Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền: Khơi thông “điểm nghẽn” trong nông nghiệp

Bạch Thanh| 10/10/2022 07:06

(HNMO) - Thời gian tới thành phố sẽ tập trung tháo gỡ 6 “điểm nghẽn”, xây dựng một nền nông nghiệp đô thị mang bản sắc Thăng Long - Hà Nội, qua đó nâng năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, mang lại thu nhập cao cho người nông dân… Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi với Báo Hànộimới.

 Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền: Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa, Nông nghiệp Thủ đô cần phát huy nguồn lực trí tuệ, khoa học công nghệ và tài chính xây dựng các mô hình theo hướng liên kết, nâng cao giá trị.

Phát triển hệ sinh thái nông nghiệp nông thôn đa giá trị

- Giới chuyên gia cho rằng, Hà Nội có đủ thiên thời - địa lợi - nhân hòa để xây dựng nền nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái, ông đánh giá thế nào về nhận định này?

- Diện tích đất nông nghiệp lên đến 200.000 ha, chiếm 58,91% tổng diện tích, dân số khu vực nông thôn là 4,184 triệu người, chiếm 50,7% dân số Thủ đô… Khu vực nông thôn rộng lớn của Hà Nội mang nét đặc trưng không nơi nào có được, vừa là đất “trăm nghề” với nhiều sản phẩm có giá trị nghệ thuật, kỹ thuật cao, vừa là nơi lưu giữ một kho tàng di tích lịch sử văn hóa khổng lồ với hàng nghìn di tích, thắng cảnh… Đây là một hệ sinh thái đa giá trị, là nền tảng để Hà Nội hướng tới kinh tế xanh. Thế nên dù đóng góp không nhiều cho GDP nhưng kinh tế nông nghiệp, nông thôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững của thành phố.

Hà Nội đã phát triển được các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, trong đó có 22 vùng sản xuất rau an toàn.

Hà Nội có vùng bãi ven sông, vùng đồi gò và vùng đồng bằng, có thể phát triển đa dạng các loại hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch trải nghiệm… Là Thủ đô, Hà Nội  hội tụ nhiều trường đại học, viên nghiên cứu với những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp và là một thị trường rộng lớn cho nông sản chất lượng cao và các loại hình du lịch. Từ vùng núi Sóc Sơn, Ba Vì... đến vùng chiêm trũng Phú Xuyên, Ứng Hòa... nhiều làng quê đang tiến tới nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu với những không gian sinh thái đậm chất văn hóa và cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, hiện đại…

Hà Nội hiện có 25 vùng sản xuất lúa chất lượng cao.

Đây là tiền đề quan trọng để Hà Nội phát triển một nền nông nghiệp đô thị, một nền kinh tế xanh phù hợp với xu hướng phát triển đô thị trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

- Có thể nói, tiềm năng, lợi thế rất lớn nhưng phát triển chưa như mong muốn, vậy đâu là những điểm nghẽn mà nông nghiệp Thủ đô cần tháo gỡ?

- Thời điểm hiện tại, nông nghiệp, nông thôn Hà Nội đang chịu áp lực lớn từ quá trình đô thị hóa, các huyện Hoài Đức, Đông Anh, Đan Phượng… sẽ trở thành quận của thành phố trong tương lai không xa. Mặt khác, “điểm nhìn” về nông nghiệp đô thị, kinh tế nông thôn vẫn chưa định hình rõ nét ở nhiều địa phương. Thực tế phát triển đang đặt ra nhiều vấn đề, theo tôi có 6 “điểm nghẽn” cần quyết liệt “khơi thông” trong thời gian tới.

Thứ nhất là tình trạng nông dân bỏ ruộng, không sản xuất. Tốc độ đô thị hóa nhanh, việc quy hoạch, xây dựng các khu dân cư, khu công nghiệp tập trung và công trình hạ tầng kinh tế - xã hội đang trong quá trình xây dựng… dẫn đến một số diện tích đất nông nghiệp bị chia cắt, nhiều tuyến kênh mương, thủy lợi nội đồng bị ách tắc không phục vụ được tưới, tiêu... là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên. Mặt khác, đất công ích sau dồn điền, đổi thửa thường là những diện tích canh tác không hiệu quả nên khó thực hiện việc cho thuê khoán.

Hà Nội đã có 10 vùng sản xuất hoa tập trung.

Thứ hai là sự chuyển dịch mạnh mẽ lực lượng lao động trẻ từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp, xây dựng, dịch vụ… đã tác động trực tiếp đến lực lượng lao động sản xuất. Trong đó phải kể đến tình trạng “già hóa” lực lượng sản xuất nông nghiệp, thiếu lao động vào thời vụ sản xuất…

Thứ ba là tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa có sức cạnh tranh cao. Sản xuất chủ yêu mang tính nông hộ manh mún, tự phát; tích tụ ruộng đất gặp nhiều khó khăn; chi phí sản xuất tăng cao… Những năm gần đây, biến đổi khí hậu khiến thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi có xu hướng diễn biến phức tạp, người nông dân phải đối mặt nhiều thách thức, rủi ro… trong khi giá trị từ sản xuất nông nghiệp thấp hơn so với các lĩnh vực kinh tế khác nên không người nông dân không mặn mà với sản xuất nông nghiệp.

Thứ tư là áp lực từ chất lượng môi trường. Lượng chất thải từ các hoạt động chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản... ngày càng tăng nhưng chưa được quản lý và xử lý triệt để. Nước thải (phần lớn không qua xử lý) từ các khu dân cư, cụm công nghiệp, làng nghề, trang trại chăn nuôi xả trực tiếp ra hệ thống kênh, mương gây ô nhiễm môi trường.

Hướng phát triển của Hà Nội trong thời gian tới là đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông
minh.

Thứ năm là cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế; tỷ lệ nông sản được chế biến sâu, chế biến tinh còn thấp; công nghệ bảo quản sau thu hoạch chưa đáp ứng được nhu cầu nâng cao năng lực sản xuất và xử lý tình huống mùa vụ; việc sử dụng các phế phẩm, phụ phẩm chưa được quan tâm đúng mức; công nghiệp hỗ trợ để hoàn thiện sản phẩm chậm phát triển...

Thứ sáu là chưa có nhiều cơ chế chính sách mang tính đột phá, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến...

Tiềm năng lợi thế phải trở thành nguồn lực, động lực

- Thành phố có những định hướng, giải pháp nào để hóa giải những khó khăn, thách thức biến những lợi thế riêng có của Thăng Long – Hà Nội trở thành động lực phát triển Nông nghiệp Thủ đô - thưa ông?

- Tôi đã thăm một nông hộ trồng mận ở Sơn La. Chưa kể công gieo trồng, chăm sóc, riêng chi phí thuê thu hoạch đã mất 5.000 đồng một cân nhưng chỉ bán được 3.000 đồng. Khi chuyển sang mô hình sản xuất gắn với dịch vụ du lịch, mỗi cân mận bán được 15.000 đồng. Nói câu chuyện này để thấy, sản xuất nông nghiệp là nền tảng nhưng cần lồng ghép các hoạt động kinh tế khác. Từ các vùng nông nghiệp chuyên canh gắn với việc xây dựng thương hiệu, phát triển du lịch…, giá trị sản xuất sẽ nâng lên rất nhiều. Hà Nội sẽ lựa chọn đầu tư bài bản cho các mô hình nông nghiệp theo hướng chuyên sâu phù hợp với khả năng tích tụ đất đai của thành phố...

Hà Nội hiện đang nở rộ các mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, khiến các làng quê ngoại thành ngày
càng đáng sống.

Nông dân Hà Nội rất giỏi nhưng nếu chỉ sản xuất “sạch” và bán sản phẩm cho tư thương thì vẫn khó có thể làm giàu. Thành phố khuyến khích nông dân khai thác thế mạnh từ nông nghiệp để phát triển du lịch cộng đồng hướng tới hai mục tiêu: Khu vực nông thôn sẽ là không gian thư giãn cuối tuần của người nội đô và là những miền quê đáng sống của chính cư dân sở tại.

Hà Nội cũng đang từng bước hình thành những vùng cây giống chất lượng cao (cây ăn quả, hoa cây cảnh, cây đô thị...) đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị xanh của Thủ đô và các tỉnh, thành phố. Các vùng sản xuất nông nghiệp được đầu tư về công nghệ và tài chính sẽ trở thành những trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái phát triển vững chắc. Ví dụ: Gia Lâm có thể hình thành khu nhà vườn công nghệ cao, nơi cung ứng giống cây trồng cho cả khu vực; Mê Linh sẽ trở thành “thủ phủ” của hoa cây cảnh; Sóc Sơn, Ba Vì, Thường Tín... là miền đất của nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm cao cấp…

- Vậy đâu là nhiệm vụ cần tập trung thực hiện thưa ông?

- Nhiều vấn đề đang đặt ra từ thực tiễn. Đơn cử như quỹ đất công ích 5% của các địa phương chưa sử dụng đang cho các hộ dân thuê lại để sản xuất nông nghiệp có thời hạn 5 năm và chỉ được sử dụng để trồng cây, nuôi trồng thủy sản… Nghĩa là nông dân không được xây dựng bất kỳ công trình nào trên diện tích này. Nếu cứng nhắc như vậy, sản xuất nông nghiệp sẽ không hiệu quả, nhưng để nông dân xây dựng chuồng trại chăn nuôi... sẽ sai quy định, thành ra buông lỏng quản lý.

Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa, Nông nghiệp Thủ đô cần phát huy nguồn lực trí tuệ, khoa học công nghệ và tài chính xây dựng các mô hình theo hướng liên kết, nâng cao giá trị. Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy hoạch, lấy ý kiến tham vấn đề xuất các cơ quan chức năng điều chỉnh, sửa đổi Luật Thủ đô, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp. Lãnh đạo thành phố luôn trăn trở làm sao để Nông nghiệp Thủ đô phát huy được thế mạnh đặc trưng của Thăng Long - Hà Nội và có những bứt phá mới và trở thành điển hình của cả nước về khoa học, công nghệ, chất lượng sinh thái… Không có lý gì ở một vùng đất đai màu mỡ, người dân chăm chỉ lao động, có thị trường tiêu thụ lớn, có nguồn lực đầu tư, có đội ngũ chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp mà lại không có sự bứt phá. Tôi tin tưởng rằng, nếu giải quyết được những “điểm nghẽn” nêu trên, bức tranh nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Hà Nội sẽ thay đổi một cách rõ nét và sớm trở thành hình mẫu lý tưởng về phát triển nông nghiệp gắn với đô thị hóa nông thôn.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Hà Nội đã phát triển được các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, trong đó có 22 vùng sản xuất rau an toàn, 25 vùng sản xuất lúa chất lượng cao, 14 vùng sản xuất cây ăn quả, 10 vùng sản xuất hoa, cây cảnh, 5 vùng sản xuất chè...; 76 xã chăn nuôi trọng điểm, 20 vùng nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền: Khơi thông “điểm nghẽn” trong nông nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.