Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phiên chợ đồ cũ Hà Nội: Hứa hẹn sự thú vị

Minh Ngọc| 03/11/2013 06:32

(HNM) - Hôm nay, 3-11,

Việc trao đổi, mua bán những món đồ đã qua sử dụng là nhu cầu cũng là thú chơi của nhiều người. Trên thế giới, các phiên chợ loại này được mở ở nhiều nơi, thu hút sự chú ý của người dân sở tại và khách du lịch. Hội Cổ vật Thăng Long và Bảo tàng Hà Nội khai thác sảnh phía bên phải của bảo tàng làm địa điểm tổ chức phiên chợ này - họp từ 9h30 đến 16h30 ngày chủ nhật hằng tuần.

Chợ đồ cũ là nơi những người yêu thích cổ vật gặp gỡ, giao lưu, đồng thời là điểm đến thú vị cho du khách.


Gọi là chợ nhưng "Phiên chợ đồ cũ Hà Nội" mang phong cách riêng. Các gian hàng được thiết kế theo hình thức chợ quê, như thường thấy ở mỗi làng quê Việt Nam, với những hình ảnh gợi nhớ như cầu gỗ, cây đa, mái đình làng… Mặt hàng được bày bán ở chợ là đồ cũ, đồ cổ, đồ thủ công mỹ nghệ (lụa, sơn mài, đồ xương, đồ sừng…) - lựa chọn từ những làng nghề nổi tiếng nhằm góp phần giới thiệu nét văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Chủ các gian hàng là hội viên Hội Cổ vật Thăng Long và hội cổ vật các địa phương. "Hiện tại, chúng tôi bố trí khoảng 40 gian hàng. Nếu số gian hàng này không đáp ứng được nhu cầu mua bán, trao đổi của người dân và du khách, chúng tôi sẽ tính toán thêm" - ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hội Cổ vật Thăng Long cho biết.

Trước sự băn khoăn của dư luận về tình trạng hàng giả, hàng nhái, sự mất trật tự có thể xảy ra tại phiên chợ, ông Đào Phan Long nói: "Tiêu chí của chợ không chỉ là nơi kinh doanh, trao đổi sản phẩm, mà còn là nơi để những người yêu thích sản phẩm độc đáo đến giao lưu, kết bạn, trao đổi. Hơn thế, chợ là nơi để người Việt giới thiệu các sản phẩm thủ công chính hiệu đến người nước ngoài và ngược lại. Chợ quy định rõ người bán hàng không được mang, bán các loại hàng hóa mà Nhà nước cấm, các sản phẩm phản văn hóa. Những ngày họp chợ, thành viên Ban quản lý chợ gồm đại diện Hội Cổ vật Thăng Long, Bảo tàng Hà Nội… sẽ có mặt kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh. Với những người mua, bán, trao đổi đồ cổ, nếu cần sự thẩm định thì sẽ có chuyên gia hỗ trợ, tư vấn".

Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Đà, Phó Giám đốc điều hành Bảo tàng Hà Nội cho biết thêm: Trong thời gian chờ đợi nội dung trưng bày của Bảo tàng Hà Nội hoàn thành vào năm 2015, Bảo tàng Hà Nội được TP Hà Nội cho phép khai thác các hoạt động ngoài sân vườn nhằm thu hút khách tham quan. Việc tổ chức phiên chợ cũ bên ngoài bảo tàng không nằm ngoài mục đích đó. Từ khi còn là ý tưởng, bảo tàng đã có nhiều buổi làm việc với các cơ quan chức năng và đã nhận được sự đồng ý. Hơn nữa, chợ được thiết kế đơn giản, linh hoạt, sau khi họp xong có thể thu gọn, trả lại mặt bằng cho bảo tàng nên sẽ không phá vỡ không gian cảnh quan bên ngoài, càng không ảnh hưởng đến nội dung trưng bày bên trong. Để tăng tính hấp dẫn, BQL chợ còn mời các ban nhạc dân tộc đến biểu diễn miễn phí nhằm phục vụ du khách trong suốt thời gian họp chợ.

Ngoài phiên chợ đồ cũ với sự đa dạng của các mặt hàng, du khách đến Bảo tàng Hà Nội còn được ngắm nhìn, tìm hiểu nghệ thuật bonsai qua 15.000 cây cảnh đang trưng bày tại đây, được thưởng thức âm nhạc dân tộc... Những yếu tố đó cộng lại sẽ đưa Bảo tàng Hà Nội và phiên chợ đồ cũ trở thành một trong những địa chỉ du lịch hấp dẫn ở Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phiên chợ đồ cũ Hà Nội: Hứa hẹn sự thú vị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.