(HNMO) - Chiều 21-3, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị phối hợp triển khai công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên địa bàn thành phố.
Tới dự và chỉ đạo Hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân... Về phía UBND TP Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng…
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi làm việc. |
Nội dung hội nghị, tập trung nghe kết quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường TP Hà Nội năm 2017 và 3 tháng đầu năm 2018, một số nội dung kiến nghị, đề xuất; chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố về triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên địa bàn thành phố.
Năm qua, toàn TP Hà Nội đã thực hiện giao đất dịch vụ đạt 60,75% kế hoạch; đấu giá quyền sử dụng đất đạt 79,6%; tổng thu tài chính từ đất năm 2017 được 37.128 tỷ đồng, chiếm 15% tổng thu ngân sách thành phố; công tác cấp giấy xác nhận đăng ký đất đai lần đầu đạt 100%; cấp giấy chứng nhận đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa đạt 99%... Thành phố đã triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về đất đai hơn 4 tỷ đồng, thu hồi 100.944m2 đất…
Về công tác cấp giấy phép khai thác khoáng sản, khoanh vùng cấm hoạt động khoáng sản: Toàn thành phố đã khoanh định 86 mỏ quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn; trên địa bàn thành phố hiện có 20 giấy phép khai thác khoáng sản được cấp còn hiệu lực...
Chú trọng công tác bảo vệ môi trường, thành phố đã rà soát 21/30 quận, huyện, thị xã, ghi nhận có 187 điểm đen, khu vực ô nhiễm và bức xúc về môi trường; xây dựng Đề án xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn thành phố; Đề án thu gom, xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; triển khai chiến dịch “Cánh đồng không đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường không khí”; Đề án Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; trồng hơn 500.000 cây xanh trên toàn thành phố…
Đồng thời, Hà Nội cũng có một số đề xuất, kiến nghị tới Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến: Việc thu hồi đất dự án khu đô thị mới (theo quy định tại Điều 62 Luật Đất đai); việc tiếp cận đất đai đối với nhà đầu tư nước ngoài; việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; một số kiến nghị liên quan đến lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, quản lý, khai thác khoáng sản; xử lý ô nhiễm môi trường…
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Võ Tuân Nhân ghi nhận công tác phối hợp chặt chẽ giữa Hà Nội với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc thực hiện các quy định của Luật Đất đai; phối hợp giải quyết những kiến nghị, đề xuất liên quan đến khiếu nại của công dân về cơ chế, chính sách bồi thường khi thực hiện thu hồi đất…; vấn đề bảo vệ môi trường, vấn đề xả thải và khả năng xử lý ô nhiễm môi trường của doanh nghiệp; công tác thăm dò, khai thác khoáng sản; đánh giá trữ lượng khoáng sản cát; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản…
Cho ý kiến về một số nhiệm vụ của Hà Nội trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, những ý kiến của các Tổng cục trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Hội nghị đã góp phần tháo gỡ 50% kiến nghị, đề xuất của Hà Nội. Những kiến nghị, đề xuất còn lại, Hà Nội cần tiếp tục phối với các đơn vị của Bộ để sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Ngoài ra, Hà Nội cần phối hợp với Bộ thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm: Tháo gỡ khó khăn trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; kiểm tra các dự án hiện nay được giao đất, nhưng chưa đưa vào sử dụng; kiểm tra, đánh giá thực trạng sử dụng đất bãi bồi sông Hồng, đưa ra quy hoạch sử dụng phù hợp, tránh để xảy ra tình trạng lấn chiếm, sử dụng không đúng mục đích gây mất an ninh trật tự và thất thoát nguồn thu cho ngân sách.
Về công tác bảo vệ môi trường, Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho Tổng cục Môi trường phối hợp với UBND TP Hà Nội trong việc xác định nguồn gốc gây ô nhiễm môi trường, ban hành các văn bản cụ thể về công tác quản lý nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường…
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo Nghị định về khai thác khoáng sản cát, sỏi, xác định ranh giới giữa các địa phương, trong đó có Hà Nội, nhằm thực hiện tốt công tác quản lý, tránh xảy ra mất an ninh trật tự hoặc tranh chấp mốc giới giữa các địa phương trong khai thác khoáng sản. Bộ trưởng cũng giao nhiệm vụ cho Tổng cục Đất đai phối hợp với TP Hà Nội trong công tác xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, tạo nên sự liên kết, trao đổi kịp thời trong công tác quản lý đất đai…
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiếp thu các ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và đề nghị Bộ tiếp tục phối hợp giúp đỡ thành phố một số công tác trong thời gian tới.
Đồng thời, Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị, sở, ngành liên quan thực hiện 18 nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội trong năm 2018, liên quan đến các mặt công tác: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai; xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất và không gian ngầm; xử lý ô nhiễm môi trường nước, không khí; xử lý chất thải rắn, chất thải độc hại; công tác quản lý, khảo sát trữ lượng, khai thác khoáng sản cát, sỏi, đấu giá quyền khai thác mỏ khoáng sản; quản lý đất bãi bồi ven sông; phấn đấu từ nay đến năm 2020, toàn thành phố cung cấp nước sạch đạt 70%; những dự án đã giao đất, nhưng quá thời hạn, chủ đầu tư chưa vào sử dụng sẽ tiến hành kiểm tra, thu hồi…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.