(HNMCT) - Phó Đức Phương là một tên tuổi lớn của nền âm nhạc Việt Nam, với số lượng lớn ca khúc được khán giả yêu mến. Bên cạnh những cống hiến trong sáng tạo nghệ thuật, ông còn được coi là “người hùng” của âm nhạc Việt Nam khi khởi nguồn cho việc bảo vệ tác quyền một cách bài bản.
Cha đẻ của Về quê, Một thoáng Tây Hồ vừa chia tay cuộc đời để trở về chốn phiêu diêu sau 76 năm "ở trọ nơi cõi tạm". Bài viết này như một lời chia tay, một lời cảm ơn của chúng tôi gửi tới vị nhạc sĩ có tình yêu lớn dành cho Thăng Long - Hà Nội, cho Kinh Bắc và cho đất Việt thân yêu.
Kinh Bắc và Thăng Long - Hà Nội tạo nên cái tôi
Giả sử ai đó yêu cầu chọn một ca khúc xuất sắc nhất của Phó Đức Phương, thật khó, bởi ông là cha đẻ của rất nhiều ca khúc nổi tiếng đã được thử thách qua thời gian. Nhưng nếu bắt buộc phải chọn, tôi sẽ dành ưu tiên cho Về quê. Không phải ngẫu nhiên tôi chọn ca khúc ấy, bởi khi soi chiếu vào kho tàng dân ca Việt, sẽ thấy những gì thành công nhất, có sức sống vượt thời gian, đi sâu vào đời sống tinh thần mỗi người dân nhất chính là những bài hát giãi bày được tâm tư, tình cảm của người nghe. Và Về quê có đầy đủ những yếu tố đó.
Ngược thời gian, ca khúc này được khởi nguồn từ “đơn đặt hàng” của Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh vào năm 1998 khi nhà hát chuẩn bị tham dự một hội diễn nghệ thuật, vì thế, việc ca khúc mang âm hưởng dân ca quan họ là điều dễ hiểu. Song, cái thú vị ở đây là người nghe khó cảm nhận được một làn điệu quan họ trong ca khúc bởi ông đã khai thác và sử dụng quan họ một cách tài tình. Chính vì thế, ngay từ khi ra đời, Về quê không chỉ nằm trong khuôn khổ một tiết mục biểu diễn của Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh mà nhanh chóng lan tỏa và được đón nhận ở khắp nơi.
Quan họ là đặc sản của vùng đất Kinh Bắc, quê ngoại của Phó Đức Phương, nơi ông có nhiều năm tháng gắn bó và vì thế, không ngạc nhiên khi quan họ ảnh hưởng rất nhiều tới thế giới quan sáng tác của Phó Đức Phương. Nó hiện hữu ngay từ tác phẩm đầu tay Những cô gái quan họ khi nhạc sĩ mới 22 tuổi.
Nhưng, tài tình ở chỗ, dù cùng khai thác một chất liệu âm nhạc nhưng mỗi ca khúc lại có âm hưởng khác nhau, khiến cho khán giả không dễ nhận thấy ảnh hưởng của quan họ trong một tác phẩm còn người làm công tác âm nhạc chuyên nghiệp sẽ có cảm giác ngạc nhiên thú vị khi phát hiện chất liệu âm nhạc dân gian được khai thác tài tình đến thế. Ví như bài Hồ trên núi, thoạt nghe ta tưởng như những điệu hò lao động của miền sông nước là chất liệu chính, rồi không gian rộng thoáng của núi rừng phía Bắc sẽ là nét chủ đạo trong ca khúc này, song ngay từ câu mở đầu ca khúc, khi chia làm hai ý nhạc với ý nhạc thứ nhất “Thuyền ta ngược thuyền ta xuôi giữa dòng nước bạc nhịp chèo ta bơi…” với nét nhạc trì tục mang âm hưởng của hò sông nước thì ý nhạc thứ hai ở ngay sau đó “Non xanh mà nước biếc ối a, khoan nhặt mái chèo hừ là, khoan nhặt mái chèo ối a…” lại xuất hiện những tiếng đưa hơi, phụ từ thường có trong quan họ, tất nhiên nó đã có sự biến đổi.
Bên cạnh Kinh Bắc, văn hóa Thăng Long - Hà Nội cũng có ảnh hưởng sâu sắc tới Phó Đức Phương. Một trong những đặc trưng âm nhạc của Thăng Long, khi vang lên người ta cảm nhận được tâm hồn Thăng Long, tính cách Thăng Long, hồn cốt Thăng Long. Điều đó có ở ca trù. Ca trù hiện hữu trong tác phẩm của Phó Đức Phương ở nhiều mức độ khác nhau. Rõ nét nhất là ca khúc Một thoáng Tây Hồ, ở mức độ khác là Trên đỉnh Phù Vân và một số ca khúc khác.
Những thăng trầm của lịch sử đã tạo cho Thăng Long - Hà Nội một sự trầm hùng, như lắng đọng cùng thời gian, như muốn bứt phá theo thời cuộc. Đặc trưng này có tác động sâu sắc đến Phó Đức Phương, hóa thành những nốt nhạc, lời ca nhảy múa trong tâm trí người nhạc sĩ để rồi lại “bay” ra với cuộc đời thông qua âm nhạc. Nhắc đến Phó Đức Phương thì không thể không nhắc tới những Không thể và có thể, Chảy đi sông ơi, Bên dòng sông Cái, Huyền thoại hồ Núi Cốc... Dù là ca khúc có nội dung như thế nào, viết về địa phương cụ thể nào thì nó vẫn mang đậm nét riêng của Phó Đức Phương, và cái nét riêng ấy chính là được kết tụ từ văn hóa Kinh Bắc và Thăng Long - Hà Nội.
Người hùng của giới nhạc sĩ
Tôi còn nhớ cách đây chừng hai thập niên, tác giả của ca khúc Hà Nội và tôi, nhạc sĩ Lê Vinh đã phải “lên báo than thở” rằng: “Tôi như bị đẩy xuống đầm cá sấu”. Đó là giai đoạn khó khăn của nhạc sĩ khi vướng phải lùm xùm liên quan đến vấn đề tác quyền âm nhạc. Thực tế giai đoạn đó, việc vi phạm bản quyền khá phổ biến nên việc Lê Vinh lên tiếng giống như một tiếng kêu lạc lõng, đôi lúc khiến anh rơi vào bế tắc.
Đúng thời điểm quyền tác giả âm nhạc gần như bị lãng quên ấy, một “người hùng” của giới nhạc sĩ xuất hiện, không ai khác chính là nhạc sĩ Phó Đức Phương. Bằng việc thành lập Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (gọi tắt là Trung tâm), Phó Đức Phương không chỉ lên tiếng bảo vệ quyền tác giả cho những đứa con tinh thần của mình mà còn cho các nhạc sĩ ở Việt Nam, thậm chí cả giới nhạc sĩ Việt ở hải ngoại và nhạc sĩ thế giới có tác phẩm được sử dụng tại Việt Nam.
Ở thời điểm thành lập Trung tâm năm 2002, việc lên tiếng bảo vệ tác quyền khiến không ít người cho rằng Phó Đức Phương đang “đánh cối xay gió”; thậm chí trong con mắt của không ít người, Phó Đức Phương trở thành một con người khác, “hiếu chiến” hơn, khi ông chẳng nề hà danh tiếng của mình, sẵn sàng xuất hiện ở một điểm biểu diễn nào đó để đòi quyền lợi chính đáng cho nhạc sĩ...
Sau nhiều năm, thành quả của ngày hôm nay chứng minh rằng những việc mà ông làm là không vô nghĩa, theo thời gian, ý thức tác quyền trong lĩnh vực xuất bản album, sản phẩm âm nhạc đã dần vào nếp; giới nhạc sĩ, đặc biệt là những nhạc sĩ lớn tuổi được bảo đảm quyền lợi chính đáng của mình bằng vật chất cụ thể, cải thiện đáng kể cuộc sống, điều mà họ khó có được trước đó...
Có thể nói trong suốt hơn 50 năm hoạt động âm nhạc, Phó Đức Phương như con tằm rút ruột nhả tơ cho cuộc đời bằng những ca khúc đậm đà chất liệu âm nhạc dân tộc, góp phần định hình dòng ca khúc đại chúng Việt Nam trong một giai đoạn cụ thể. Bên cạnh sáng tác, ông còn là người đặt nền móng bảo vệ bản quyền tác phẩm âm nhạc. Tên tuổi và những đóng góp của Phó Đức Phương đã và sẽ còn được nhắc tới một cách trân trọng trong lịch sử âm nhạc Việt Nam.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương sinh năm 1944 tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, mất ngày 19-9-2020 tại Hà Nội. Ông để lại những tác phẩm tiêu biểu có giá trị nghệ thuật cao như: Những cô gái quan họ, Về quê, Chảy đi sông ơi, Hồ trên núi, Huyền thoại hồ Núi Cốc, Không thể và có thể, Một thoáng Tây Hồ, Trên đỉnh Phù Vân...
Các album đã phát hành: Phó Đức Phương I - Trên đỉnh Phù Vân (Saigon Audio - 1997), Phó Đức Phương II - Một thoáng Tây Hồ (Saigon Audio - 1997), Phó Đức Phương III - Chảy đi sông ơi (Saigon Audio - 1998). Bên cạnh đó là các liveshow: Con đường âm nhạc, Phó Đức Phương - Những giấc mơ trên sóng (2005), Trên đỉnh Phù Vân (2016), Khúc hát phiêu ly (10-7-2020)...
Năm 2001, nhạc sĩ Phó Đức Phương được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật. Ông từng là Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam và Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.