(HNM) - Năm 2010, kịch bản phim Việt Nam liên tục bị phát hiện là "hàng nhái" hoặc có tranh chấp bản quyền. Đặc biệt là nghi án phim điện ảnh "Giao lộ định mệnh" nhái phim nước ngoài, "Cô dâu đại chiến" nhái phim truyền hình và sự tranh chấp bản quyền kịch bản phim "Khát vọng Thăng Long"…
Cảnh trong phim “Cô dâu đại chiến”. |
Với phim truyền hình, việc “làm lại” phim nước ngoài đã là “chuyện thường ngày”. Vì họ có được hai “kênh” khuyến khích: Một là mua bản quyền kịch bản phim nước ngoài (Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc…), sau đó “Việt hóa” như đối với các phim: “Cô gái xấu xí”, “Những người độc thân vui vẻ”, “Anh em nhà bác sĩ”, “Ngôi nhà hạnh phúc” và gần đây nhất là “Những nàng công chúa nổi tiếng”; hai là lấy phim nước ngoài, dịch rồi chuyển thành kịch bản Việt Nam, tạo nên những bộ phim na ná của nước ngoài như “Cho một tình yêu” vừa lên sóng vài tập đã bị nghi là copy 70% kịch bản của phim truyền hình Đài Loan - Trung Quốc năm 2007 “Corner with love”, rồi “Sắc đẹp và danh vọng” giống “Sắc đẹp vĩnh cửu” của Hồng Kông - Trung Quốc…
Phim truyền hình là thế, nhưng với phim điện ảnh Việt Nam thì việc nhái hay “đạo” từ trước tới nay rất ít xảy ra. có nhiều yếu tố để khó mà “đạo” được như số phim hằng năm sản xuất ít, vì các nhà làm phim “quá quen mặt”. Ít phim là bởi vì các nhà viết kịch bản phim Việt giờ đây ngại viết kịch bản điện ảnh, chuyển sang viết kịch bản truyền hình “ăn” hơn… Nghi án phim “Giao lộ định mệnh” (kịch bản Victor Vũ - Hồng Phúc, do Saiga Films và Star Media Group sản xuất, đạo diễn Victor Vũ), bị truyền thông Việt Nam phát hiện là “nhái” phim “Shattered “ của Mỹ, có thể là lần đầu tiên đối với phim điện ảnh Việt Nam. Nghi án này đến nay chưa có câu trả lời chính thức, song việc BTC Cánh diều 2010 (Hội Điện ảnh Việt Nam) phải đưa “Giao lộ định mệnh” ra khỏi danh sách dự giải cũng là sự thể hiện quan điểm của giới chuyên môn trước công chúng.
Cảnh trong phim “Khát vọng Thăng Long”. |
Sự kiện này khiến ta phải nghiêm túc nhìn nhận câu chuyện gốc rễ là thiếu kịch bản hay cho phim Việt. Về vấn đề này, Hànộimới có cuộc trò chuyện với hai nhà văn, cũng là hai cây bút đóng góp nhiều kịch bản cho phim điện ảnh Việt Nam: Nhà văn Nguyễn Quang Sáng và nhà thơ Văn Lê.
- Thưa ông, quan điểm của ông trong vấn đề “đạo” - “nhái” phim, kịch bản của người khác như thế nào?
- Nhà thơ Văn Lê: Tôi còn nhớ một câu nói của nhà văn Nga Raxun Gamzatov: “kẻ nhìn trộm vào bản thảo của người khác không khác gì kẻ thò tay vào túi áo người ta”. bản thân tôi, nếu có viết một ý gì trùng lặp với một tác phẩm nào đó của ai thì khi in ra cũng thấy xấu hổ. Việc “nhái” hay “đạo”, nói thẳng ra là ăn cắp, dù vô tình mà nói theo kiểu lịch sự là “tư tưởng lớn gặp nhau”, hay cố tình thì cũng là hành vi kỳ cục, không có tư cách của người cầm bút.
- Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Không phải chỉ có phim, kịch bản… mà trong nghệ thuật nói chung, có thể học tập để sáng tạo mà không phải là “bắt chước” - hay copy. Có thể có những ý tưởng “gặp gỡ” nhau, nhưng không phải “bê” nguyên xi của người ta làm của mình. Tư cách người viết không cho phép làm điều đó.
- Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân của việc “đạo”, “nhái”…?
- Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Đối với người cầm bút thì cảm xúc thật của mình là quan trọng nhất, rồi tới vốn liếng của mình, có gì viết nấy, không có thì thôi. Lâu nay thiếu kịch bản điện ảnh, không phải là do không có đề tài, mà là thiếu người viết đủ tài. Không lẽ cứ quanh đi quẩn lại mấy ông già tụi tôi, viết mãi nó chán; phần nữa, cuộc sống là không ngừng, phải để cho lớp trẻ họ viết. Nhưng trong lớp trẻ thì nhiều người lại thiếu vốn sống, thiếu cảm xúc, không có đề tài riêng để theo đuổi, lại lười và ham nhiều thứ, thế là đi “thuổng” của người khác… Đâu phải ai cũng biết mà phát hiện.
- Nhà thơ Văn Lê: Sự ưu việt của công nghệ đã mang lại lượng thông tin và sự giao lưu rộng rãi với thế giới. Và rồi như một sự vô thức, những ý tưởng của người khác nhiễm vào tư duy của mình, rồi cứ nghĩ rằng đó là sự sáng tạo của mình… Phần khác, lâu nay đã hình thành một thói quen của chính các nhà làm phim (cả truyền hình và điện ảnh), là chạy theo lợi nhuận, nhanh - nhiều - rẻ, và rồi những người viết kịch bản phim cũng nhiễm thói lười biếng, thường lấy cái có sẵn của người rồi “Việt hóa”.
- Phải chăng đề tài làm phim quá hẹp nên thiếu kịch bản, phải “mượn”?
- Nhà thơ Văn Lê: Nói thế thì không chính xác. Chưa bao giờ ở Việt Nam thiếu đề tài để các nhà điện ảnh viết kịch bản, làm phim. Đề tài có vô số: chiến tranh, hậu chiến, vấn đề “tam nông”, cuộc sống đương đại, số phận con người… Nhưng điều chủ yếu là không có nhiều người chịu “khai phá”, vì những đề tài này cần phải có thời gian chiêm nghiệm, trải nghiệm, phải mất nhiều thời gian đầu tư… Trong khi phần đông thích chạy theo “mode” kiểu phim Hàn, Trung Quốc theo công thức: tình - tiền - thương trường, viết dễ vì có sẵn phim của người ta, lại thu lợi nhuận ngay lập tức.
- Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Chỉ riêng đề tài về người nông dân miền Tây Nam bộ đã mênh mông như sông nước, sao mà thiếu được. Rồi những đề tài về thành thị, về văn hóa truyền thống- hiện đại, về lịch sử Việt Nam… Chỉ thiếu người viết, người có cảm xúc để viết mà có người viết rồi, viết tốt rồi lại phụ thuộc người ta có muốn làm phim về nó hay không. mà chuyện làm phim thì cũng nhiêu khê, nhiều người chỉ thích phim dễ dãi, có sẵn ý tưởng của người khác, rồi “phù phép” thành của mình, vừa nhanh, vừa có thể ăn khách (vì được ăn theo sự ăn khách của bản gốc).
Có thể có nhiều lý do để biện minh cho việc “đạo”, “nhái”… nhưng phải chăng, đây cũng là một cách để các nhà hoạch định chiến lược phát triển ngành điện ảnh Việt Nam chú trọng đến khâu kịch bản, vấn đề cơ bản để có thể có một phim hay.
- Xin chân thành cảm ơn hai ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.