Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nêu 6 giải pháp phát triển ngành Ngoại giao hiện đại

Nguyễn Thúc| 18/12/2021 19:44

(HNMO) - Ngày 18-12, phiên họp toàn thể về xây dựng ngành (Ngoại giao) đã được tổ chức trọng thể với chủ đề “Đổi mới sáng tạo hướng tới xây dựng ngành Ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại”. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tham dự và phát biểu chỉ đạo.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh phát biểu tại phiên họp toàn thể về xây dựng ngành.

Tại phiên họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đề xuất một số vấn đề thảo luận trên tinh thần bám sát chủ trương, đường lối Đại hội XIII của Đảng, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc và Hội nghị Ngoại giao 31, và những kết quả, kinh nghiệm, bài học trong thời gian qua.

Trên cơ sở đó, phiên họp toàn thể về công tác xây dựng ngành Ngoại giao đã lắng nghe một số tham luận quan trọng như “Đổi mới sáng tạo trong ngoại giao công nghệ” của Bộ Khoa học và Công nghệ, “Đổi mới sáng tạo trong ngoại giao chống biến đổi khí hậu” của Bộ Tài nguyên và Môi trường, “Đổi mới sáng tạo trong Ngoại giao y tế” của Bộ Y tế, “Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ, công chức” của Bộ Nội vụ, “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế tài chính góp phần xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại theo tinh thần của Đại hội XIII” của Bộ Tài chính.

Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành tham dự phiên họp khẳng định sự ủng hộ và hợp tác chặt chẽ với Bộ Ngoại giao trong triển khai các mảng ngoại giao theo lĩnh vực nói riêng và công tác xây dựng và phát triển ngành ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại nói riêng trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nêu rõ, xây dựng nền ngoại giao hiện đại cần sử dụng nhiều phương thức khác nhau, trong đó có ngoại giao số để bắt kịp xu thế toàn cầu, tức là áp dụng công nghệ, khoa học để tiến hành các phương thức ngoại giao; một số nước trên thế giới đã áp dụng hình thức đại sứ quán ảo… Trên cơ sở đó, đồng chí Phạm Bình Minh nhấn mạnh một số định hướng như sau:

Một là nền ngoại giao “toàn diện” phải phát huy được vai trò, vị thế của Việt Nam trên những lĩnh vực truyền thống và cả những lĩnh vực mới nổi lên, phải cải tiến phương thức hoạt động hiệu quả hơn và huy động được sự tham gia thiết thực của nhiều chủ thể hơn nữa. Một nền ngoại giao hiện đại phải có bộ máy tinh gọn, cơ chế vận hành khoa học, hiệu quả, thích ứng với những chuyển biến nhanh chóng của tình hình, đẩy mạnh chuyển đổi số, năng lực đổi mới sáng tạo cao; có đội ngũ cán bộ trung thành với lý tưởng của Đảng, luôn đặt lợi ích của quốc gia – dân tộc lên ưu tiên cao nhất, có năng lực ngang tầm khu vực và quốc tế.

Hai là, Đảng định vị đối ngoại là mũi nhọn tiên phong trong việc tạo lập và duy trì môi trường hòa bình, ổn định, huy động nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Ngành ngoại giao, với vai trò là lực lượng nòng cốt của ngoại giao Nhà nước, phải phát huy được vai trò khai phá, mở đường, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp để tạo thành sức mạnh tổng hợp.

Ba là, Đảng yêu cầu cần phải đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Bên cạnh những vấn đề chính trị, an ninh, ngành ngoại giao cần tăng cường tham mưu về các xu thế phát triển lớn của thế giới, phát huy tối đa vai trò radar tìm kiếm những nguồn lực từ bên ngoài, là cầu nối gắn kết những xu thế phát triển và nguồn lực đó với những kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội trong nước và là chỗ dựa thường trực, vững chắc, đáng tin cậy cho những công ty, tập đoàn, doanh nghiệp, người lao động Việt Nam vươn ra khu vực và thế giới.

Qua những nội dung trao đổi trong khuôn khổ phiên họp, trên tinh thần tiếp tục quán triệt đổi mới sáng tạo để phục vụ công cuộc đối ngoại và hội nhập quốc tế của đất nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đề nghị Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp cụ thể đối với một số vấn đề sau:

Thứ nhất, phải sớm xác định nội hàm ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại, có định hướng gắn kết, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn nữa để hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp hội nhập quốc tế hiệu quả, tranh thủ cơ hội, góp phần thiết thực phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Ngoại giao cũng cần nghiên cứu những xu thế mới như ngoại giao số có ảnh hưởng như thế nào.

Thứ hai, bản sắc, văn hóa ngành Ngoại giao cần được nghiên cứu, đánh giá, tổng kết, phổ biến, kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống nổi bật của ngành để đóng góp nhiều hơn nữa cho công tác đối ngoại nói riêng và sự nghiệp bảo vệ, phát triển đất nước nói chung.

Thứ ba, Bộ Ngoại giao cần tiếp tục tăng cường phát hiện, phát triển những lĩnh vực hợp tác mới để gắn kết hơn nữa với các bộ, ngành, địa phương, hình thành nên sức mạnh cộng hưởng của toàn bộ hệ thống chính trị trong việc triển khai nhiệm vụ đối ngoại. Bộ Ngoại giao phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu áp dụng những mô hình mới phù hợp với thông lệ quốc tế như Đại sứ lưu động theo lĩnh vực quan trọng hiện nay như biến đổi khí hậu, y tế, công nghệ, đổi mới sáng tạo….

Thứ tư, bên cạnh các kế hoạch bồi dưỡng cho cán bộ làm việc trong môi trường quốc tế, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hỗ trợ Bộ Ngoại giao nghiên cứu, thí điểm những mô hình sáng tạo, đột phá về tổ chức bộ máy, con người phù hợp với yêu cầu đặc thù của công tác đối ngoại và thông lệ quốc tế như hệ thống hàm, cấp ngoại giao với những chế độ đãi ngộ phù hợp như phụ cấp, trợ cấp để tạo động lực cống hiến hơn nữa của đội ngũ cán bộ, công chức.

Thứ năm, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Ngoại giao rà soát, kiến nghị những cơ chế tài chính mới để tạo thuận lợi hơn cho hoạt động đối ngoại thời gian tới, bám sát quy định của Luật Ngân sách Nhà nước về bố trí ngân sách, về hướng dẫn thi hành đối với một số nội dung đặc thù để xây dựng những kiến nghị phục vụ thiết thực cho công tác đối ngoại.

Thứ sáu, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành khác trong ứng dụng các thành tựu khoa học, thực hiện chuyển đổi số. Đây là nhiệm vụ cần triển khai sớm trong thời gian tới. Mặt trận đối ngoại rất cần áp dụng những tiến bộ mới của khoa học công nghệ nói chung và công nghệ thông tin nói riêng.

* Chiều cùng ngày, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 đã chính thức bế mạc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nêu 6 giải pháp phát triển ngành Ngoại giao hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.