(HNMO) - Một dấu hiệu nữa về sự cải tổ trong thị trường tivi màn hình phẳng đầy cạnh tranh là Royal Philips Electronics, hãng sản xuất đồ điện tử tiêu dùng nổi tiếng thế giới của Hà Lan, sẽ ngừng sản xuất tivi bán cho Mỹ và Canada.
Tivi Philips không cạnh tranh nổi tại thị trường Mỹ -Ảnh: Tech2.com
Thương hiệu Philips vẫn sẽ được bán nhưng các sản phẩm giờ sẽ được làm bởi Funai Electric trong ít nhất 5 năm. Mặc dù không phải là một thương hiệu tiêu dùng nổi tiếng ở Mỹ nhưng Funai, một hãng của Nhật, hiện đã bán Emerson, Sylvania, Symphonic và nhiều thương hiệu giá rẻ khác ở thị trường Bắc Mỹ.
Khi giá những chiếc tivi LCD ngày càng giảm, Philips đã rơi vào một vị trí không đáng có: dẫu là một tên tuổi nổi tiếng, nhưng tivi của hãng này vẫn không giành được vị trí số 1 của Sony và Samsung và cũng không thể cạnh tranh ở cấp thấp với các thương hiệu như Vizio và Westinghouse.
Funai sẽ có trách nhiệm trong việc cung cấp, phân phối, tiếp thị, kinh doanh và dịch vụ khách hàng cho các thương hiệu Philip và Magnavox bắt đầu từ ngày 1/9 tới. Philips sẽ tiếp tục thiết kế, sản xuất và bán tivi ở các khu vực còn lại của thế giới, đồng thời giám sát việc kinh doanh của Funai tại thị trường Mỹ.
Năm 2007, Philips đã đạt doanh thu 1,7 tỷ USD trong mảng bán tivi tại Bắc Mỹ. Việc cho phép Funai kinh doanh nhãn hiệu của mình sẽ giúp Philips trở thành nhà sản xuất tivi lớn thứ 3 tại Mỹ.
Thị phần kinh doanh tivi LCD của Philips tại Mỹ đang ngày càng giảm, trong khi công ty đã từng đứng ở vị trí hàng đầu hồi quý IV/2006, chiếm 17% thị phần. Nhưng chỉ 1 năm sau, công ty đã rơi xuống vị trí thứ 6 với chỉ 6,6% thị phần.
Khi giá tivi giảm, mục tiêu lợi nhuận cũng khó đạt được. Theo iSuppli, một công ty nghiên cứu thị trường, giá bán trung bình của một chiếc tivi LCD 42inch đã rơi từ 2.082 USD hồi năm ngoái xuống mức hiện nay là 1.544USD, tương đương với giảm giá 26%.
Philips đã dự báo từ nhiều năm trước đó rằng họ cần phải thực hiện những động thái cấp thiết để nâng cao năng lực kinh doanh. Đầu năm nay, giám đốc điều hành của Philips, ông Gerard Kleisterlee đã từng nói, công ty sẽ chỉ bán sản phẩm của mình ở những thị trường mang lại lợi nhuận cao.
Philips đang "nối gót" cùng nhiều đối thủ cạnh tranh khác của mình giảm sự hiện diện của họ tại Mỹ. Năm 2003, Thomson, một công ty của Pháp, đã bán thương hiệu tivi RCA của mình cho hãng TCL của Trung Quốc. Tháng trước, Pioneer vừa tuyên bố không tự sản xuất màn hình plasma nữa, mà thay vào đó, sẽ mua của các công ty khác.
Ở quy mô toàn cầu, Philips đang bị tụt lùi trong lĩnh vực sản xuất hàng điện tử tiêu dùng. Gần đây nhất, công ty đã giảm đáng kể vị trí của mình ở LG. Philips L.C.D., một công ty sản xuất màn hình liên doanh với hãng LG (Hàn Quốc).
Các nhà phân tích cho rằng Philips đang bị "tổn thương" khi các thương hiệu hàng đầu như Sony giới thiệu một loạt các sản phẩm mới ở những cửa hàng giá rẻ như Wal-Mart và "thống trị" trên các giá hàng tại các cửa hàng bán lẻ khác.
Thêm vào đó, các thiết kế của Philips xuất hiện không bắt mắt người tiêu dùng Mỹ. Trong khi các công ty khác đang rút ngắn kích thước của khung bao quanh màn hình để khiến chiếc tivi trông có vẻ lớn hơn thì Philíp lại sử dụng sự tinh thông ánh sáng của mình để tạo ra Ambilight, một công nghệ chiếu ánh sáng bổ sung lên tường nhưng lại đòi hỏi các mép tivi dày hơn.
Các sản phẩm tiêu dùng khác của Philips ở Mỹ, trong đó có dòng đầu máy DVD, các thiết bị và phụ kiện nghe nhìn, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, dao cạo điện tử và đèn không bị ảnh hưởng bởi quyết định ngừng sản xuất tivi cho thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, song song với đó, Philips sẽ rời trụ sở của mình ở Atlanta và hợp nhất các nhân viên của mình từ các mảng kinh doanh sản phẩm khác còn lại về trụ sở ở Stamford.
H.V(Theo The New York Times)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.