Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Công điện về việc tiếp tục chấn chỉnh và xử lý triệt để tình trạng phương tiện vận tải đường bộ vi phạm chở hàng quá tải trọng cho phép.
Ảnh minh họa |
Nội dung công điện như sau:
Trong thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác kiểm soát tải trọng phương tiện. Nhờ đó công tác kiểm soát tải trọng phương tiện trên cả nước bước đầu đã đạt được kết quả tích cực; ý thức của phần lớn lái xe, chủ xe, chủ hàng, chủ doanh nghiệp vận tải đã được nâng lên. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng xe chở hàng quá tải trọng cho phép (hoạt động lén lút vào ban đêm, né tránh các điểm kiểm tra tải trọng xe…) gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Để tiếp tục chấn chỉnh công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, các Bộ, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam cùng phối hợp, khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện có hiệu quả các công điện, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện và xử lý tình trạng tiêu cực tại các trạm cân cũng như hiện tượng “xã hội đen” thao túng, bảo kê hoạt động xe quá tải, quá khổ trên một số tuyến đường bộ. Trong đó:
1. Bộ Công an tiếp tục triển khai các lực lượng để duy trì thực hiện có hiệu quả công tác tuần tra, xử lý các trường hợp vi phạm; lập các chuyên án điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp tiêu cực tại các trạm cân và bảo kê hoạt động xe quá tải, quá khổ.
2. Bộ Giao thông vận tải
- Bố trí các điểm kiểm tra tải trọng lưu động, tập trung kiểm soát, xử lý ngay tại nơi xuất phát hoặc gần khu vực kho, cảng biển, cảng thủy nội địa, bến bãi, nhà ga, mỏ vật liệu, nơi tập kết hàng hóa lên xe ô tô vận tải và xử lý vi phạm về kích thước thùng xe.
- Chủ trì, phối hợp Bộ Công an làm việc với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện quyết liệt hơn nữa công tác kiểm tra tải trọng phương tiện.
3. Bộ Thông tin và Truyền thông: Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về trọng tải xe, xếp hàng hóa trên xe ô tô, thiệt hại do xe quá tải gây ra; biểu dương các điển hình trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện.
4. Các Bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Quốc phòng chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp trực thuộc hoạt động trong lĩnh vực xây lắp, sản xuất hoặc cung ứng vật liệu xây dựng, khai thác tài nguyên, khoáng sản yêu cầu các cơ quan, đơn vị này quán triệt thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về xếp hàng hóa trên xe ô tô và có biện pháp kiểm soát chặt việc xếp hàng hóa đúng trọng tải lên xe ô tô ngay tại khu vực đầu nguồn hàng do mình quản lý.
5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, kiêm Trưởng ban An toàn giao thông cấp tỉnh: Trực tiếp chỉ đạo việc triển khai thực hiện công tác kiểm soát tải trọng trên địa bàn; báo cáo Ban thường vụ Thành ủy, Tỉnh ủy có văn bản để quán triệt đến cơ sở Đảng các cấp tại địa phương về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra hiện tượng “xã hội đen” thao túng, bảo kê hoạt động xe quá tải tại địa phương.
6. Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam: Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hoá thực hiện nghiêm các quy định về trọng tải xe ô tô; xây dựng phương án vận tải đúng trọng tải để cam kết và thực hiện hợp đồng với chủ hàng; tư vấn cho các doanh nghiệp vận tải chủ động lập phương án kết nối vận tải đường bộ với đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa nhằm giảm quãng đường xe chạy trên đường bộ, tăng năng lực vận tải cho chủ hàng./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.