(HNM) - Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 12 diễn ra từ ngày 3 đến 12-6, đem đến cho khán giả Thủ đô 20 bộ phim của 10 quốc gia châu Âu và chủ nhà Việt Nam. Thêm một lần nữa, những nhà làm phim tài liệu Việt Nam được gặp gỡ, trao đổi với các nền điện ảnh phát triển để học hỏi, đổi mới nhằm vươn xa hơn trong tương lai.
Món ăn tinh thần hấp dẫn
Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam là hoạt động thường niên do Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương phối hợp với Hiệp hội các Viện Văn hóa và các đại sứ quán châu Âu tại Việt Nam (EUNIC) tổ chức, đã bền bỉ đưa phim tài liệu đến công chúng Việt Nam nhiều năm qua và dần trở thành món ăn tinh thần hấp dẫn không thua kém các thể loại điện ảnh khác.
Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội, Chủ tịch EUNIC Wilfried Eckstein cho rằng, ưu thế lớn nhất của phim tài liệu là nền tảng nghiên cứu và tinh thần báo chí. Phim tài liệu được truyền nhựa sống từ hơi thở chân thực của nhân vật, từ những tình huống, bối cảnh và gặp gỡ muôn hình, muôn vẻ diễn ra trong quá trình làm phim, qua đó khơi gợi sự hứng thú với đề tài được bàn luận trong phim.
Những nhà làm phim tài liệu châu Âu đem đến liên hoan năm nay 10 tác phẩm đặc sắc, đều đã được đề cử hoặc nhận giải tại các liên hoan phim danh tiếng quốc tế. Công chúng Việt Nam được khám phá những rặng núi tuyệt đẹp của nước Áo trong phim “Hãy cứu xóm làng”, được đến Czech gặp những người thợ mỏ tham gia chương trình tái đào tạo để trở thành kỹ thuật viên công nghệ thông tin trong phim “Chuyển hướng mới”, hay tận hưởng một đêm tại Venice (Italia) trong phim “Phân tử”. Người yêu nhạc thì được trải nghiệm câu chuyện hấp dẫn qua phim “Helmut Lachenmann - Con đường của tôi” (Đức), “Omega” (Tây Ban Nha). Nhiều vấn đề thời sự toàn cầu có thể thấy ở các bộ phim “Vương quốc bất định” (Anh), “Cậu bé Samedi” (Wallonie Bruxelles - Bỉ)... Đặc biệt, ở các phim “Trong từng phút giây” (Pháp), “Công dân Nobel” (Thụy Sĩ), người xem bắt gặp sự đồng điệu với đời sống Việt Nam.
Nước chủ nhà mang đến liên hoan 10 bộ phim đều là những tác phẩm mới sản xuất, dù ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, với đề tài đa dạng. Có thể kể đến các phim đậm nét văn hóa, như: “Mẫu Liễu Hạnh”, “Mạn đàm trà Việt”, “Những người kể chuyện phố cổ Hà Nội”, “Đình làng Bắc Bộ”; về đời sống nghệ thuật có: “Hai bàn tay”, “Phía sau ánh hào quang”…
Là một khán giả lâu năm của phim tài liệu, chị Phạm Thùy Linh (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Các phim tài liệu năm nay rất gần gũi, thời sự. Phim của châu Âu đề cập vấn đề trực diện, thẳng thắn, khiến người xem sửng sốt. Phim của Việt Nam có nhiều câu chuyện cảm động, dễ đi vào lòng người”.
Để phim tài liệu ngày càng phổ biến
Năm nay, các phim tài liệu của Việt Nam tiếp tục được chiếu bên cạnh các tác phẩm của châu Âu, thể hiện sự gặp gỡ, giao lưu, song cũng để khán giả và những người làm phim nước nhà so sánh. Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Như Vũ, đồng đạo diễn phim “Mạn đàm trà Việt” đánh giá, so với những năm đầu, hiện giờ, đứng cạnh phim tài liệu châu Âu, tác phẩm của Việt Nam không còn quá chênh lệch.
“Việc thưởng thức phim của các nước bạn, tham gia lớp đào tạo, trao đổi chuyên môn với các nhà làm phim châu Âu trong những kỳ liên hoan vừa qua, giúp giới nghề nước nhà học hỏi, tiến bộ và tạo nên những bộ phim tài liệu hấp dẫn hơn. Trong kỳ liên hoan này, đã có phim Việt Nam được thực hiện theo phong cách châu Âu, như cách kể gần gũi, không sử dụng lời bình, để hình ảnh và nhân vật tự lên tiếng, dẫn dắt câu chuyện. Có nhiều phim dài tới 50-80 phút, thay vì trên dưới 30 phút như trước đây”, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Như Vũ cho biết.
Chia sẻ về hướng phát triển phim tài liệu tại các nước châu Âu, Bí thư Thứ nhất Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam Oriol Sola Pardell cho hay, phim tài liệu ở quốc gia này trở nên phổ biến hơn nhờ các ứng dụng xem phim trên nền tảng số. Bà Vũ Thị Thùy Dương, Trợ lý Thứ nhất, Phụ trách các dự án Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam thông tin, ở Bỉ, các nhà làm phim tài liệu thường tìm nhiều nhà sản xuất trong nước hoặc các nhà đồng sản xuất ở các quốc gia, khu vực khác. Nhờ đó, các phim tài liệu được chiếu rộng rãi tại nhiều quốc gia, được nhiều đối tượng khán giả đón nhận hơn.
Bên cạnh đó, hằng năm, tại các quốc gia châu Âu, có nhiều giải thưởng dành cho thể loại phim tài liệu để ghi nhận và khuyến khích các nhà làm phim tham gia sáng tạo, nhất là lực lượng trẻ, từ đó tạo sự mới mẻ, đột phá cho thể loại này. Phim tài liệu Việt Nam cũng đã có những bước chuyển, với sự góp mặt của các đạo diễn trẻ. Tại liên hoan lần này, ngoài Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Như Vũ là gương mặt kỳ cựu, hầu hết các phim đều do đạo diễn trẻ thực hiện. Có thể kể đến Đỗ Huyền Trang với phim “Những vùng đất hồi sinh” hay Đặng Thị Linh với phim “Hai bàn tay” đều có cách kể mới mẻ, hấp dẫn.
Tuy nhiên, để phim tài liệu Việt Nam phổ biến và có sức lan tỏa hơn, theo Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương Nguyễn Quang Tuấn, người làm phim phải hướng đến nhu cầu của khán giả để tìm tòi, đổi mới đề tài. Bên cạnh việc phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức những liên hoan phim tài liệu nhằm nắm bắt thị hiếu khán giả, Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương đang tích cực hợp tác, kêu gọi đầu tư để thực hiện các bộ phim tài liệu chiếu rạp thương mại, mở rộng thị trường…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.