(HNMCT) - Bộ phim Về nhà đi con đang đi đến hồi kết, dần khép lại trong sự tiếc nuối của khán giả truyền hình. Thành công của bộ phim đã thêm một ví dụ về việc đi đúng hướng của dòng phim truyền hình có đề tài gia đình của Việt Nam thời gian gần đây.
Phim đã gần với đời
Trên trang facebook cá nhân, NSƯT Trung Anh chia sẻ khi làm phim Về nhà đi con, các thành viên trong đoàn làm phim đã khóc rất nhiều vì đồng cảm với nhân vật trong phim, thậm chí ông còn gọi diễn viên Bảo Thanh, một trong 3 nữ chính trong phim là “nữ hoàng nước mắt”.
Nhưng không chỉ diễn viên khóc, mà trên fanpage của bộ phim cũng như nhiều diễn đàn, khán giả thừa nhận họ đã khóc khi xem bộ phim này, thậm chí có độc giả còn gọi đây là “siêu phẩm của truyền hình Việt”. Về nhà đi con chinh phục người xem bởi câu chuyện gần gũi với đời sống hiện đại, lối diễn xuất thật, tự nhiên cũng như phần thoại hợp lý.
Phim xoay quanh những câu chuyện rất đời, là sự lo lắng của ông bố đơn thân cho cuộc sống của 3 cô con gái ở 3 hoàn cảnh khác biệt: Cô út 19 tuổi cá tính như con trai, cô thứ hai chưa chồng với nhiều tham vọng về cuộc sống giàu sang và cô cả nhu mì truyền thống nhưng lại vớ phải anh chồng cờ bạc. Nhưng không giống những bộ phim trước đây, khán giả không thấy ở đó sự áp đặt về mặt tính cách. Cả bộ phim là hành trình để thấu hiểu, cảm thông của những thành viên trong gia đình, của những ông bố, bà mẹ ý thức rất rõ khoảng cách thế hệ, cũng như không né tránh khi đề cập đến những vấn đề của giới trẻ hiện nay bằng ngôn ngữ, hội thoại của tuổi trẻ. Nhiều bậc cha mẹ tìm thấy nỗi lòng của mình qua bộ phim và nhiều khán giả trẻ cũng cho biết họ dường như thấy bóng dáng mình, cảm xúc đời sống của mình qua từng nhân vật.
Về nhà đi con cũng đang là bộ phim có lượng người xem (raiting) cao nhất trên sóng VTV. Mặc dù nhiều khán giả than thở về việc phim bị “băm nát” bởi quảng cáo, tuy nhiên đó lại chính là thước đo về lượng người xem “khủng” của bộ phim. Và thay vì 68 tập như công bố ban đầu của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam (VFC), bộ phim sẽ tăng thời lượng lên tới 82 tập. Nhiều dự án trước đây như Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử cũng từng làm điều này vì độ “hot” của phim cũng như nhằm đáp ứng nhu cầu của khán giả.
Bí quyết “chiều” khán giả
Không chỉ với màn ảnh nhỏ Việt Nam mà trên thế giới, đề tài gia đình luôn chiếm tỷ lệ khá lớn trong dòng phim truyền hình. Tuy nhiên, đây cũng là đề tài dễ bị rơi vào “bẫy nhàm chán” nhất bởi những câu chuyện, tình huống thường quen thuộc, lặp lại, chưa kể dễ bị áp đặt tâm lý số đông vào nhân vật khiến nhân vật chưa nói, chưa hành động khán giả đã đoán được kết cục.
Về nhà đi con có nội dung không mới - lấy cảm hứng từ một bộ phim gia đình rất thành công năm 2013 là Khi người đàn ông góa vợ bật khóc - nhưng vẫn có thể hấp dẫn, đó là nhờ vào một ê kíp làm phim theo hướng rất mở. Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng chia sẻ: “Chúng tôi muốn làm bộ phim mang yếu tố chân thực nhẹ nhàng, càng giản dị càng tốt để khán giả xem có thể thấy bóng dáng mình đâu đó trong phim. Chúng tôi phải đặt mình vào khán giả xem họ muốn gì, thích gì chứ không áp đặt”.
Để đặt được mình vào khán giả, cả đoàn phim từ biên kịch, đạo diễn, diễn viên phải trao đổi với nhau rất kỹ và sáng tạo thêm ngay tại trường quay, cả tình huống lẫn lời thoại. Tính cách các nhân vật cũng thay đổi, bồi đắp khá nhiều so với kịch bản gốc. Lời thoại của diễn viên cũng không sát theo kịch bản mà được xử lý linh hoạt, tự nhiên nhất. Phim được làm theo hình thức cuốn chiếu nên cũng dễ nắm bắt được cảm nhận của khán giả để điều chỉnh.
Biên kịch Nguyễn Thu Thủy, người đứng sau thành công của rất nhiều bộ phim truyền hình thời gian gần đây như Ngày ấy mình đã yêu, Lập trình cho trái tim, Tuổi thanh xuân, Zippo, mù tạt và em..., gần đây là Quỳnh búp bê, Chạy trốn thanh xuân cũng cho rằng, một trong những điều giúp các bộ phim gần đây hấp dẫn hơn là nhờ thay đổi cách làm. Chị chia sẻ: “Trước đây, cách thức làm việc của các biên tập thường là viết kịch bản xong là xong, chúng tôi có khi còn chẳng biết mặt mũi bộ phim như thế nào. Nhưng cách làm hiện nay của VFC rất khác. VFC là một guồng máy mà các bộ phận đều liên kết và tương tác với nhau. Là biên tập, tôi phải bám dự án từ đầu đến cuối, luôn tương tác hỗ trợ khi sản xuất và xem phim nháp khi cần, vì chúng tôi là người chịu trách nhiệm cuối cùng về mặt nội dung”.
Thành công của Về nhà đi con đã nối dài hơn thành công của những bộ phim về đề tài gia đình do Việt Nam thực hiện thời gian gần đây, cùng với Sống chung với mẹ chồng, Cả một đời ân oán, Gạo nếp gạo tẻ, Nàng dâu order... Nói như biên kịch Nguyễn Thu Thủy: “Đề tài gia đình sẽ mãi là cơ hội, cũng là thách thức của người làm nghề. Chất liệu luôn sẵn có, luôn ắp đầy, nhưng có làm hay được hay không, có tạo được sự đồng cảm hay không lại là chuyện khác”. Và với cách làm “đồng sáng tạo”, từ biên kịch, đạo diễn, diễn viên và lắng nghe ý kiến khán giả như hiện nay, có vẻ như truyền hình Việt đang đi đúng hướng, để tạo ra những bộ phim mang tính “quốc dân” về một đề tài không bao giờ nhàm chán.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.