(HNM) - Gần đây, bệnh dại trên cả nước có chiều hướng gia tăng. TP Hà Nội là một trong những địa phương có số người tử vong vì bệnh dại khá cao do bị chó, mèo không tiêm phòng, phát dại cắn.
Để chủ động phòng, chống bệnh dại ở động vật, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, cần thực hiện đồng bộ giải pháp. Theo đó, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc phòng, chống bệnh dại ở động vật, cụ thể: Cách nhận biết bệnh dại, tính chất nguy hiểm của bệnh, các biện pháp phòng bệnh tới cộng đồng, người chăn nuôi…
Cùng với đó, chủ động khai báo với cán bộ thú y, chính quyền địa phương khi vật nuôi có biểu hiện nghi mắc bệnh dại để có biện pháp ngăn ngừa vật nuôi cắn người, làm lây lan dịch bệnh. Khi bị chó, mèo cắn, người dân phải đến ngay cơ quan y tế để được kiểm tra, tư vấn các biện pháp phòng ngừa; không giết mổ vật nuôi khi có biểu hiện ốm, chết nghi mắc bệnh dại và các bệnh truyền nhiễm khác.
Hộ gia đình chăn nuôi chó, mèo phải ký cam kết với chính quyền địa phương thực hiện “5 không” (không nuôi chó, mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương; không nuôi chó, mèo không tiêm phòng vắc xin dại; không nuôi chó thả rông; không để chó cắn người; không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường).
Hộ gia đình chỉ được nuôi chó trong khuôn viên của gia đình; chó phải được tiêm phòng vắc xin quanh năm; chuồng nuôi phải bảo đảm cao ráo, sạch sẽ, không gây ô nhiễm môi trường. Tại các quận nội thành, thị trấn, khu đông dân cư, người dân khi đưa chó ra khỏi khuôn viên gia đình phải rọ mõm, xích và có người dắt. TP Hà Nội không khuyến khích người dân chăn nuôi chó; trường hợp nuôi hơn 5 con, phải có tờ trình với chính quyền địa phương, có chuồng trại riêng và được ban thú y cơ sở kiểm tra, xác nhận về điều kiện nuôi, vệ sinh thú y…
Người dân nuôi chó, mèo lưu ý, việc tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho vật nuôi là bắt buộc gồm: Tiêm phòng đại trà 1 lần/năm vào các tháng 3 và 4. Hằng tháng, ban thú y, cán bộ thú y xã, phường, thị trấn thông báo lịch tiêm phòng cho số chó, mèo mới phát sinh và số đã hết thời hạn miễn dịch; đồng thời xây dựng kế hoạch tiêm phòng báo cáo UBND quận, huyện, thị xã để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và hỗ trợ kinh phí tiêm phòng; chuẩn bị đủ vật tư, phương tiện phục vụ việc tiêm phòng bảo đảm nhanh, gọn, đúng yêu cầu kỹ thuật và cấp giấy chứng nhận tiêm phòng cho chủ nuôi.
Ngoài ra, phối hợp với đài truyền thanh quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức cộng đồng, người chăn nuôi tự giác chấp hành việc tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.