Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phố cổ - nguồn cảm hứng bất tận của văn học nghệ thuật: Góp phần bảo tồn, lan tỏa tinh hoa Hà Nội

Hoàng Lan| 08/01/2023 06:19

(HNMCT) - Lưu giữ “hồn cốt” kinh đô Thăng Long từ buổi ban đầu, khu phố cổ Hà Nội là nơi chứa đựng những giá trị lớn về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc. Nằm ở vị trí trung tâm của Thủ đô nhưng phố cổ có nét thâm trầm, hoài cổ. Lặng lẽ mà gây thương nhớ, giản dị thế thôi mà cũng đủ làm “nàng thơ” cho bao tao nhân mặc khách đến và rung cảm về mảnh đất này.

Phố cổ Hà Nội - nơi chứa đựng những giá trị lớn về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc. Ảnh: Phúc Nguyễn

Sở hữu những giá trị đặc biệt

Tại sao lại là phố cổ Hà Nội mà không phải là một địa danh khác? Đó là câu hỏi được đặt ra trong buổi tọa đàm “Vai trò của văn học, nghệ thuật trong việc bảo tồn di sản phố cổ” do Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội tổ chức mới đây. Và rồi, khi nhìn lại vị trí địa lý cùng những giá trị văn hóa nghệ thuật mà khu phố cổ đang sở hữu, ai cũng phải công nhận một điều, không chỉ là không gian lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, phố cổ còn như một “bảo tàng sống” lưu dấu nết ăn, nết mặc, vẻ thanh lịch trứ danh của người kinh kỳ - Kẻ Chợ.

Đặc biệt, cho đến tận bây giờ, phố cổ Hà Nội vẫn còn đó những ngôi nhà nhỏ hình ống xen kẽ, mái ngói lô xô hệt như trong tranh của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái. Vẫn còn đó những con phố bắt đầu bằng từ “Hàng” đầy sức gợi, như một sợi dây kết nối giữa hiện tại và quá khứ vàng son của những phố nghề nhộn nhịp bán mua. Vẫn còn đó văn hóa ẩm thực rất đáng tự hào, những địa chỉ được ghi trên bản đồ ẩm thực trong nước và thế giới.

Bên cạnh đó, khu phố cổ Hà Nội còn chứa đựng một kho tàng giá trị vật thể (121 di tích, trong đó có 25 di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia) với đầy đủ các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng, đình, đền, chùa, hội quán, miếu, am..., cũng như các giá trị phi vật thể đa dạng, hấp dẫn như các hoạt động sinh hoạt hằng ngày trên phố của người dân; ẩm thực; các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân gian như ca trù, hát xẩm...; những lễ hội truyền thống như Lễ hội đền Bạch Mã, đình Yên Thái, Lễ hội Trung thu, Lễ hội Kim hoàn... Tất cả những giá trị đặc sắc đó đã góp phần làm nên dấu ấn Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến...

Phố cổ Hà Nội trong ảnh của NSNA Lê Vượng.

Đề tài không bao giờ vơi cạn

Thật khó để liệt kê hết các tác phẩm văn học nghệ thuật có bóng dáng của đất và người phố cổ. Có lẽ phải từ rất lâu rồi, trong các câu ca dao, tục ngữ như: “Rủ nhau chơi khắp Long Thành/ Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai...”, hay “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”..., phố cổ đã hiện lên với đầy vẻ sầm uất, náo nhiệt  của chốn kinh kỳ cùng nếp sống, lối sống lịch thiệp, hào hoa...

Đi cùng với ca dao, tục ngữ, nhiều trang viết về Thăng Long xưa của các tác giả Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát... qua thời gian vẫn còn đọng lại đến ngày nay, cho thấy đó là những áng văn chương sang trọng, tài hoa, sâu lắng. Trong những trang văn ấy, phố cổ và người phố cổ hiện lên với vẻ thanh nhã, mực thước, nhân ái, nghĩa khí...

Sau này, khi đã có chút ít ảnh hưởng của văn hóa Pháp, phố cổ đã được các văn sĩ như Tô Hoài, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng... khắc họa quá đỗi lãng mạn. Đó là câu chuyện phố phường, chuyện dân sinh, ẩm thực Hà Nội xưa, đặc biệt là những thức quà đặc trưng mà chỉ riêng Hà Nội có trong cuốn sách “Hà Nội 36 phố phường”của Thạch Lam. Là tác phẩm nổi tiếng “Thương nhớ mười hai”, “Miếng ngon Hà Nội” của Vũ Bằng với những câu văn nhớ thương da diết: “Miếng ngon Hà Nội, vì thế, nhiều khi làm cho ta yêu Hà Nội thấm thía, nhớ Hà Nội nao lòng, làm cho ta cảm giác ta là người Hà Nội hơn...”.

Không thể không nhắc tới “Chuyện cũ Hà Nội” của Tô Hoài. Trong lời giới thiệu cuốn sách này, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đã viết: “Ba sáu phố phường, cái tàu điện, phố Hàng Đào, phố Hàng Ngang, tiếng rao đêm, cây hồ Gươm..., chỉ nêu vài tên bài như thế cũng thấy sự hiện diện đa dạng của nội thành đa đoan lắm chuyện. Phố Hàng Đào với những mợ hai “khinh khỉnh”, vàng ngọc đầy cổ đầy tay, phố Hàng Ngang với những chú tây đen thờ lợn, chủ hiệu vải sinh hoạt bí hiểm song cũng đa tình, Phố Mới có nhà cầm đồ Vạn Bảo “lột da” dân nghèo... Với vài nét ký họa, Tô Hoài đã vẽ được cái thần thái của một thành phố nghìn tuổi đang đô thị hóa gấp gáp trở thành nửa Tây nửa ta, nửa cũ nửa mới, nửa sang nửa quê...”.

Ở lĩnh vực hội họa, nhắc đến phố cổ, nhiều người nhớ đến tranh của Bùi Xuân Phái, thậm chí người ta cũng gọi phố cổ trong tranh của ông là "Phố Phái", với những ngôi nhà cũ kỹ, mái ngói rêu phong, những con phố giản dị mà thân thiết.

Bên cạnh Bùi Xuân Phái, nhiều họa sĩ khác cũng nổi tiếng khi vẽ về khu phố cổ Hà Nội. Đó là một phố cổ bay bổng lãng mạn trong tranh của họa sĩ Lê Văn Xương, một phố cổ lung linh trong “Phố trong đêm”, “Hàng Ngang vào xuân”, “Cửa Ô Quan Chưởng”... của họa sĩ Bùi Tằng Hoàn.

Đó là chưa kể các nhạc phẩm về phố cổ Hà Nội được khắc họa lung linh, lãng mạn qua các ca khúc của Đoàn Chuẩn, Từ Linh, Văn Cao... hay các tác phẩm nhiếp ảnh về phố cổ của Lê Vượng, Nguyễn Quang Phùng...

Tản văn “Ngồi lê đôi mách với Hà Nội” của nhà văn Đố Phấn và “Hà Nội 36 phố phường” của nhà văn Thạch Lam.

Để phố cổ mãi là “nàng thơ”

Theo thời gian, những sáng tác văn học nghệ thuật về phố cổ thời gian gần đây cũng mang những màu sắc mới. Cũng là vẽ về Hà Nội, miêu tả cái nhộn nhịp, tấp nập đông vui của Hà Nội nhưng họa sĩ trẻ Phạm Luận lại có cách thể hiện khác. Hà Nội trong tranh của anh là Hà Nội của thế kỷ XXI với vẻ hiện đại, hào nhoáng của thời công nghệ 4.0 với những chiếc xe SH, Spacy, những băng rôn vắt ngang qua phố, những cửa hiệu quần áo màu sắc lung linh... Dù vậy, những bức sơn dầu về Hà Nội của Phạm Luận vẫn tái hiện thành công sự tồn tại song hành của hiện đại và cổ xưa bằng những mảng màu nâu cổ kính pha lẫn sự mới mẻ của phố thị.

Sáng tác nhạc về đề tài phố cổ gần đây cũng có nhiều sự phá cách. Bên cạnh việc kế thừa sự lãng mạn trong cách nhìn cách cảm của các nhạc sĩ đi trước, với những bài hát gây ấn tượng cho người nghe như “Nồng nàn Hà Nội” (nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường), “Hà Nội mùa lá bay” (nhạc sĩ Dương Trường Giang), “Hà Nội 12 mùa hoa” (nhạc sĩ Giáng Son)..., còn có rất nhiều ca khúc được thể hiện theo phong cách mới. Một phố cổ khoác lên mình dáng vẻ rất trẻ, rất mới và thú vị qua những bản rap - thể loại âm nhạc “hot” đối với giới trẻ hiện nay.

Đó là những câu rap trẻ trung: “Hà Nội đây rồi/ Xỏ chân vào đôi giầy/ Đi qua 36 phố...” của  Rapper Richchoi (Lê Anh Đức), là “Người Hà Nội mềm mại như lụa, rực rỡ như bông đào giao thừa.../ Mang bản sắc Thủ đô từ dòng phù sa đắp vào bản giao hưởng...” của Rapper GTM (Trương Hoàng Long)...

Đội ngũ sáng tác, khảo cứu về Hà Nội tạo dấu ấn phố cổ đậm nét, như những gì mà các nhà văn như Nguyễn Việt Hà, Trần Chiến, Đỗ Phấn, Nguyễn Trương Quý... đã thể hiện. Với họ, phố cổ có một hấp lực rất  lớn. Các từ khóa như “phở”, “phố”, “người Hà Nội” xuất hiện rất nhiều trong các trang viết của các tác giả này, khắc họa lại một phố cổ xưa với ăm ắp nhớ thương và cả tiếng thở dài chua xót của một người bất đắc dĩ phải làm nhân chứng cho sự đổi thay của sự vật, con người Hà Nội.

Có lẽ cũng bởi vì tiếc nuối, vì nhớ thương, trân trọng những giá trị không chỉ đang hiện hữu mà cả những gì đã mất đi mà đề tài phố cổ vẫn trở đi trở lại trong các tác phẩm nghệ thuật về Hà Nội. Nhờ những tác phẩm ấy mà nhiều người chưa biết về phố cổ có thể hình dung ra phố cổ Hà Nội đặc sắc nhường nào. Nhờ tác giả, tác phẩm văn học nghệ thuật mà các thế hệ mai sau có nguồn tư liệu dồi dào để tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo phục vụ đời sống. Nhờ kho tàng văn hóa nghệ thuật đó mà hồn cốt Hà Nội hiện tại không bị cắt lìa với quá khứ, vẫn phô bày giá trị mà nhờ đó ngày càng có thêm những lớp người hiểu, yêu Hà Nội nhiều hơn.

Để khu phố cổ còn lưu giữ mãi giá trị truyền thống, là niềm cảm hứng vô tận cho giới sáng tác, rất cần sự chủ động, trách nhiệm của các cấp chính quyền và tâm huyết của văn nghệ sĩ Thủ đô trong việc bảo tồn giá trị về nhiều mặt của phố cổ Hà Nội.

Đó cũng là chia sẻ mà đạo diễn Đường Minh Giang chia sẻ tại tọa đàm nêu trên: “Hà Nội, phố cổ tồn tại dài lâu và trở thành đề tài bất tận của các văn nghệ sĩ là bởi nó đầy ắp bản sắc. Nhưng nếu phố cổ không được quan tâm, không gắn bó, không được đào xới, đúc kết, không gắn tên, thổi hồn để lan tỏa thể phách Hà Nội thì mãi mãi Hà Nội, phố cổ sẽ chỉ còn trong dĩ vãng...”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phố cổ - nguồn cảm hứng bất tận của văn học nghệ thuật: Góp phần bảo tồn, lan tỏa tinh hoa Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.