Kinh tế

Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Phạm Tuấn Anh: Ưu tiên nguồn lực tăng trưởng mới trong lĩnh vực công nghiệp

Lam Giang 21/07/2024 - 06:45

Mặc dù đạt tăng trưởng khả quan trong 6 tháng đầu năm 2024, song công nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều thách thức trong ngắn hạn cũng như dài hạn, do đó cần tập trung tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, ưu tiên nguồn lực tăng trưởng mới.

Xung quanh vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Phạm Tuấn Anh đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới.

pho-cuc-truong-cuc-cong-nghiep-bo-cong-thuong-pham-tuan-anh.-anh-khac-kien.jpg
Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Phạm Tuấn Anh. Ảnh: Khắc Kiên

Sản xuất công nghiệp phục hồi rõ nét

- Xin ông cho biết những đánh giá của mình về tình hình sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024?

- Tôi cho rằng, sản xuất công nghiệp đã phục hồi rõ nét. Những số liệu thống kê cho thấy, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tăng mạnh lên 54,7 điểm trong tháng 6-2024, so với mức 50,3 điểm của tháng 5-2024. Giá trị tăng thêm toàn ngành Công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 ước tính tăng 7,54% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,67%, đóng góp 2,14% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Sản xuất công nghiệp cơ bản tăng trưởng trên diện rộng ở 56/63 địa phương, trong đó có 25 địa phương tăng trưởng cao ở mức hai con số. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Thép thanh, thép góc tăng 34,5%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 18,4%; thép cán tăng 17,3%; phân hỗn hợp NPK tăng 13,7%; điện sản xuất tăng 12,2%...

- Như vậy, tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo rất ấn tượng so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm những năm gần đây. Ông có thể phân tích rõ hơn về kết quả này?

- Tăng trưởng của công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng trong 6 tháng đầu năm 2024 đã phản ánh một bức tranh sáng màu của sản xuất trong nước. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng. Chỉ số tiêu thụ lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao giúp kéo giảm chỉ số tồn kho. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng ấn tượng tại các địa phương trọng điểm đã tiếp tục tạo việc làm, thu nhập, nâng cao hiệu quả xã hội.

che-tao-may-tu-dong-tai-cong-ty-co-phan-cong-nghe-thiet-bi-tan-phat-huyen-thanh-tri-.-anh-do-tam.jpg
Chế tạo máy tự động tại Công ty cổ phần Công nghệ thiết bị Tân Phát (huyện Thanh Trì). nh: Đỗ Tâm

Qua tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có thể thấy, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp trong nước đã khôi phục rất tích cực và sẵn sàng tận dụng những cơ hội từ thị trường mới trong thời gian tới. Điều quan trọng không kém là niềm tin của các doanh nghiệp sản xuất được củng cố mạnh mẽ nhờ những tín hiệu tích cực trong sản xuất công nghiệp.

- Theo ông, yếu tố nào giúp sản xuất công nghiệp có những bứt phá ấn tượng?

- Nguyên nhân chủ yếu là các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ, việc tăng cường đầu tư công, các dự án công nghiệp trọng điểm đã phát huy hiệu quả. Cùng với đó là kết quả thu hút, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khả quan, giúp tăng thêm năng lực cho sản xuất trong nước. Ngoài ra, chúng ta đã tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết trong bối cảnh thị trường thế giới phục hồi, đơn hàng trong các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, chế biến thực phẩm... đều tăng.

Đặc biệt, năng lực của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong nước, được cải thiện nhờ tác động tổng hợp từ những chính sách hỗ trợ của Chính phủ và niềm tin được củng cố bởi môi trường kinh tế vĩ mô trong nước ổn định cùng xu hướng phục hồi của thị trường thế giới.

Sớm vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới

- Từ nay đến cuối năm 2024, ngành Công nghiệp có thể đối mặt với những thách thức gì để duy trì đà tăng trưởng, thưa ông?

- Mặc dù đạt kết quả tăng trưởng khả quan trong 6 tháng đầu năm 2024, tuy nhiên, công nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức trong ngắn hạn cũng như dài hạn. Có thể thấy, dù đã được cải thiện song nội lực của các ngành sản xuất trong nước vẫn còn yếu, những điểm nghẽn lớn của công nghiệp trong thời gian dài vừa qua vẫn chưa được khắc phục hiệu quả. Sản xuất vẫn phụ thuộc lớn vào các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là phụ thuộc vào khu vực FDI. Bên cạnh đó, giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp trong nước còn thấp; công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, chưa có nhiều sản phẩm công nghiệp nội địa có hàm lượng công nghệ cao.

Mặt khác, sản xuất công nghiệp phục hồi chưa toàn diện. Một số ngành sản xuất chủ lực vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2023, như điện thoại thông minh, tivi, ô tô, sắt thép thô… Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực (giày dép, gỗ, điện thoại các loại và linh kiện…) đã phục hồi song vẫn chưa về lại mức đỉnh của cùng kỳ năm 2022.

Trong 6 tháng cuối năm 2024 cũng như các năm tiếp theo, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường. Căng thẳng địa - chính trị, cạnh tranh nước lớn dự báo ngày càng gia tăng, sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu vẫn có thể diễn ra. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn (châu Âu, Mỹ) tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật.

Ở trong nước, thị trường bất động sản phục hồi khá chậm. Thị trường trong nước tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng. Chỉ số giá trong nước chịu áp lực tăng sau khi cải cách tiền lương từ ngày 1-7-2024 và điều chỉnh giá điện theo cơ chế mới.

Do đó, cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ, dài hạn và vững chắc mới có thể bảo đảm tăng trưởng ổn định, bền vững cho ngành Công nghiệp.

- Xin ông cho biết, để ngành Công nghiệp tiếp tục giữ vai trò trụ cột của nền kinh tế, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh thực hiện những giải pháp nào trong thời gian tới?

- Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày và các ngành nền tảng như ô tô, cơ khí, thép… Chúng tôi sẽ thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.

Bộ Công Thương cũng tập trung tham mưu, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên làm cơ sở cho các nguồn lực tăng trưởng mới trong các ngành công nghiệp cả ngắn hạn cũng như dài hạn. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình làm việc với các địa phương nhằm khôi phục và phát huy đà tăng trưởng của công nghiệp tại các địa phương, vùng kinh tế trọng điểm. Ngoài ra, Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các dự án đầu tư công lớn và các chính sách khôi phục thị trường bất động sản của Chính phủ; khuyến khích việc tăng cường mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước, hạn chế việc sử dụng sản phẩm và nguyên liệu nhập khẩu mà trong nước đã sản xuất được; tiếp tục tìm kiếm thị trường mới cho những ngành hàng xuất khẩu chủ lực...

- Phát huy những kết quả đã đạt được và tiếp tục tăng tốc, khôi phục sản xuất, theo ông, từ nay tới cuối năm 2024, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần làm gì?

- Đối với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, vấn đề quan trọng nhất là tận dụng tối đa cơ hội từ những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại, nhằm tìm kiếm đơn hàng và khách hàng mới. Doanh nghiệp trong cùng ngành hàng cũng cần phối hợp với nhau, phối hợp với hiệp hội và cơ quan nhà nước để tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu mới bên cạnh các thị trường truyền thống. Doanh nghiệp cũng cần tiếp tục tiết giảm chi phí và giá thành sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, qua đó cải thiện tính hiệu quả và thích ứng linh hoạt với tình hình mới.

Các hiệp hội ngành hàng cần chủ động tổ chức nhiều hoạt động kết nối, đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm của nhau giữa các doanh nghiệp trong cùng hiệp hội, ngành hàng và giữa các ngành hàng với nhau. Đặc biệt, cần theo dõi sát tình hình thế giới, nhất là tại những thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn, truyền thống của Việt Nam để kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với Chính phủ và các cơ quan chức năng, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Phạm Tuấn Anh: Ưu tiên nguồn lực tăng trưởng mới trong lĩnh vực công nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.