(HNMCT) - Sau một thời gian im lìm vì đại dịch Covid-19, giờ đây, nhiều bộ phim Việt lại nối đuôi nhau ra rạp. Không khí sôi động của điện ảnh đang trở lại hay đó mới chỉ là những bộ phim, dự án “cất kho” nay được đưa ra? Điện ảnh nước nhà đang có dấu hiệu phục hồi, vượt qua những khó khăn, mất mát hay chỉ đang đi ngang cùng với những khó khăn của nền kinh tế?
Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn:
Uy tín trong kêu gọi đầu tư cho điện ảnh chưa cao
Điện ảnh nước nhà năm nay phần lớn là những bộ phim doanh thu mức trung bình. Những bộ phim thất bại về doanh thu phòng vé thường có nội dung chưa hấp dẫn, không thuyết phục được người xem. Những bộ phim được đầu tư một cách chỉn chu về kịch bản đã có thể gặt hái thành công nhất định, ví dụ như phim “Đêm tối rực rỡ” của đạo diễn Aaron Toronto. Bộ phim ấy không có diễn viên nổi tiếng, không truyền thông marketing, thuần túy là phim độc lập. Rõ ràng đó là điều rất đáng để suy ngẫm. Trong khi có những phim làm rất “ầm ĩ”, với sự góp mặt của ngôi sao nhưng doanh thu lại rất thấp. Người ta thường nói “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, chỉ có những bộ phim “tốt gỗ” mới tạo ra hiệu ứng truyền miệng để tăng doanh thu.
Ngành Điện ảnh chưa thu hút được nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài nên lượng vốn đầu tư cứ xoay vòng trong phạm vi hẹp, không có nhiều vốn “bơm vào” để mở rộng sản xuất. Đây là vấn đề của ngành Điện ảnh trong những năm gần đây. Tôi lấy ví dụ, với một bộ phim có mức đầu tư chi phí sản xuất trung bình khoảng 17 tỷ, chúng tôi thường chia nhỏ thành các gói cổ phần 5%, 10%. Nếu 5% thì khoảng 800 - 900 triệu, không phải là khoản vốn đầu tư quá lớn với các nhà đầu tư, và thậm chí còn có thể chia nhỏ vốn đầu tư hơn nữa. Nhưng, tại sao cũng là nhà đầu tư cá nhân, họ sẵn sàng bỏ vài tỷ đồng vào thị trường chứng khoán và có thể mất khá nhiều tiền vào việc đó nhưng nếu đề nghị đầu tư cho điện ảnh thì họ sẽ nghi ngại. Mặc dù việc đầu tư làm phim là một hoạt động sản xuất kinh doanh rất bình thường, nhưng cách mà ngành Điện ảnh vận hành trong những năm vừa qua có nhiều khoảng xám, không minh bạch. Uy tín chưa cao nên khó huy động các nguồn lực trong xã hội.
Nhà sản xuất Hoàng Quân:
Chờ một cú bùng nổ
Ngày 31-12-2021 là thời điểm chúng tôi quyết định ra rạp bộ phim “Rừng thế mạng” sau nhiều lần dời lịch chiếu. Với việc có nhiều bộ phim bị dời lịch chiếu, việc lựa chọn thời điểm phát hành là yếu tố mang tính quyết định.
Thực tế đã chứng minh rằng khán giả vẫn yêu phim điện ảnh Việt, mặc dù đối với phim trong nước họ khó tính hơn. Nhưng tôi tin, sự khắt khe ấy sẽ tạo áp lực để các nhà làm phim trong nước làm tốt hơn. Tôi tin rằng, mỗi bộ phim đều có số phận của nó. Bạn không thể biết rằng đâu là thời gian tốt nhất để phát hành bộ phim bởi có rất nhiều biến số ở thời điểm ấy. Một bộ phim nói riêng và một thị trường điện ảnh nói chung phải có sự cạnh tranh thì mới phát triển. Tôi có niềm tin về sự phát triển của thị trường cũng như sự đón nhận của khán giả. Nhưng câu chuyện của điện ảnh là câu chuyện đường dài. Chúng ta hãy nhìn ra thị trường khác trong khu vực và trên thế giới để thấy được rằng, thị trường điện ảnh Việt vẫn còn nhiều đất diễn. Khán giả trong nước vẫn còn rất nhiều người chưa được làm quen với trải nghiệm xem phim tại rạp.
Tôi nhận ra được việc các nhà làm phim rất cần rạp chiếu. Có những thông tin về việc rạp ép suất chiếu của phim Việt hoặc phim Việt phải cạnh tranh với phim nước ngoài. Nhưng ngay từ khi bắt đầu mùa dịch, tôi nhận thấy sự kết nối rất rõ ràng giữa các nhà phát hành. Lần đầu tiên có sự kiện các nhà phát hành ngồi lại với nhau và thuyết phục nhà làm phim Việt đưa tác phẩm ra rạp. Đó là sự thay đổi trong cách nhìn về hợp tác: Không chỉ phim Việt cần ra rạp mà các rạp chiếu cũng cần phim. Sau hai năm đại dịch, tôi cũng thấy rõ xu hướng xem phim của khán giả đã thay đổi. Có những bộ phim phù hợp với nền tảng trực tuyến, truyền hình hoặc cũng lại có những bộ phim phù hợp với nền tảng chiếu rạp, nhưng khán giả cũng nhận ra có những trải nghiệm duy nhất, độc đáo chỉ có ở rạp mà thôi. Tuy vậy, chúng tôi vẫn đang chờ một cú bùng nổ, chờ đợi tác phẩm đủ sức hấp dẫn để lôi kéo khán giả ùn ùn tới rạp.
Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm:
Chúng ta có quyền kỳ vọng nhiều hơn
Thế giới đang đối diện với rất nhiều thách thức sau dịch Covid 19, phải chứng kiến nhiều cú “ngã ngựa”. Doanh thu hằng năm của Hollywood phải mất rất nhiều năm để đạt tới con số 11 tỷ USD mỗi năm tại thị trường Bắc Mỹ nhưng trong những năm đại dịch Covid-19, doanh thu ấy đã rơi xuống còn 3 - 4 tỷ USD. Ngay cả các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc cũng như vậy. Việt Nam không thể nằm ngoài xu thế đó. Thế nhưng, khi tình hình dịch bệnh Covid đã được kiểm soát, có một điều ngạc nhiên là điện ảnh thế giới phục hồi khá nhanh với sự xuất hiện đa dạng dòng phim đủ sức chinh phục khán giả.
Thị trường Việt Nam chậm hơn một chút, nhưng đã bắt đầu có những cơn sốt phòng vé. Mặc dù chưa có những bộ phim đạt doanh thu ấn tượng như hồi trước đại dịch nhưng chúng ta cũng có một số bộ phim gây được tiếng vang, có doanh thu tốt, như “Bẫy ngọt ngào”, “Chìa khóa trăm tỷ”, “Nghề siêu dễ”, và gần đây nhất là “Em và Trịnh” - bộ phim tạo được hiệu ứng truyền thông đa chiều, làm cho khán giả quan tâm trở lại với điện ảnh, tạo ra những cuộc bàn luận sôi nổi trên mạng xã hội.
Đầu tư điện ảnh như một canh bạc! Là người theo dõi điện ảnh Việt Nam hơn 20 năm qua, tôi thấy tỷ lệ thất bại là 8/10. Những trường hợp thành công khá hiếm hoi nhưng cũng góp phần kích thích thị trường điện ảnh. Làm phim thị trường, tốt thôi. Nhưng sau những màn giải trí thì cũng cần có điều gì đó để chúng ta suy ngẫm, làm cho tâm hồn chúng ta giàu có hơn, muốn sống tốt hơn. Đa số phim mới dừng ở mức mua vui, chưa có những điều làm chúng ta lay động, tôn vinh vẻ đẹp văn hóa, con người Việt Nam.
Trong quá khứ, điện ảnh Việt Nam có khá nhiều bộ phim gây tác động về mặt xã hội theo hướng tích cực. Đó là những bộ phim của Nhà nước làm thay đổi cảm quan xã hội, như “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Mùa ổi”, “Thương nhớ đồng quê” của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Những tác phẩm điện ảnh ấy mang đến suy nghĩ về thân phận con người, về văn hóa Việt Nam. Hay như những bộ phim của đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng: “Mùi đu đủ xanh”, “Xích lô”, “Mùa hè chiều thẳng đứng” đã đánh thức cảm quan về cái đẹp.
Bộ phim “Mùa len trâu” của Nguyễn Võ Nghiêm Minh hay “Song Lang” của đạo diễn Leon Lê, khi xem xong khiến chúng ta thấy yêu Việt Nam quá. Tôi nghĩ rằng, những bộ phim giải trí cần được nâng tầm để tôn vinh vẻ đẹp con người, văn hóa nước nhà. Bên cạnh đó, cũng cần có những bộ phim nghệ thuật, phim độc lập, tôn vinh phong cách cá nhân tác giả. Khán giả cũng nên chọn những bộ phim ấy để xem, để thấy rằng điện ảnh nước nhà cũng đa dạng chứ không chỉ một màu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.