Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phố Yết Kiêu

Vy Thảo| 26/01/2012 08:40

(HNM) - Không biết tôi đã mất bao nhiêu thì giờ, uống bao nhiêu cốc trà ở vỉa hè phố Yết Kiêu. Để đến hôm nay, tôi mới nhận ra những tính cách của con phố nhỏ này.

Nó ngắn quá, chỉ mỗi trụ sở Bộ Công an và Cung Văn hóa đã chiếm gần nửa chiều dài con phố. Vậy mà nó cũng tự chở trên lưng mình khá nhiều chuyện. Nếu ví với tính cách của con người thì, nó có sự đỏng đảnh của một cô gái, lại có sự già nua, trầm mặc của một cụ già. Đôi khi con phố trầm lắng đến lạnh lùng, có lúc lại rộn lên ồn ào.

Căn phòng nhỏ trên gác hai ngôi nhà cổ tại số 108 phố Yết Kiêu.


Phố Yết Kiêu chỉ cho phép xe cộ đi một chiều. Từ phố bên kia sang đây xe vẫn chạy như thể mùa này là mùa vội vàng? Nhưng đến Yết Kiêu như nước thay dòng chảy, chẳng có sự vội vàng nào cả. Thời Pháp thuộc, con phố có tên là Bô vê (rue Bovet). Ngày đó, sĩ tử của Trường Mỹ thuật Đông Dương cũng có thú vui tụ tập trà đá vỉa hè ở khu phố này (Trường Mỹ thuật Đông Dương nay là Trường Mỹ thuật Việt Nam nằm trên phố Yết Kiêu). Dân văn nghệ thường nhạy cảm và lãng mạn. Hẳn những họa sỹ như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng… hay Bùi Xuân Phái cũng đã từng lang thang trà phố, từ những chén trà vỉa hè, những tĩnh lặng hay ồn ào của phố Yết Kiêu từ đó mà đi vào câu chuyện của họ, đi vào cuộc đời họ. Trên con phố đó, họ vừa chậm bước, vừa trăn trở về nghệ thuật và mưu sinh? Vẫn còn đây hình ảnh những cậu sinh viên người Việt (tầng lớp trí thức mới thời đó) với đôi mắt rực sáng, trò truyện rôm rả bên quán nước vỉa hè đường Yết Kiêu rất nhiều năm về trước. Mái tóc bạc, cụm râu bạc, Văn Cao gầy guộc bước từ nhà ra phố. Một chiếc xe bấm còi, cô bán hàng nước sảy tay làm vỡ chén trà nhỏ. Ông bước chậm rãi, không vội vàng như những sự tươi trẻ đang vội vàng trước mắt. Hẳn những thứ đó cũng vô tình in vào cuộc đời ông, nâng niu ông.

Con phố tĩnh lặng này có thể đã từng nằm trong ký ức của cả những kẻ vô danh và hữu danh, những bài hát, những bức tranh và bài thơ ra đời, hay có một sự liên quan sâu xa nào đó.

Tán cây cổ thụ, lá xanh ngắt đan xen với những cây bé cao gầy và chỉ có vài chỏm lá làm cho cảnh quan khu phố này thật ngộ. Trong gió vẳng tiếng thơ của công chúa nhà Nguyên viết về mối tình dành cho tráng sĩ - sứ thần Đại Việt Yết Kiêu (nhân vật được đặt tên cho con phố này. Yết Kiêu là tùy tùng của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, có tài bơi lặn. Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên thế kỷ XIII, Yết Kiêu dùng tài bơi lặn của mình xâm nhập vào đội hình địch, đục thủng các chiến thuyền).

Truyện kể thế này: Yết Kiêu tháp tùng đoàn sứ bộ sang cống nhà Nguyên, vì cảm phục người hiền tài mà vua Nguyên bỏ cả hiềm khích. Ông sai con gái và chục người nữ tì đến dinh sứ bộ để hầu hạ từng người, mật lệnh cho công chúa tìm cách giữ chân Yết Kiêu. Yết Kiêu cẩn trọng và giữ lễ, nhưng không ngờ công chúa lại đem lòng yêu thương. Mãn hạn đi sứ, Yết Kiêu về nước.

Những vần thơ được lưu truyền đến ngày nay, tương truyền được công chúa nhà Nguyên thêu vào khăn áo gửi theo đoàn sứ bộ Đại Việt, có người dịch rằng:

Dứt áo phút ly biệt
Thiếp hỏi chàng đi đâu
Chẳng hận về sai hẹn
Chỉ mong chớ phụ nhau.

Công chúa vì thương nhớ Yết Kiêu mà đổ bệnh. Vua Nguyên cho công chúa sang thăm Đại Việt và cầu hôn Yết Kiêu. Sang đến vùng biên giới (Móng Cái bây giờ) thì được tin Yết Kiêu đã mất. Nàng bèn sai lập đàn để cầu siêu cho "linh hồn" Yết Kiêu, tự lập đàn cầu siêu cho mình, rồi tự sát.

Câu chuyện này lẫn câu chuyện kia, cuộc đời này lẫn cuộc đời kia, những kẻ mê lang thang phố hay những kẻ phải ra phố để mưu sinh đều ngổn ngang tâm trạng. Chỉ có phố là bình thản, tự lưu vào lòng mình những câu chuyện cuộc đời, như một cuốn sách, bí ẩn.

Về với phố Yết Kiêu hiện tại, nó có chút cổ kính, chút hiện đại, chút vui vẻ và những thoáng bực mình. Con đường ngắn tí mà có thể chia làm những khu với những đặc tính khác nhau. Đi từ cuối đường đến đầu đường, theo chiều xuôi của xe cộ. Gặp cái chợ nằm trên phố Yết Kiêu và ngõ Đỗ Hành là một chợ nhỏ mà sự mặc cả hay mua bán cũng nhỏ nhẹ và chậm rãi. Đoạn tiếp chính là ngã tư giao với phố Nguyễn Du, con đập ngăn sự ồn ào rồi đổ chúng ta vào sự tĩnh lặng của con phố giữa. Đoạn đường từ phía bên này trụ sở Bộ Công an đến cổng Trường Mỹ thuật Việt Nam là cả khu nhà dài tĩnh lặng, chỉ thi thoảng rộn lên khi có những luồng xe đi qua hay những cuộc nói chuyện, cãi vã ở những quán trà.

Bộ đồ lụa ưa thích của bà bán trà (may gần giống kiểu trang phục của phụ nữ Hà Nội xưa) nay bị che đi bởi cái áo khoác to sụ màu đen, khuôn mặt luôn cau có, những câu chửi thề hay kiểu nói chuyện xù lông nhím của bà chắc để che đi một tính cách mong manh. Kiểu cách bán hàng thời bao cấp, thích thì bán, không thích thì chửi cũng bớt dần đi theo thời buổi kinh tế thị trường và thời bão giá. Nước trà bà ngon, tử tế, không pha tạp như nhiều hàng chè chén mọc lên nhan nhản ở Hà Nội bây giờ. Khuôn mặt cau có nhưng quán bà vẫn không vãn khách. Hàng nước của bà cũng như một nét cổ kính của con đường này vậy.

Chỉ cách có một vài nhà thôi mà đoạn phố tiếp theo mang tính cách khác hẳn. Những quán cà phê, karaoke, giải trí, những cô cậu nhân viên trẻ đẹp luôn đon đả mời và đón khách. Những khuôn mặt toan tính của những người chủ quán hàng. Ở đoạn cuối con phố này, sự tính toán của kinh tế thị trường hiện ra rõ rệt. Rõ rệt ngay cả trên khuôn mặt của bà hàng nước vỉa hè, anh bảo vệ nhà băng và cả anh chủ hàng sửa xe máy. Một chiều có nắng, tôi chợt nhận thấy những tính cách thật lạ, thật hay từ con phố tôi sống bao năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phố Yết Kiêu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.