Phiên họp toàn thể lần thứ 16 thẩm tra Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự Phiên họp toàn thể của Ủy ban Pháp luật. (Nguồn: daibieunhandan.vn) |
Ngày 6-3, tại Hà Nội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 16 thẩm tra Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự phiên họp.
Dự thảo Nghị quyết gồm ba chương và 18 điều. Theo đó, quy định về đối tượng áp dụng; căn cứ thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã; tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; áp dụng tiêu chuẩn về số đơn vị hành chính trực thuộc của đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị khi thực hiện sắp xếp; thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Mục tiêu của việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước; bảo đảm hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh...
Mục tiêu đến giai đoạn 2019-2021, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% của cả hai tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số; khuyến khích các địa phương thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn lại chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định để tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp, phát triển kinh tế-xã hội và được đa số nhân dân đồng thuận.
Qua thảo luận, các ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Đây là công việc hệ trọng, liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định chính trị-xã hội, quốc phòng, an ninh phát triển kinh tế-xã hội và đặc biệt là tâm tư, nguyện vọng của người dân và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã được xác định rõ trong Nghị quyết của Đảng và Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Nghị quyết này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ là các quy định khung, có tính nguyên tắc nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp các đơn vị hành chính chưa đạt chuẩn theo quy định.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể cho địa phương và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong từng đề án cụ thể.
Lưu ý việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã không chỉ liên quan đến tổ chức bộ máy và biên chế trong các cơ quan nhà nước (Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân) mà còn gồm tổ chức bộ máy, biên chế trong cơ quan Đảng, đoàn thể, nhưng những nội dung này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị sau khi Nghị quyết này được thông qua, cần có văn bản gửi các cơ quan, tổ chức có liên quan đề nghị lưu ý việc hướng dẫn, chỉ đạo theo thẩm quyền để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế và giải quyết chế độ chính sách trong toàn hệ thống chính trị ở địa phương.
Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tán thành với ý kiến thẩm tra của Thường trực Ủy ban Pháp luật. Theo đó, năm 2019 cơ bản sắp xếp các đối tượng chưa đủ cả hai yếu tố là quy mô dân số và diện tích tự nhiên nhưng cũng cần cân nhắc thận trọng các yếu tố khác.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Tờ trình Dự thảo Nghị quyết cần có một số quy định mang tính nguyên tắc, sau đó giao chi tiết cho Chính phủ, các đơn vị cụ thể; đề nghị cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo rà soát, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện cả về nội dung và kỹ thuật văn bản của Dự thảo Nghị quyết.
Tại phiên họp, Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra Tờ trình và Đề án của Chính phủ về việc thành lập thị xã Mỹ Hào và bảy phường thuộc thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên; Tờ trình và Đề án của Chính phủ về việc thành lập thị trấn Vĩnh Viễn thuộc huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.