức thực hành tín ngưỡng trực tuyến tại nhà có một số khó khăn đối với người chuyên thực hành tín ngưỡng là không gian tổ chức tại các đình, đền - nơi thờ tự đã được Nhà nước công nhận sẽ có yếu tố “linh thiêng” so với việc thực hành tín ngưỡng tại điện, phủ. Đối với người dân thực hành tín ngưỡng trực tuyến tại nhà sẽ gặp khó khăn trước sự pha tạp của nhiều nguồn thông tin trên không gian trực tuyến khiến họ khó xác định được nguồn kênh chính thống nên ảnh hưởng đến quá trình thực hành. Tuy nhiên, việc thực hành tín ngưỡng bằng hình thức trực tuyến giúp tiết kiệm chi phí; có thể truyền tải đến số lượng đông đảo và trên một phạm vi rộng lớn hơn nhiều so với tổ chức trực tiếp. Mọi người hiểu được việc thực hành nghi lễ cốt ở cái tâm, bảo đảm sức khỏe dù có trực tuyến nhưng thỏa mãn được nhu cầu tâm linh.
- Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ông có khuyến cáo nào đến các tín hữu, Phật tử trong thời điểm hiện tại?
- Việc thực hành tín ngưỡng để cầu an, mong mọi sự tốt lành là nhu cầu chính đáng cần được tôn trọng. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, khi số ca nhiễm Covid-19 liên tục tăng cao, tác động nặng nề đến đời sống, đe dọa sức khỏe và tính mạng của con người thì mỗi cá nhân cần phải cân nhắc, điều chỉnh hành vi phù hợp vì lợi ích, trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội. Mỗi người cần có sự điều chỉnh về hành vi, thói quen khi thực hành tín ngưỡng. Chẳng hạn, thay vì đi lễ đầu năm thì có thể lựa chọn thời điểm khác trong năm để hành lễ, tránh tụ tập đông người; hoặc thay vì cả đại gia đình đi lễ, nay chỉ cần một người đại diện; hoặc thực hành nghi lễ theo hình thức trực tuyến…
Việc đi lễ là để cầu bình an, nên vào thời điểm dịch bệnh phức tạp, mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức về việc giữ bình an cho bản thân, gia đình và cộng đồng bằng cách thận trọng khi lựa chọn thời gian cũng như cách thức thực hành tín ngưỡng. Việc thay đổi hành vi, điều chỉnh thói quen của mỗi người cũng chính là thể hiện ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội.
Bên cạnh đó, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo cần tăng cường hướng dẫn thực hành tín ngưỡng trực tuyến kết nối rộng rãi nhằm đem đến tinh thần lạc quan, sự bình an, thỏa mãn nhu cầu tâm linh của người dân.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.