(HNMO) - Lễ bế mạc và trao giải Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 40 diễn ra vào tối 16-12 với 38 giải Vàng, 63 giải Bạc, 109 Bằng khen được trao. Trong đó, bộ phim "Sinh tử" của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam giành giải Vàng ở 2 hạng mục là Phim truyền hình và Nam diễn viên chính xuất sắc nhất.
Đồng chí Trần Bình Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam chia sẻ, liên hoan năm nay, 422 tác phẩm dự thi ở 9 thể loại chương trình đa phần có tính báo chí cao, bám sát vào dòng thời sự lớn của đất nước và góp phần phản ánh rất rõ thực tế tác nghiệp ở nhiều địa phương. Số lượng tác phẩm dự thi tuy không bằng các kỳ liên hoan trước, nhưng chất lượng và cách thức thể hiện có nhiều tín hiệu khởi sắc. Nhiều tác phẩm mang lại giá trị cao dù chi phí đầu tư thấp.
Sau quá trình chấm giải, Ban tổ chức đã quyết định trao 38 giải vàng. Trong đó đáng chú ý, có 2 giải Vàng dành cho phim truyền hình được trao cho các phim: "Sinh tử" (Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam), phim "Kẻ sát nhân cô độc" (Hãng phim Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh). Cùng với đó, Ban tổ chức trao giải Vàng Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho Việt Anh phim "Sinh tử" và Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho Ngọc Lan phim "Luật trời" (Công ty Truyền thông TK-L).
Giải Vàng ở thể loại phóng sự được trao cho "Cô giáo Mường toàn cầu" (Trung tâm Truyền hình Nhân Dân) và "Nhức nhối vấn nạn khai thác khoáng sản trái phép ở các tỉnh Tây Nguyên" (Truyền hình Công an nhân dân - ANTV).
Giải Vàng thể loại Chương trình ca múa nhạc trao cho 3 tác phẩm: "Nơi ấy là mặt trời" (Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh), "Lời nói dối cuối cùng" (Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội), "Nắng lên bên mẹ" (Ban Văn nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam).
Giải Vàng thể loại Chương trình sân khấu trao cho "Sự khởi đầu mới" (Ban Văn nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam) và vở cải lương "Án tử" (Hãng phim Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh).
Giải Vàng ở thể loại phim tài liệu trao cho 6 tác phẩm: "Món quà kỳ diệu" (Đài Phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên - Huế), "Không hối tiếc" (Hãng phim Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh - TFS), "Ta đăng - Đăng nưm" (Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số, Đài Truyền hình Việt Nam), "Những đứa con làng Chăm" (Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực Nam Bộ), "Ra biển lớn" (Hãng phim Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh - TFS), "Những giải mã mang tên Việt Nam" (Trung tâm Phim tài liệu và phóng sự - Đài Truyền hình Việt Nam).
Giải Vàng ở thể loại Chương trình chuyên đề - khoa giáo trao cho 6 tác phẩm: "Kỹ thuật nuôi hàu giống" (Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình), "Ép ngọt thành mặn" (Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An), "Đối mặt với thiên tai" (Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa), "Cô na phòng Covid" (Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh), "Màu hy vọng" (Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam), "Miền Tây không lũ" (Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực Nam Bộ).
Giải Vàng thể loại truyền hình tiếng dân tộc thiểu số trao cho: "Vẫn nóng chuyện tảo hôn ở đồng bào Mông" (Đài Phát thanh và Truyền hình Điện Biên), "Nhận diện Pa-dâu" (Truyền hình CAND - ANTV), "Nghĩa tình IA Lâu" (Đài Phát thanh và Truyền hình Gia Lai), "Rộn ràng tiếng nhạc Pin Piet" (Đài Phát thanh và Truyền hình Sóc Trăng), "Người Chăm gắn với văn hóa biển" (Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Thuận).
Thể loại Đối thoại - Tọa đàm, giải Vàng được trao cho các tác phẩm: "Vì niềm tin, vì hạnh phúc" (Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh), "Ký ức hòa bình" (Ban Thanh thiếu niên, Đài Truyền hình Việt Nam), "Tổ quốc ghi công" (Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội).
Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trao giải cho 14 tác phẩm xuất sắc về đề tài dân tộc miền núi, 63 giải Bạc và Bằng khen cho 109 tác phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.